Doanh nghiệp đói vốn, ngân hàng thì thừa tiền
Chiều 20-10, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - nhận định có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên không mở rộng sản xuất kinh doanh, sản xuất cầm chừng.
Câu chuyện doanh nghiệp nói thiếu vốn còn ngân hàng nói thừa vốn. Doanh nghiệp nói không tiếp cận được vốn. Ngân hàng thì nói mỏi mắt không tìm được doanh nghiệp. Tình trạng này vẫn diễn ra nhiều năm nay.
Nhưng những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn thì ngân hàng phải cho vay. Song, ngân hàng không thể cho vay đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện vay.
Đó là câu chuyện của thị trường.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Tú, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp đảm bảo góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, vốn cho nền kinh tế. Hiện thanh khoản của ngân hàng rất tốt. Lượng vốn đang nằm trong các ngân hàng rất dồi dào.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành, qua đó tác động đến giá vốn của ngân hàng thương mại, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp khó khăn sẽ được ngân hàng thương mại giãn, hoãn nợ… Những chính sách này rất thiết thực, ý nghĩa đối với doanh nghiệp.
Nghiêm cấm ngân hàng ép khách mua bảo hiểm
Đồng thời, theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư hướng dẫn cho vay ngân hàng có lãi suất thấp để trả cho ngân hàng khác có lãi suất cao hơn.
Đành rằng giai đoạn đầu triển khai có khó khăn nhưng dứt khoát thời gian tới nó sẽ trở thành cơ chế buộc các ngân hàng phải cạnh tranh với nhau.
Ngân hàng nào cho vay lãi suất cao thì doanh nghiệp không chơi với "ông" nữa mà tìm ngân hàng có lãi suất thấp hơn để vay.
Hiện cả nước có hơn 100 ngân hàng lớn nhỏ, chưa kể các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, quỹ tín dụng… Không có cớ gì không vay được các ngân hàng có lãi suất thấp mà cứ chịu cứng, phụ thuộc vào một ngân hàng. Đây là quyền lựa chọn của người đi vay theo cơ chế thị trường.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nghiêm cấm ngân hàng thương mại bắt ép khách hàng mua bảo hiểm mới giải ngân. Đó là vi phạm quy định.
"Nếu không có doanh nghiệp thì ngân hàng sống với ai? Ngân hàng cần doanh nghiệp. Doanh nghiệp khỏe, làm có lãi thì mới trả nợ được cho ngân hàng.
Thế nên phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu ngân hàng chỉ nhìn vào việc đạt chỉ tiêu lợi nhuận mà không chịu hạ lãi suất thì sao ổn" - ông Tú nhấn mạnh.
Doanh nghiệp kiến nghị lãi suất giảm thêm
Nêu ý kiến tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp mong lãi suất cho vay giảm thêm. Cụ thể, ông Phan Văn Liên - chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vinh Phúc - cho biết lãi suất cho vay là 7%/ năm kỳ hạn 6 tháng, đã giảm đáng kể so với mức áp dụng hồi đầu năm.
Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, ông đề xuất các ngân hàng hạ lãi suất cho vay thêm còn khoảng 5 - 6%/năm là hợp lý.
Ngoài ra, bà Trần Thị Lan Anh - giám đốc xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp (Gia Lai) - kiến nghị ngân hàng nên cấp tín dụng theo đặc thù của từng ngành hàng, trong đó có ngành cà phê.
Nếu doanh nghiệp chỉ có tài sản đảm bảo mới được tăng hạn mức khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ngân hàng nên xem xét cho vay tín chấp, dựa trên uy tín của doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận