Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo không cho đầu tư xây dựng các dự án không đảm bảo yêu cầu về xử lý môi trường - Ảnh: NAM TRẦN |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà, năm 2016, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành tài nguyên - môi trường vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
“Trong năm 2016 vấn đề môi trường nóng ở nhiều nơi, bức xúc ở nhiều nơi. Vấn đề môi trường đã vượt quá ngưỡng chịu đựng. Đặc biệt là sự cố môi trường ở bốn tỉnh miền Trung đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng” - ông Hà nói.
Vấn đề môi trường vượt quá ngưỡng chịu đựng
Ông Hà cũng chỉ rõ còn những tồn tại, hạn chế khác như việc sử dụng các nguồn tài nguyên chưa hiệu quả, còn tình trạng lãng phí, nhất là trong quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, còn xảy ra tình trạng đất chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa tại nhiều địa phương.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra ở một số địa phương gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, ô nhiễm môi trường. Tài nguyên nước còn bị lãng phí, thậm chí ở ngay cả những vùng khan hiếm nước.
“Tình trạng ô nhiễm môi trường còn nhiều phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Vẫn còn một số lượng lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý” - ông Hà thừa nhận.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - phó chủ tịch UBND TP.HCM, vấn đề quản lý về môi trường hiện nay thật sự khó khăn.
“TP.HCM có 16 khu công nghiệp và đều đã xử lý nước thải theo quy chuẩn. Vừa qua đã thực hiện quyết liệt để đầu tư quan trắc tự động để truyền dữ liệu về Sở TN-MT để quản lý, theo dõi. Một trong những giải pháp cơ bản là phải đảm bảo toàn bộ nước thải trước khi xả ra môi trường phải được xử lý” - ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng khẳng định: “từ sự cố môi trường biển, chúng tôi ý thức được việc quan trắc môi trường biển cần phải làm thường xuyên”.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng tình với ý kiến nhiều địa phương về việc phải đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý môi trường.
“Trọng tâm phải gắn với giải quyết bức xúc từ thực tiễn, đặc biệt là thanh tra giải quyết các điểm nóng về môi trường” - ông Dũng nói.
Bên cạnh những nỗ lực của ngành, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định ngành tài nguyên đang phải đối mặt với nhiều thách thức
“Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra ở nhiều địa phương. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước trong khi nguồn nước ngày càng cạn kiệt” - Phó chủ tướng nêu.
Không cho xây dự án vi phạm môi trường
Nhấn mạnh về nhiệm vụ trong năm 2017, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ TN-MT phải nâng cao chất lượng thẩm định dự án, thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư.
“Việc thẩm định dự án, thẩm định đánh giá môi trường phải tránh hình thức. Rõ ràng có thời kỳ chúng ta làm hình thức, vì chúng ta chưa thấy thiệt hại về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Sự cố môi trường do Formosa gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm 2016 thì đó là bài học cảnh tỉnh, đòi hỏi chúng ta phải hết sức nghiêm túc trong nâng cao chất định thẩm định dự án, nâng cao trách nhiệm đánh giá môi trường.
Cơ quan quản lý, cơ quan tư vấn phải làm nòng cốt huy động các nhà khoa học. Cơ quan quản lý nhà nước phải tranh thủ cả nhà tư vấn trong nước và quốc tế để thẩm định hiệu quả dự án liên quan đến vấn đề công nghệ, thẩm định báo cáo môi trường” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cũng khẳng định quan điểm “không cho đầu tư xây dựng các dự án không đảm bảo các yêu cầu về xử lý môi trường".
Đối với các dự án đầu tư xây dựng xong, chỉ cho vận hành khi đã có đủ cơ sở xử lý môi trường theo yêu cầu về chất thải, nước thải đảm bảo.
Đề cập đến dự án thép của Formosa, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ TN-MT phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường, công tác quản lý môi trường.
“Khi đáp ứng đủ các điều kiện thì mới cho phép hoạt động. Với Formosa, tôi yêu cầu phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận