
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc - Ảnh: VGP
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, từ ngày 6 đến ngày 14-4, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ tham dự chương trình Đối thoại chính sách cấp cao tại Đại học Columbia (New York), thăm làm việc tại Mỹ và thăm chính thức Cộng hòa Cuba.
Chuyến công tác tại Mỹ của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chính thức công bố việc áp thuế đối ứng với tất cả các quốc gia. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước bị đánh thuế ở nhóm cao nhất với 46%.
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, mức áp thuế này được xem là kịch bản "tồi tệ" nhất đối với hàng hóa xuất từ Việt Nam. Bởi so với nhiều đối thủ khác mà Việt Nam đang cạnh tranh tại Mỹ, mức đánh thuế đối với Việt Nam sẽ khiến cho hàng hóa kém sức cạnh tranh tại thị trường này.
Trong đó có những nước là đối thủ của Việt Nam tại thị trường Mỹ như Thái Lan 36%, Ấn Độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%...
Điều này dẫn tới nhiều mặt hàng xuất khẩu hiện đang có kim ngạch lớn vào Mỹ như máy tính, điện tử, điện thoại, phụ tùng linh kiện và dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, hạt điều... sẽ bị ảnh hưởng rất lớn khi cơ hội, cánh cửa cho hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ hẹp lại.
Bởi vậy, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng với sự chủ động ứng phó của Chính phủ, cùng chuyến đi của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ giúp hai bên có thể đàm phán để đạt được một thỏa thuận cân bằng hơn, giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp trong bối cảnh đầy khó khăn như hiện nay.
Một nguồn tin của Tuổi Trẻ Online tại cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ cũng cho hay các bên liên quan đang chuẩn bị các nội dung cho chuyến công tác của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc hiện nay đang được Thủ tướng Chính phủ phân công theo dõi, chỉ đạo: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, bảo hiểm tiền gửi.
Ông Phớc thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác như kế hoạch đầu tư; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô; tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; thị trường vốn, thị trường chứng khoán; các nguồn đầu tư tài chính; dự trữ nhà nước.
Cùng đó là vấn đề chi ngân sách nhà nước, sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước, Quỹ dự trữ tài chính, Quỹ dự trữ ngoại hối và các quỹ khác của Nhà nước; phát hành công trái, trái phiếu Chính phủ; tiền lương, tài sản công...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận