Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp sáng 7-1 - Ảnh: VGP
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết sai phạm đầu tiên thuộc về Trung tâm y tế Chương Mỹ - nơi ký giấy xác nhận bệnh nhân 1498 hoàn thành cách ly tập trung khi chưa có kết quả xét nghiệm lần thứ hai.
Thứ 2, theo ông Tấn, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh chưa hoàn thành trách nhiệm khi để bệnh nhân 1498 về Quảng Ninh bằng xe riêng của gia đình. Bệnh nhân 1498 cũng không thực hiện đầy đủ quy định cách ly, giám sát y tế tại nhà sau khi hoàn thành cách ly tập trung khi ra ngoài ăn tối cùng người nhà.
Do vậy, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế, các khu cách ly tập trung, các địa phương phải nghiêm túc rà soát lại, chấn chỉnh, siết việc bàn giao, tiếp nhận người hết thời hạn cách ly tập trung và về theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú.
Nguyên tắc là khi địa phương tiếp nhận người hết thời hạn cách ly tập trung phải có đầy đủ điều kiện, giấy tờ, kết quả xét nghiệm...
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các địa phương phải tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh những nơi có dấu hiệu lơi lỏng trong thực hiện theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú đối với người hoàn thành cách ly tập trung trong vòng ít nhất 14 ngày, do gần đây đã có những bệnh nhân sau hơn 20 ngày cách ly mới ghi nhận mắc bệnh.
Sẽ hỗ trợ chi phí cách ly đối với người khó khăn
Theo báo cáo từ các địa phương, hiện có nhiều gia đình rất khó khăn, không đủ khả năng chi trả chi phí cách ly tập trung, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, theo hướng ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí này cho người khó khăn.
Trước mắt, các địa phương có khu cách ly tập trung sẽ chủ động bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ các đối tượng thực sự khó khăn. Bên cạnh đó, sẽ rà soát lại năng lực các khu cách ly tập trung, thực hiện đúng chỉ đạo Thủ tướng bảo đảm cách ly thật an toàn, từng bước giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân thông qua các chuyến bay giải cứu.
Sáng nay 7-1, tổ chuyên gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng đã có cuộc hội chẩn đầu tiên trong năm 2021, để hỗ trợ điều trị 2 bệnh nhân nặng, có những triệu chứng xuất hiện "cơn bão cytokine" tương tự ca bệnh phi công người Anh trước đây.
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, đến 6-1 thế giới ghi nhận gần 87 triệu ca mắc COVID-19 và gần 1,9 triệu ca tử vong tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các quốc gia có số ca mắc cao nhất thế giới là Mỹ (khoảng 21,6 triệu ca mắc, gần 366.000 ca tử vong), Ấn Độ (khoảng 10,4 triệu ca mắc, hơn 150.000 ca tử vong), Brazil (hơn 7,8 triệu ca mắc, trên 198.000 ca tử vong)...
Tại Việt Nam, đến 7-1 là 37 ngày chưa ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng sau chùm ca bệnh tại TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận