Ngày 2-10, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có ý kiến chỉ đạo về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đề án đã được UBND TP.HCM tổ chức nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng để phục vụ việc xem xét bổ sung bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào các quy hoạch và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Đến nay, Thủ tướng đã bổ sung bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xây dựng hạ tầng đồng bộ với lộ trình làm siêu cảng Cần Giờ
Để sớm tổ chức triển khai đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, phó thủ tướng giao UBND TP.HCM khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060 trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Cân đối nguồn lực, gồm cả việc huy động từ các thành phần kinh tế khác để hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối dự án.
TP.HCM chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại nghị quyết 98 và tổ chức triển khai xây dựng theo quy định. Đồng thời xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư hạ tầng, công trình phụ trợ dịch vụ sau cảng…
Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển; chủ trì lập và phê duyệt theo thẩm quyền Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM. Có ý kiến về công nghệ bốc dỡ hàng hóa trong quá trình tham gia ý kiến bước đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời phối hợp TP.HCM tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại nghị quyết 98. Chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp TP.HCM thẩm định, trình Thủ tướng điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp TP.HCM thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 trên địa bàn TP. Bên cạnh đó là hướng dẫn, kiểm tra, chấp thuận việc giao đất, giao mặt biển, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, việc bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên và phương án, địa điểm đổ thải nạo vét.
Bộ Quốc phòng phối hợp với TP.HCM và các bộ, ngành liên quan trong việc thẩm định vị trí dự án yếu tố về quốc phòng - an ninh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan hướng dẫn quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác của dự án theo quy định.
Bộ Công Thương phối hợp TP.HCM trong việc đấu nối, cung cấp điện phục vụ hoạt động dự án. Còn Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn trong việc đầu tư khai thác khu phi thuế quan.
Đầu tư xây dựng cảng trung chuyển từ năm 2026-2028
Phó thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để triển khai thực hiện và xem xét giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền đối với các nội dung liên quan trong quá trình tổ chức nghiên cứu, đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
UBND TP.HCM và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của phó thủ tướng tại thông báo 418 ngày 13-9 của Văn phòng Chính phủ. Trong đó sử dụng tối đa thông tin, số liệu của đề án để cập nhật, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy định. Đồng thời hoàn thiện các quy hoạch liên quan bảo đảm đồng bộ, thống nhất phục vụ đầu tư, khai thác bến cảng.
Theo kế hoạch triển khai, năm 2024 Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Sau đó TP.HCM sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2025. Siêu cảng có kế hoạch xây dựng và hoàn thành từ năm 2026 đến 2028.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận