Đây là thông tin được ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 3-1.
Lãi suất thấp nhất 20 năm qua
Cụ thể, chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ hoạt động ngân hàng năm 2024, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế trong năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp. Còn ở trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Do vậy, năm 2024 sẽ phải là năm hành động quyết liệt hơn rất nhiều trên tất cả các mặt, từ cơ chế chính sách đến hành động và xử lý yếu kém cũng quyết liệt hơn.
Đi vào nội dung cụ thể, ông Tú cho biết tiếp tục theo dõi sát diễn biến thế giới góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Về lãi suất, theo phó thống đốc, hiện lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa.
Tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.
"Về mặt điều hành, nếu giảm được lãi suất thì phải giảm. Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024. Do đó, một trong những giải pháp là Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, điều hành lãi suất còn phải dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn" - Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.
Tín dụng có thể tăng 16%
Còn về điều hành tín dụng, ông Tú nhấn mạnh điều hành tín dụng ổn định với định hướng tăng trưởng 15% trong năm nay. Với tổng dư nợ hiện nay là khoảng 13,6 triệu tỉ đồng, với mức tăng trưởng đặt ra, ước có 2 triệu tỉ đồng được cung ứng vào nền kinh tế.
Như năm 2023, khoảng 1,5 triệu tỉ cung ứng thêm cho nền kinh tế. Tín dụng vẫn là nguồn cung ứng vốn cho nền kinh tế. Chính vì vậy, rút kinh nghiệm trong năm 2023 là cấp tín dụng vài ba lần, năm nay Ngân hàng Nhà nước cấp tín dụng 1 lần trong năm ngay từ đầu năm và yêu cầu ngân hàng thương mại phấn đấu đạt chỉ tiêu này, đảm bảo cung ứng vốn cho vay phục vụ doanh nghiệp và người dân.
"Nếu nền kinh tế có nhu cầu và vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô thì sẽ tăng 16%, chứ không dừng lại là 15%" - ông Tú nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các gói tín dụng ưu tiên đối với lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đối với việc gia hạn thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ông Tú cho biết thông tư này sẽ hết hiệu lực vào ngày 30-6 tới. Trước 3 tháng thông tư hết hiệu lực, nếu thấy cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét gia hạn để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.
Còn trong năm 2023, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng trưởng 13,5%. Đặc biệt, đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2%/năm so với cuối năm 2022.
"Giá trị VND tiếp tục được giữ vững. Ngay những quốc gia nằm trong G7, đồng tiền của họ mất giá 12-17% nhưng VND chỉ mất giá 2% là rất thấp" - Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận