08/08/2016 08:10 GMT+7

Phó thủ tướng: dồn sức chống dịch sốt xuất huyết ở Tây nguyên

THÁI BÁ DŨNG - LAN ANH, DUNGTB@TUOITRE.COM.VN
THÁI BÁ DŨNG - LAN ANH, [email protected]

TTO - Ngày 7-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã họp tại Buôn Ma Thuột cùng đại diện các tỉnh Tây nguyên tìm biện pháp dập dịch sốt xuất huyết.

Thói quen ngủ qua đêm trên nương rẫy của người dân Tây nguyên là một nguyên nhân khiến sốt xuất huyết gia tăng - Ảnh: T.B.D.
Thói quen ngủ qua đêm trên nương rẫy của người dân Tây nguyên là một nguyên nhân khiến sốt xuất huyết gia tăng - Ảnh: T.B.D.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay cả nước đã có gần 50.000 ca nhiễm sốt xuất huyết tại 48 tỉnh thành, trong đó có 17 trường hợp tử vong.

Tại Tây nguyên có gần 7.500 ca mắc, đặc biệt chiều hướng gia tăng số ca sốt xuất huyết của khu vực này đang cao nhất nước.

Mầm bệnh ở lốp xe, chum vại...

Sáng 7-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình sốt xuất huyết ở các hộ dân.

Một tuần trước đó, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác vào tỉnh Gia Lai - địa phương có tỉ lệ mắc rất cao - để hỗ trợ địa phương khẩn trương dập dịch.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đánh giá: “Dịch sốt xuất huyết ở Tây nguyên đang tăng cao theo chu kỳ bốn năm một lần. Hiện Tây nguyên chưa phải là khu vực có số ca mắc nhiều nhất nước nhưng mức độ bùng phát của dịch đang rất đáng lo ngại.

Chúng tôi vào làng nào cũng gặp cảnh lốp xe, tô đựng mủ cao su, các vật dụng chứa nước sạch lăn lóc quanh vườn. Đây chính là các ổ mầm bệnh”.

Bác sĩ Đào Duy Khánh - giám đốc Sở Y tế Kon Tum - thông tin tỉnh này đang có gần 1.700 ca mắc sốt xuất huyết, có tỉ lệ ca mắc tính trên 100.000 dân cao nhất khu vực.

Bà Huỳnh Nữ Thu Hà, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai, cho biết ở Gia Lai dịch sốt xuất huyết lây lan khá nhanh, với hơn 3.000 ca mắc, đã ghi nhận ca tử vong.

Nguyên nhân chính dẫn đến số ca mắc tăng cao, theo bà Hà, là đang vào cao điểm mùa mưa, người dân ở các buôn làng chưa ý thức tốt việc phòng ngừa dịch bệnh, số dân đi làm nương rẫy rồi ngủ lại qua đêm ở rẫy còn rất nhiều dẫn đến việc tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, số ca mắc tại Đắk Lắk là hơn 1.800 ca, là một trong 10 tỉnh có số ca mắc nhiều nhất nước.

Theo Cục Y tế dự phòng, xu hướng tăng của dịch sốt xuất huyết tại Tây nguyên năm nay hiện đang theo chu kỳ các năm trước, có thể sẽ giảm xuống từ sau tháng 11 trở đi nhưng năm nay xu hướng tăng tính theo thời điểm lại cao vọt hơn so với các năm trước.

“Tuyên truyền cho dân càng dễ hiểu càng tốt”

Tại buổi làm việc với các tỉnh Tây nguyên, Bộ Y tế cho biết với tình hình hiện nay, muốn dập được dịch sốt xuất huyết phải đặt công tác truyền thông lên hàng đầu. Truyền thông phải đi trước, phải giải thích bằng hình thức nào đó thật riêng biệt sao cho người dân Tây nguyên hiểu.

“Chúng ta cứ tuyên truyền rằng hết lăng quăng, hết bọ gậy thì không còn sốt xuất huyết. Nhưng làm thế nào để hết thì không thấy nói.

Tôi đi xuống làng thăm bà con thì thấy người dân rất mộc mạc, cho nên việc tuyên truyền cũng phải hết sức đặc thù, nói sao cho càng đơn giản, càng mộc mạc, đổ cái chum thế nào để muỗi không đẻ được, lật cái lốp xe thế nào... Nói sao cho dân hiểu thì mới hiệu quả được” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.

Ông Trần Đắc Phu phản ảnh một tình trạng khi khảo sát thực tế tại các tỉnh Tây nguyên khiến đoàn công tác lo ngại là hầu như hộ gia đình nào cũng có các bể chứa nước lộ thiên nằm thấp bên hiên nhà, các loại lốp xe, chai lọ, chum vại vứt lăn lóc rất nhiều.

Theo ông Phu, muốn dập dịch tốt thì phải hiểu cho đúng loại muỗi nào sinh ra sốt xuất huyết, sống trong môi trường thế nào để “đánh cho trúng” - tất nhiên nếu diệt được tất cả các loại muỗi gây bệnh thì càng tốt.

“Loại muỗi truyền virút sốt xuất huyết sống trong môi trường nước sạch, chẳng hạn như bể nước, nước mưa đọng trong chum vại, lốp xe.

Muỗi này không sống trong ao hồ, kênh rạch có nguồn nước tù đọng hay bụi cây rậm. Phải hiểu như thế thì mới giải thích cho người dân ý thức dập dịch, ngăn ngừa “trúng chỗ” được” - ông Phu nói.

Một vấn đề "ngoài lề" khác khi được hỏi về việc ghi nhận bệnh nhân mắc virút zika có gây nên tình trạng “dịch chồng dịch” (do biểu hiện bệnh 2 loại bệnh này giống nhau), ông Phu đã trả lời không có gì bất thường vì virút zika đang lưu hành ở nhiều vùng, VN mới ghi nhận 3 ca bệnh.

May mắn là qua giải trình tự gen thì chủng virút zika đang lưu hành ở VN khó lây lan. Nếu diệt mầm bệnh sốt xuất huyết, diệt muỗi gây bệnh thì chặn được cả 2 căn bệnh này.

Trước diễn tiến của dịch sốt xuất huyết, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu phải , Chính phủ đã cấp đột xuất 2 tỉ đồng cho 4 tỉnh Tây nguyên và sẽ chuyển sớm kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý các ổ dịch...

Chủ tịch tỉnh thành chịu trách nhiệm về nhiệm vụ chống dịch

Đây là yêu cầu trong công điện của Thủ tướng ngày 7-8 về chống dịch sốt xuất huyết đang lan rộng.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh thành chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở ban ngành và vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất, đặc biệt là tại các công trường xây dựng, các dụng cụ chứa nước, khu dân cư.

Người dân có biểu hiện bệnh phải đến ngay cơ sở y tế, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà. Sở Y tế tổ chức xử lý sớm ổ dịch, phát hiện sớm bệnh nhân và cấp cứu kịp thời, hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

Chủ tịch tỉnh thành chịu trách nhiệm trước Chính phủ về nhiệm vụ chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

THÁI BÁ DŨNG - LAN ANH, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp