Quán phở nhỏ nhưng nổi bật trong không gian triển lãm với dòng chữ Nhật - Việt - Ảnh: Japanfesta
Thỉnh thoảng vào cuối tuần, gia đình tôi thường cùng nhau đi đâu đó quanh Hà Nội, tìm hiểu những điều thú vị về thiên nhiên, văn hóa cùng nhau.
Năm 2019, chuỗi cửa hàng bán đồ Nhật tại Hà Nội là Sakuko Japanese Store tổ chức chương trình Ngày hội văn hóa & tiêu dùng Nhật Bản - Japan Festa 2019 tại Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội. Là đơn vị cũ nơi tôi làm việc, và cũng yêu thích văn hóa Nhật Bản nên hai vợ chồng và con gái đã đến tham dự.
Chúng tôi đã có một ngày khám phá và ấn tượng rất nhiều về các sản phẩm Nhật Bản, về những nét văn hóa thú vị, đặc biệt là ẩm thực Nhật Bản, sự cầu kỳ, tinh tế của từng món ăn.
Ngày hội văn hóa & tiêu dùng Nhật Bản nên toàn sản phẩm đến từ Nhật. Thế nhưng tôi tìm thấy một sự ngạc nhiên thú vị: quán "Phở Nhật Bản". Quán nhỏ nhưng nằm gần sân khấu chính, với dòng chữ Nhật và chữ Phở nổi bật trên biển hiệu. Vốn là tín đồ của phở, khi thấy trên biển hiệu có tên món ăn là phở, con gái tôi đã rất hứng khởi, đề xuất với bố ăn thử món "phở Nhật Bản".
Nổi bật bên ngoài quán là biển hiệu với dòng chữ Japanese Phở, bên dưới là tấm apphich giới thiệu thực đơn rất hấp dẫn.
Khác với các quán phở Việt Nam luôn có nồi nước dùng to đùng bốc khói nghi ngút, quán được bày biện đơn giản, có lẽ là để phù hợp với không gian tổ chức. Phía trong là bàn chế biến, có bếp đun nước dùng, bên ngoài là bàn phục vụ khách hàng. Trên bàn, từng loại nguyên liệu để làm phở được đựng trong hộp gọn gàng, có bảng tên giới thiệu rất cẩn thận.
Chiếc máy để các sợi phở trôi xuống theo dòng nước
Quán có nhiều loại phở, nhưng lúc tôi đến, có lẽ nhiều thực khách đã nhanh chóng thưởng thức các vị phở khác. Cả nhà tôi chỉ còn lựa chọn duy nhất là phở gà.
Sợi phở được cho vào tô, cho thịt và một ít rau cùng hành lá thái nhỏ sau đó được chan nước dùng và thưởng thức. Những sợi "phở Nhật Bản" thon nhỏ trắng ngà nhìn rất hấp dẫn, thịt gà mềm mại, nước dùng trong và vàng ươm, thơm nhẹ nhàng, điểm cùng chút hành lá xanh rất lôi cuốn.
Cô con gái nhỏ của tôi vô cùng hứng khởi với món "phở Nhật Bản" này. Nhận tô phở từ cô phục vụ, con gái tôi nhanh chóng thưởng thức hết và liên tục nhắc bố mẹ: "Phở Nhật Bản" ngon lắm, bố mẹ ăn đi.
Tôi và vợ cũng hào hứng thử món phở mới lạ này. Khác với món phở gà Việt Nam, nước dùng có mùi gừng, quế, hồi và chút lá chanh, món phở này không có các hương vị trên, nhưng không vì thế mà làm kém đi sự hấp dẫn của nó. Nước dùng ngọt thanh, sợi "phở Nhật Bản" mềm và dễ đi vào lòng khiến chúng tôi nhanh chóng đánh bay tô phở ngon lành.
Như một biến tấu của món mì, quán còn có một chiếc máy để cho các sợi "phở Nhật Bản" trôi từ trên cao xuống theo dòng nước, sau đó được cho vào tô nước dùng.
Thật đáng tiếc lúc chúng tôi đến, quán chỉ có các nhân viên người Việt Nam, vì thế tôi không được gặp và có cơ hội để được hỏi ông chủ quán, người sáng tạo ra món "phở Nhật Bản" vì sao lại gọi đây là món phở Nhật Bản, và công thức nấu nước dùng của ông để có được một nồi nước dùng hấp dẫn và ngon như thế. Tôi luôn tin rằng người chủ quán là một người yêu món phở, cho dù đó là phở Việt Nam hay là "phở Nhật Bản".
Cuộc thi viết "" 2021 hướng đến diễn ra từ ngày 22-10 và đã ngừng nhận bài từ ngày 25-11. Báo Tuổi Trẻ cảm ơn bạn đọc đã đồng hành, nhiệt tình gửi bài tham gia dự thi. Các bài được chọn đăng có tại .
Các giải thưởng sẽ được công bố tại gala chương trình Ngày của phở 12-12 diễn ra ngày 12-12-2021 tại TP.HCM, bao gồm:
* 1 giải nhất: trị giá 10 triệu đồng/giải
* 1 giải nhì: trị giá 5 triệu đồng/giải
* 1 giải ba: trị giá 3 triệu đồng/giải
* 5 giải khuyến khích: trị giá 1 triệu đồng/giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận