Hiện trường vụ khai thác đất trái phép bị lập biên bản tại thôn Thanh Trung, P.Ngô Mây (TP Kon Tum) - Ảnh: CTV
Theo ông Hải, tối 11-2, sau khi nhận được thông tin của người dân báo qua "đường dây nóng" của Sở TN-MT, ông Hải và tổ công tác 3 người đã cấp tốc đến hiện trường để kiểm tra thì phát hiện có máy đào và xe tải đang làm việc tại hiện trường.
Tổ công tác đã gọi điện thoại mời UBND phường Ngô Mây đến để cùng lập biên bản, bảo vệ hiện trường vụ việc. Tuy nhiên, chiếc xe tải ngay sau đó đã tẩu thoát nên đoàn công tác chỉ lập biên bản tạm giữ phương tiện chiếc máy đào cùng hiện trường vụ khai thác đất sét trái phép.
Cũng theo ông Hải, việc khai thác này đã diễn ra từ nhiều năm nay, sở và các đơn vị phối hợp đã nhiều lần kiểm tra xử lý nhưng việc khai thác trái phép vẫn tái diễn vào các thời điểm ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ.
Việc khai thác đất đã diễn ra ở đây rất nhiều lần, trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH Hòa Nghĩa (đơn vị được cấp phép thăm dò chứ chưa được cấp phép khai thác khoáng sản) và UBND phường Ngô Mây vì để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái pháp luật.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nghĩa - chủ doanh nghiệp Hòa Nghĩa - thừa nhận sai phạm. "Thực ra doanh nghiệp cũng muốn làm đúng pháp luật chứ ai muốn 'làm chui', làm lậu như thế này. Chúng tôi sai rồi!".
Nhưng theo ông Nghĩa, nguyên nhân sai là do việc làm giấy tờ thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản quá lâu.
"Có nhiều lý do, trong đó có việc Luật khoáng sản sửa đổi nên thủ tục buộc phải kéo dài. Trước đây, chúng tôi làm hồ sơ thì có sự hiểu nhầm giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp đối với quy định về bãi thải", ông Nghĩa diễn giải.
"Về hoạt động khai thác và sản xuất gạch thì bãi thải là nơi để đổ đất không sử dụng được để làm gạch. Bãi thải này sau khi khai thác đất xong sẽ dùng máy móc làm mặt bằng hoàn trả lại môi trường. Nhưng khi hoàn thiện hồ sơ thì có sự hiểu nhầm nên thủ tục phải kéo dài. Và việc doanh nghiệp không biết phải làm thế nào nên buộc phải làm… lụi".
Ông Võ Thanh Hải phủ nhận tất cả những vấn đề mà doanh nghiệp nói là cấp phép chậm. "Doanh nghiệp làm hồ sơ không đúng do năng lực kém và do tư vấn không đủ năng lực. Sở và cơ quan liên quan đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu phải làm hồ sơ làm đi làm lại nhưng doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định nên việc cấp phép kéo dài", ông Hải nói.
Liên quan đến việc đánh nhà báo
Địa bàn khai thác đất trái phép nói trên tại phường Ngô Mây có liên quan đến việc nhà báo Hoàng Đình Chiểu (58 tuổi, phóng viên Đài truyền hình Việt Nam - VTV) bị hành hung.
Trước đó, đối tượng Đỗ Quốc Doãn (30 tuổi, trú tại xã Hòa Bình, TP Kon Tum) biết nhà báo Đình Chiểu đi tìm hiểu về khai thác đất làm gạch nhưng chưa được cấp phép. Lo sợ bị phản ánh đến ngành chức năng, tối 26-1, đối tượng này đã tìm đến nhà nhà báo Chiểu để xin không đưa tin nhưng không được.
Sáng 27-1, đối tượng cùng một nam thanh niên khác đã đánh nhà báo Chiểu khi ông đang cùng gia đình đi ăn sáng.
Đại tá Nguyễn Hồng Ngọc, trưởng Công an TP Kon Tum, cho biết sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì tội cố ý gây thương tích vì lý do công vụ của nạn nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận