Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phần 2 buổi đối thoại với đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam chiều 11-12 - Ảnh: NAM TRẦN
Đại biểu Nguyễn Thị Như Quỳnh (tỉnh Thái Nguyên) đưa ra trăn trở có những sinh viên giỏi, ưu tú nhưng không được hỗ trợ toàn diện, phải tự chi trả chi phí học tập từ gia đình hoặc đi làm thêm. Có những thông tin sinh viên giỏi nhận học bổng toàn phần, bán phần từ các quốc gia khác, là "chảy máu chất xám từ gốc".
Chia sẻ vấn đề này, phó thủ tướng nói: "Đất nước mình còn nghèo lắm. 5 năm trước, tôi giao lưu với sinh viên cũng nghèo lắm, chế độ hỗ trợ cho sinh viên còn chưa toàn diện, chưa bền vững. Chúng ta phải hỗ trợ cho nhiều đối tượng như người có công, yếu thế trong xã hội, lượng ngân sách bỏ ra rất lớn. Nhiều gia đình có công, nạn nhân chất độc màu da cam… chúng ta trợ cấp chưa đủ.
Nói như thế không phải chúng ta không hỗ trợ sinh viên khó khăn. Với con em hộ nghèo, Nhà nước cũng có chính sách tín dụng đáp ứng một phần nhu cầu cho các bạn", phó thủ tướng nói.
Mới đây các trường tự chủ cũng có học bổng dành cho học sinh giỏi. Học bổng học sinh giỏi không phải của Nhà nước, của các trường mà còn là cuộc đua của các trường. Một số nước cấp học bổng toàn phần với các bạn, thu hút các bạn đến đó học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại cùng đại biểu Đại hội Sinh viên toàn quốc - Ảnh: NAM TRẦN
"Bạn nói sinh viên học xong ở đó làm, là chảy máu chất xám. Các sinh viên, học sinh nhận học bổng ở các nước có phải chảy máu chất xám? Các bạn có thể về các nước cống hiến, cũng có thể không về ngay, mà ở đó cống hiến cũng được.
Quan trọng nhất, tất cả chúng ta phải nỗ lực hơn. Đất nước không thể nghèo mãi thế này được. Để không nghèo mãi, các bạn phải học. Tất cả chúng ta phải cố gắng, có được không?". Phó thủ tướng Vũ Đức Nam nói dứt lời, cả khán phòng vỗ tay hưởng ứng.
Một sinh viên đề nghị phó thủ tướng chia sẻ bí kíp học ngoại ngữ, cách vừa học, vừa đảm bảo công việc mà vẫn dành thời gian đối thoại với sinh viên.
"Tôi rất bận, nhưng vẫn đến vì đây là trách nhiệm. Thanh niên là lực lượng quan trọng, đấy là lý do công. Lý do nữa là tôi được trẻ ra trong suy nghĩ. Nếu có dịp, tôi thường ưu tiên sự kiện, hoạt động của sinh viên.
Tôi may mắn "là con nông dân" được đi học nước ngoài, đi học ở nước nói tiếng Pháp, lúc đại học lại học chuyên ngành công nghệ thông tin, phải học bằng tiếng Anh. Thời đó "cúi mặt xuống, quay lưng lên mà tra từ điển", phải học thôi.
Không có ai giỏi hết, lâu ngày không giao tiếp thì không giao tiếp được. Các đại biểu thường hỏi tôi sao thuộc con số. Bí quyết rất đơn giản: chỉ có chịu khó thôi", Phó thủ tướng chia sẻ bí quyết học ngoại ngữ.
"Dù thông minh hay không thông minh đều cần phải chịu khó học tập", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ - Ảnh: NAM TRẦN
Coi xóa mù công nghệ là "bình dân học vụ 2.0"
Trước mối quan tâm của đại biểu đến từ Hà Nội hệ hệ thống tri thức Việt số hóa, phó thủ tướng cho biết, trước đây xóa mù chữ bằng bình dân học vụ, nay có thể xóa mù công nghệ bằng phương pháp tương tự.
"Chúng tôi gọi vui là tinh thần "bình dân học vụ 2.0". Trong thời đại này, làm sao quy tụ tất cả nguồn tri thức nằm ở Nhà nước, doanh nghiệp… về một chỗ, kết nối, hệ thống, phân loại nó. Nếu hình thành được dữ liệu như vậy, cộng với phổ cập Internet thì mọi người dân đều tự mình học hỏi và giúp người khác", Phó thủ tướng bày tỏ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, hệ thống tri thức Việt số hóa đang bước đầu được xác lập và có các phân hệ: giáo dục, chăm sóc sức khỏe, du lịch.Các ứng dụng sẽ hoạt động sau vài tuần nữa.
"Chúng ta có rất nhiều thứ, có thể chia sẻ với nhau qua đây. Tài nguyên sẽ không mất đi mà tăng lên", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ đến sinh viên.
Đối thoại 'nóng' với giáo dục, an ninh mạng
Ngay phần mở đầu là băn khoăn của sinh viên TP.HCM gửi đến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sinh viên sợ với những môn học về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh dù đã đổi mới phương thức học tập. Mong Bộ Giáo dục và đào tạo giải đáp Bộ đã tham mưu với Chính phủ như thế nào trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ - Ảnh: NAM TRẦN
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng câu hỏi chạm đúng phần xã hội quan tâm. Theo bộ trưởng, môn chính trị, lý luận thường bị coi là khô khan. Trong thực tế, để góp phần truyền thụ môn này, nội dung, phương pháp dạy là hết sức quan trọng. Bộ nhận thấy đây là một trong những vấn đề quan trọng nên đã tham mưu Chính phủ, đặc biệt Ban tuyên giáo Trung ương để đổi mới phương pháp dạy.
Bộ trưởng cho rằng hiện nay có một số giáo viên còn dạy lý luận suông, giáo viên phải đúc kết thực tiễn để giảng dạy. Phương pháp dạy phải có tương tác. Sinh viên phải biết phản biện tích cực, tương tác với giáo viên mới tạo được bài học tốt.
Đại biểu Trần Việt Anh (TP.HCM) - Ảnh: NAM TRẦN
Đại biểu Trần Việt Anh, sinh viên ĐH Luật TP.HCM trăn trở về không gian mạng. Theo đại biểu này, các thế lực phản động thường xuyên lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá Nhà nước bằng nhiều thủ đoạn, lôi kéo một bộ phận sinh viên. Sinh viên hỏi Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông về Luật An ninh mạng đã được thông qua, nhưng lộ trình ban hành văn bản hướng dẫn thi hành như thế nào.
Đại diện Bộ Thông tin và truyền thông - Thứ trưởng Phan Tâm cho biết Luật An ninh mạng được thông qua là nội dung còn rất mới. Khi Luật có hiệu lực, chúng ta sẽ có thêm công cụ quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt với đối tượng vi phạm ở nước ngoài.
Thứ trưởng cho biết, Chính phủ đang thiết lập các cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài như Google để xóa bỏ những thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Google đã gỡ bỏ khoảng 4.500 video clip độc, hại, gỡ bỏ các kênh đưa thông tin xấu. Facebook cũng hợp tác gỡ bỏ thông tin xấu về Việt Nam.
"Bất kỳ việc gì cũng có hai mặt, tốt hay không tốt đều phụ thuộc người sử dụng. Thanh niên phải trang bị kỹ năng, miễn nhiễm không gian xấu, độc, tham gia đấu tranh cho không gian mạng tốt đẹp hơn", Thứ trưởng Phan Tâm nhắn nhủ sinh viên.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Phan Tâm - Ảnh: NAM TRẦN
Đề xuất hình thành nhóm nghiên cứu trong trường học
Đại biểu Hứa Thanh Hoa (Hà Nội) kiến nghị: "Có nên có đơn vị đứng ra thực hiện vai trò kết nối các đề tài nghiên cứu của sinh viên, giảng viên trẻ với doanh nghiệp, xây dựng chiến lược và đặt hàng các công trình nghiên cứu theo các nhu cầu của xã hội?".
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định nghiên cứu khoa học cùng đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề "trụ cột" của giáo dục. Đây là một trong những chỉ số quyết định thứ hạng của trường đại học.
"Tại sao công tác nghiên cứu khoa học nói chung đã có tiến bộ nhưng vẫn vô cùng gian nan? Câu hỏi của bạn là một trong những gợi ý cho chúng tôi", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng cho biết các trường đại học được phép thành lập doanh nghiệp, start-up, vườn ươm để đầu tư, nghiên cứu. Hiện đã có đầu tư cho các trường đại học, vấn đề tồn tại nằm ở quá trình tổ chức thực hiện.
Theo Bộ trưởng, trường học phải hình thành các nhóm nghiên cứu, các thầy nghiên cứu khoa học với học trò. Việc ra thị trường đòi hỏi quá trình, thời gian.
Đại biểu Lê Thị Hồng Nhung (Học viện Tài chính) chia sẻ, ký túc xá không đủ, nhiều sinh viên phải trọ bên ngoài, dễ dẫn đến sa ngã, hư hỏng. Sinh viên này mong muốn Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tham mưu, có giải pháp nào để giải quyết?
Theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, việc xây dựng các trường đại học kèm ký túc xá và bắt buộc có thiết chế văn hóa theo quy định, phù hợp với quy mô của trường. Nhưng lượng sinh viên tăng nhanh, nhiều trường không đáp ứng đủ. Trung ương Đoàn và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ký kết phối hợp, trong đó có nội dung phối hợp với chính quyền địa phương bàn về việc xây dựng thiết chế văn hóa cho sinh viên, bàn giao quản lý các thiết chế văn hóa cho thanh niên quản lý.
Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch - Ảnh: NAM TRẦN
Sinh viên gặp khó khi thực tập
Lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục nhận câu hỏi nóng từ đại biểu Bùi Tuấn Kiệt (Bình Định): "Cơ hội nào cho sinh viên khi nhiều doanh nghiệp không muốn nhận thực tập?".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, rất nhiều chương trình đào tạo tại Việt Nam chưa phản ảnh được thị trường, nhất là kỹ năng, nên sinh viên gặp khó khi thực tập. Còn doanh nghiệp vốn có sẵn quy trình nên cho "người lạ" tham gia sẽ khó khăn. Sinh viên cần nghiêm túc nhìn nhận quá trình học tập, có phù hợp với doanh nghiệp không. Bộ cũng chỉ đạo các trường phải chú trọng nhu cầu của thị trường, liên kết ba yếu tố nhà trường - doanh nghiệp - sinh viên.
Một đại biểu nêu đề xuất Chính phủ xây dựng về mức vốn vay cho sinh viên theo từng giai đoạn, trong đó có thể cân nhắc việc phân các mức vay vốn khác nhau đối với các chuyên ngành và đối tượng.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết hiện cho sinh viên vay hơn 61.000 tỉ đồng. Việc cho vay, xây dựng chính sách, đề xuất của sinh viên là cơ sở để Bộ nghiên cứu. Hiện Bộ Tài chính đang đề xuất cho sinh viên vay dự kiến 2,5 triệu đồng/tháng.
Đại biểu Trần Thị Thanh Phương, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) băn khoăn về những chính sách khuyến khích sinh viên, đặc biệt sinh viên nước ngoài đi du học về nước cống hiến.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2017, Đảng, Nhà nước đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học Công nghệ có chính sách thu hút nhân lực trí tuệ ở nước ngoài về làm việc. Có nhiều phương pháp, nhưng với giáo dục thì cách thu hút tốt nhất là ở nhóm nghiên cứu. Bộ trưởng đánh giá hiện có một số trường đại học làm tốt như Trường ĐHQG Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân. Bộ cũng đang xây dựng các nhóm nghiên cứu, các mạng lưới "vệ tinh" nghiên cứu.
"Có nhiều con đường để cống hiến, không nhất thiết phải về nước hết. Du học sinh, trí thức có thể thông qua nhóm nghiên cứu quốc tế, đóng góp trí tuệ, đưa ra các sản phẩm chuyển giao công nghệ", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, lấy gương giáo sư Ngô Bảo Châu đi học hơn 20 năm ở nước ngoài, đạt trình độ và về nước cống hiến.
"Tôi tin rằng nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan trọng là các bạn có đủ năng lực để đáp ứng với nhu cầu hay không. Quan trọng là các bạn có muốn về hay không. Các bạn sẽ có cách về, cách làm, cống hiến và phát triển bản thân", thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Ngay sau cuộc đối thoại của lãnh đạo Chính phủ với sinh viên, Đại hội sẽ cho ra mắt Ban chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2018 - 2023; thông qua nghị quyết Đại hội và công bố thư Đại hội gửi sinh viên cả nước.
Ra mắt Hội đồng tư vấn, đồng hành với sinh viên Việt Nam
Ban chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam quyết định thành lập Hội đồng tư vấn, đồng hành với sinh viên Việt Nam giai đoạn 2018 - 2023, với mong muốn được nghe tham vấn về các hoạt động về tư vấn, hỗ trợ sinh viên Việt Nam.
Hội đồng tư vấn, đồng hành với sinh viên Việt Nam ra mắt tại đại hội - Ảnh: NAM TRẦN
Các thành viên tham gia Hội đồng tư vấn, đồng hành ra mắt tại Đại hội gồm bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu; ông Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao; GS. Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Kỹ Thuật Hóa học, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; KTS. Hoàng Thúc Hào, giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Chủ tịch Hội kiến trúc sư trường Đại học Xây dựng; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty Cổ phần FPT; ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Công ty Cổ phần Trường Hải; ca sĩ Hà Anh Tuấn; Nguyễn Thị Ánh Viên, vận động viên đội tuyển Bơi lội quốc gia.
Hội đồng tư vấn, đồng hành với Sinh viên Việt Nam là một trong những nét mới của kỳ Đại hội lần này, với mong muốn kêu gọi được sự quan tâm của xã hội trong sự phát triển của sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận, nhận được chia sẻ của những người thành đạt.
-Dương Liễu-
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận