Các em nhỏ vùng sâu tại Bù Đăng, Bình Phước lần đầu tiên ăn phở - Ảnh: PHẠM VŨ
Mỗi người Việt Nam đều có thêm niềm tự hào về một món ăn không chỉ ngon mà còn cân bằng dinh dưỡng như món phở. Đây là mục đích chính mà chương trình hướng đến và trong các năm sau.
Ông Kajiwara Junichi (tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam)
Hơn 2.000 suất phở đã được chia sẻ trong bầu cảm xúc ấy tại chương trình Ngày của phở 12-12 diễn ra ở Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước.
Lần đầu được ăn phở... đúng là phở
Trong không gian sực nức mùi thơm của phở, gần 300 em học sinh của Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện đã ngồi ngay ngắn giữa sân trường từ sớm để chờ được thưởng thức "đại tiệc" phở khiến các em chộn rộn cả tuần nay. Thậm chí, vì quá háo hức được ăn phở mà nhiều em còn bỏ luôn bữa sáng để sớm đến trường "ăn cho đã".
Húp cạn nước tô phở bò tái, nam sinh lớp 4 Chí A Thìn rụt rè đến bên bàn phở của đầu bếp đoạt giải Hoa hồi vàng Cao Văn Luận nói: "Chú cho cháu thêm tô nữa". Giống như Thìn, nhiều em học sinh cũng ăn đến tô thứ hai và cũng không ít em lần đầu trong đời được ăn phở.
Với em Lê Thu Ngân (lớp 5), đây là tô phở bò "ngon hơn tô phở ở chợ" mà đã lâu lắm rồi em chưa được mẹ mua cho. Tưởng rằng phở cũng giống như bún, nhưng khi ăn em Nguyễn Như Quỳnh (lớp 3) mới biết rằng phở có nhiều... loại thịt hơn cả bún.
Không chỉ các em học sinh, các phụ huynh những ngày qua cũng chộn rộn không kém, nhiều người đã tạm xa nương rẫy để đến trường ăn phở cùng con.
Địu đứa con trai mới 8 tháng tuổi đứng trước sân trường, chị Lê Kiều Linh (21 tuổi) kể rằng khi nghe đứa con trai lớp 1 nói sẽ có ngày ăn phở miễn phí, chị Linh bỏ rẫy để cùng con đến trường. Đang vào mùa cà phê nên mất một ngày đi hái thuê là coi như mất cả 200.000 đồng tiền công, nhưng bà mẹ trẻ này vẫn chấp nhận đánh đổi bởi "phở ngon ở xứ này hiếm lắm".
Còn với bà mẹ trẻ người dân tộc M'Nông Biểu Thị Vui (30 tuổi), đến bây giờ chị mới chỉ ba lần ra chợ ăn phở, chính là những lần được lãnh tiền công hậu hĩnh sau mùa hái điều thuê. Vì vậy, ngày hôm qua, cả ba mẹ con chị Vui đều đến trường để ăn phở no nê và hai đứa con của chị lại được "ẵm" cả quà, cả học bổng đầy ắp ra về.
Bên cạnh người dân tộc S’Tiêng, người dân xã Bình Minh phần lớn là dân kinh tế mới gốc Bắc. Chính vì vậy, phở với người dân xứ này có một ý nghĩa đặc biệt khi gợi nhớ đến hương vị của quê hương mà không ít người đã lâu lắm rồi chưa có điều kiện về thăm quê.
Ngồi lọt thỏm giữa các học sinh đang say sưa ăn phở, cụ Nguyễn Thị Nhung (80 tuổi, quê Thái Bình) chậm rãi ăn đến tô phở thứ 2 của hai tiệm phở khác nhau và đều gật đầu khen ngon. Gần nửa đời người vào Nam, cụ Nhung nói rằng vốn là người rành phở nên ở vùng đất này, ăn đâu bà cũng chẳng thấy ngon như ở quê. Nhưng lần này, bà cứ tấm tắc khen "đúng là phở rồi" và còn xin thêm một tô nữa để mang về ăn chiều...
Những đứa trẻ người dân tộc S’Tiêng lần đầu tiên được ăn thỏa thích món phở - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cả gia đình khăn gói đi nấu phở
Vẫn nồi nước dùng đó, vẫn công thức gia truyền đó, nhưng với những đầu bếp thực hiện chương trình Ngày của phở, đây là những nồi phở đặc biệt, bởi lần đầu họ có cơ hội sẻ chia cả nồi phở ngon của mình đến cộng đồng.
Bày biện trước nồi phở các mẹt thịt bò để chế biến nên những tô phở tái, nạm, gàu, gân..., bà Trần Thị Lan - chủ tiệm phở Ngọc Linh - kể ở tiệm bán bao nhiêu loại, bà mang đến ngày hội đủ bấy nhiêu loại với số lượng trên 500 suất.
Để có nồi nước dùng "khổng lồ" ngon ngọt mang về xã Bình Minh, con trai bà - anh Nguyễn Tiến Hải, đầu bếp đoạt giải Hoa hồi vàng 2019 (giải thưởng cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon trong chương trình Ngày của phở) - đã ninh bò 15 tiếng đồng hồ từ sáng sớm 11-12.
Đầu bếp Hoa hồi vàng 2019 Nguyễn Tiêu Bích Trân Trân "huy động" cả chồng, mẹ và các nhân viên trong tiệm phở của chị cùng nhau nấu 400 suất phở, khăn gói từ TP.HCM về Bình Phước chuẩn bị ngày hội. Chị Trân Trân chia sẻ: "Đời làm đầu bếp của tôi chưa có bao giờ vui đến như vậy, nhìn mọi người ai cũng húp cạn tô mà lòng mình thấy hạnh phúc".
Còn với tiệm phở Đệ Nhất, dù hai thí sinh của phở Đệ Nhất không đoạt giải trong vòng chung kết cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon 2019, tiệm phở này vẫn không bỏ hành trình. Anh Võ Tuấn (chủ tiệm) cùng các thành viên của tiệm phở vẫn tự tay nấu phở và tự chở đến chương trình để mỉm cười gửi trao phở cho các em vùng khó.
Ban đầu ban tổ chức ước tính thực hiện 1.000 suất phở, các tiệm phở đều chuẩn bị dôi dư, và cuối cùng hơn 2.000 suất phở đều được sẻ chia hết sạch chỉ trong vòng 60 phút.
Các em nhỏ Trường phổ thông I, II Xuân Hồng hào hứng với món phở thơm ngon, chất lượng mà các đầu bếp mang về - Ảnh: DUYÊN PHAN
Phở muốn bay xa, phải lan tỏa sâu
Theo phó chủ tịch UBND xã Bình Minh Mạc Văn Quân, nhiều người lần đầu tiên trong đời biết đến vị phở, lại là những tô phở ngon do những đầu bếp có nghề chế biến. Đó chính là sức hút để người dân đến với chương trình đông như vậy.
Đồng hành cùng Ngày của phở năm nay, ông Kajiwara Junichi - tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam - chia sẻ: "Tôi thấy ấn tượng và ngạc nhiên khi biết thêm được Việt Nam có nhiều loại phở đến vậy, từ phở nước đến phở khô, phở cuốn rồi phở từ nhiều vùng miền khác nhau... Với Ngày của phở, tôi nghĩ quan trọng là tính lan tỏa. Tôi mong rằng ngày càng có nhiều người Việt biết đến, nói đến, tham gia chương trình hơn nữa".
Ngày của phở 12-12 đã cho thấy còn nhiều người Việt chưa biết đến phở ngay chính trên quê hương của món ăn này. Chính vì thế, "những gánh phở lên đồi" càng gợi nhắc rằng vẫn cần lắm các hoạt động đưa phở Việt lan tỏa sâu hơn nữa trước khi muốn vươn xa... Đó cũng là mệnh lệnh "không để ai bỏ lại đằng sau" trong vấn đề văn hóa ẩm thực của dân tộc.
Nhìn các em ngấu nghiến những tô phở đầu tiên trong đời mà thấy thương quá.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh (trường tiểu học ở sóc Bom Bo)
Bữa phở đầu tiên của học trò sóc Bom Bo
Chiều 12-12, ban tổ chức chương trình Ngày của phở đã mang đến một món quà bất ngờ khi các đầu bếp của chương trình đến ngay sân Trường tiểu học Xuân Hồng ở sóc Bom Bo nấu hơn 200 suất phở, trao tặng quà cho các em người dân tộc S’Tiêng.
Đây là địa danh nổi tiếng đã đi vào thi ca với ca khúc nổi tiếng Tiếng chày trên sóc Bom Bo với gần 100% học sinh đều là người dân tộc thiểu số S’Tiêng. Khuôn mặt đen nhẻm của các em bỗng bừng sáng khi chương trình mang đến tận bàn học những tô phở nồng nàn. Khi cô giáo hỏi ai chưa từng ăn phở, gần như toàn bộ học sinh các lớp cùng giơ tay.
Với các em học sinh vùng khó, đây là lần đầu tiên các em được biết đến mùi của nước phở, ăn những sợi phở và nếm sự đặc biệt của những lát bò tái. Thậm chí, với cả hai mẹ con chị Thị Dui (31 tuổi, người S’Tiêng) thì đây là lần đầu tiên cả mẹ lẫn con được ăn phở bò, bởi "phải có tiền mới dám vô quán phở".
Ngoài phở, hơn 100 học sinh tiểu học và mầm non tại sóc Bom Bo cũng được ban tổ chức dành tặng các phần quà.
Trao 50 suất học bổng và 2.000 phần quà
Ông Trần Xuân Toàn - ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ - gửi tặng các phần quà đến các em nhỏ Trường tiểu học cấp I, II Xuân Hồng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong khuôn khổ Ngày của phở tại Bình Phước, 50 suất học bổng, toàn bộ số tiền bán vé từ gala Ngày của phở và 2.000 phần quà cũng đã được ban tổ chức trao tặng cho các em học sinh và phụ huynh Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của các đơn vị: Công ty CP Acecook Việt Nam, gốm sứ Minh Long, sâm Ngọc Linh, phở Đệ Nhất.
Các tiệm phở trao tặng phở tại chương trình gồm: phở An, phở Ngọc Linh, phở Hai Thiền, phở Đệ Nhất, phở 34 Cao Thắng và 3 Hoa hồi vàng 2019 Cao Minh Luận, Nguyễn Tiến Hải, Nguyễn Tiêu Bích Trân Trân.
Ngoài ra, khi biết đến chương trình, chị Bùi Kim Thu (bạn đọc báo Tuổi Trẻ) đã chuyển 40kg thịt từ lò mổ Kim Thu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến chương trình.
Hoa hậu Diễm Hương bưng phở phục vụ các em nhỏ tại Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (Bù Đăng, Bình Phước) - Ảnh: DUYÊN PHAN
* Ông Mạc Văn Quân (phó chủ tịch UBND xã Bình Minh):
Chúng tôi rất xúc động
Chúng tôi rất xúc động, đây là lần đầu tiên có một chương trình mang đến những tô phở ngon cho người dân ngay tại địa phương mà lại được tổ chức một cách bài bản và chân tình đến vậy. Các em và người dân trong xã không những được thưởng thức những tô phở ngon, đúng vị truyền thống của những đầu bếp lành nghề, mà còn được truyền đi tình yêu thương với phở và ẩm thực truyền thống.
Tôi cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã mang chương trình đến với địa phương và mong rằng năm sau sẽ tiếp tục đến những vùng khó khăn khác để dân quê được dịp trải nghiệm phở của dân mình.
* Thầy Phạm Văn Luận (hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện):
Một chương trình ý nghĩa và gần gũi
Tôi làm nhà giáo đã mấy chục năm nhưng thực sự chưa một lần nào được hòa mình vào một chương trình ý nghĩa và gần gũi đến vậy. Thậm chí lúc đầu nhiều người không tin là sẽ có một chương trình đem cả nghìn tô phở đến với một điểm trường ở vùng sâu như chúng tôi.
Với các em và người dân ở đây, phở ngon vẫn là một điều gì đó xa xỉ nên những gì mà tất cả được trải nghiệm một cách trọn vẹn là một dấu ấn khó quên với các em học sinh và kể cả chúng tôi.
* Hoa hậu Diễm Hương (đại sứ chương trình Ngày của phở 12-12):
Vượt ra khỏi giá trị của món ẩm thực
Tôi cảm thấy may mắn khi được gắn bó với chương trình này, nhất là khi chương trình đã lặn lội đến vùng sâu, vùng xa để mang đến những tô phở ngon. Những tô phở mà các em được thưởng thức hôm nay vượt ra khỏi giá trị của một món ẩm thực, mà thổi vào các em tình yêu với văn hóa ẩm thực Việt, với phở Việt.
Nhìn cách các em say mê húp những tô phở đến cạn đáy mới thấy rằng những người theo chân hành trình đã hạnh phúc như thế nào.
N.HIỂN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận