20/04/2018 19:17 GMT+7

Phố đèn đỏ: New Zealand - Úc không hình sự hóa mại dâm

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngoài nhóm các nước hợp pháp hóa mại dâm như Hà Lan, nhóm thứ hai gồm các nước chủ trương phi hình sự hóa mại dâm.

Phố đèn đỏ: New Zealand - Úc không hình sự hóa mại dâm - Ảnh 1.

Mại dâm đường phố được phép ở New Zealand - Ảnh: New Zealand Geographic

Các nước này không xem mại dâm là hành vi phạm luật nhưng không ủng hộ mại dâm. Người hành nghề mại dâm được pháp luật điều chỉnh về y tế, lao động, thuế... như các ngành nghề khác.

New Zealand: 60 phiếu thuận chọi 59 phiếu chống

Tháng 6-2003, thông qua Luật cải cách mại dâm và hủy bỏ nhiều đạo luật hàng trăm năm về cấm chèo kéo khách, cấm tổ chức nhà chứa và mại dâm. Luật cho phép công dân trên 18 tuổi bán dâm, mại dâm trên đường phố và trong nhà chứa.

Hai nhân vật có công đầu là nghị sĩ Tim Barnett và bà Catherine Healy, điều phối viên quốc gia của "Tập hợp những người hành nghề mại dâm New Zealand" (NZPC), một tổ chức do chính phủ tài trợ.

Đầu tiên NZPC phối hợp với các nhóm nữ quyền soạn thảo dự luật phi hình sự hóa mại dâm. Ông Tim Barnett đã đem dự luật trình bày trong đảng, năm 1999 trình bày trước quốc hội. Quốc hội nhất trí nghiên cứu dự luật.

Hai năm sau, một ủy ban của quốc hội đã nghe 222 lượt báo cáo của nhiều thành phần xã hội (tôn giáo, phụ nữ, trẻ em...), cuối cùng bỏ phiếu nhất trí quan điểm phi hình sự hóa mại dâm.

Quan hệ giữa cảnh sát với lao động tình dục được cải thiện tốt hơn là một trong những hiệu quả quan trọng nhất của luật pháp phi hình sự hóa mại dâm

Bà CATHERINE HEALY

Những người theo đạo Tin Lành phản ứng quyết liệt. Các ý kiến phản đối lo ngại số nhà chứa và nạn buôn người bùng nổ. Dù vậy, năm 2003 quốc hội thông qua Luật cải cách mại dâm với 60 phiếu thuận, 59 phiếu chống và 1 phiếu trắng.

Sau đó, một nhóm đấu tranh chống mại dâm tiếp tục mở chiến dịch ký tên kiến nghị tổ chức trưng cầu ý dân về hủy bỏ luật mới nhưng không thu thập đủ chữ ký.

Tại các địa phương có dư luận phản đối mạnh, chính quyền đã ban hành các quy định siết chặt hơn như chỉ cho đặt nhà chứa ở một số khu vực; cấm nhà chứa gần trường học, nhà trẻ, công sở, nơi thờ tự, khu dân cư...

Năm 2008, Ủy ban Kiểm tra luật mại dâm do Bộ Tư pháp thành lập đã tiến hành đánh giá việc thực hiện Luật cải cách mại dâm.

Báo cáo đưa ra các nhận xét như số lượng lao động tình dục không tăng, tệ nạn xã hội do mại dâm không tăng, chỉ 1,3% lao động dưới 18 tuổi (không tăng), hầu hết các lao động tình dục sống tốt hơn trước.

Tóm lại, ủy ban đánh giá quan điểm phi hình sự hóa mại dâm đã đạt hiệu quả.

Để minh bạch hơn, ủy ban đã giao cho Đại học Y khoa Christchurch kiểm tra độc lập. Kết quả cho thấy hơn 90% lao động tình dục nhận xét luật mới đã bảo đảm quyền của họ về lao động, pháp lý, y tế, an toàn; 64% cho biết dễ dàng từ chối khách hơn; 57% ghi nhận thái độ của cảnh sát đã thay đổi tốt hơn.

Đến nay tại New Zealand, cái nhìn xấu xa của xã hội về lao động tình dục đã giảm. Năm 2014, một cô gái hành nghề mại dâm ở Wellington đã kiện chủ nhà chứa về tội quấy rối tình dục và được bồi thường 18.000 USD.

Ông Tim Barnett nhận xét: "Người bán dâm dễ bị tổn thương nhưng pháp luật đã bảo vệ họ".

Phố đèn đỏ: New Zealand - Úc không hình sự hóa mại dâm - Ảnh 3.

Các thành viên tổ chức "Tập hợp những người hành nghề mại dâm New Zealand" - Ảnh: medium.com

Một nước hai cách tiếp cận mại dâm

Cũng như New Zealand, ở luật hình sự tùy thuộc vào các bang, do đó các bang tự điều chỉnh vấn đề mại dâm. Chính vì vậy, lãnh thổ thủ đô Úc (ATC) phi hình sự hóa mại dâm như New Zealand nhưng bang Victoria lại hợp pháp hóa mại dâm như Hà Lan.

Tại thủ đô nước Úc, quan điểm chung là vừa khoan dung vừa hạn chế. Năm 1992, địa phương thông qua luật về mại dâm quy định không trừng phạt mại dâm trong phạm vi tư nhân và ban hành hàng loạt quy định bảo vệ lao động tình dục.

Địa phương không cấp giấy phép hành nghề mà chỉ yêu cầu đăng ký. Nhà chứa thường tọa lạc cạnh khu công nghiệp theo quy hoạch.

Năm 2002 sau khi có nhiều ý kiến chỉ trích, chính quyền đã sửa đổi luật, yêu cầu phải xác minh lý lịch tư pháp của chủ nhà chứa và người quản lý. Chủ nhà chứa phải cung cấp phòng ốc đúng tiêu chuẩn về y tế và an toàn lao động.

Tiêu chuẩn này do một nhóm các lao động tình dục, cảnh sát và ngành y tế phối hợp soạn thảo. Người hoạt động mại dâm phải đi xét nghiệm các bệnh lây nhiễm tình dục. Lao động tình dục giữ quan hệ khá thân thiết với cảnh sát và cộng đồng.

Trong khi đó, bang Victoria chủ trương hợp pháp hóa mại dâm nhưng mục đích lại không đạt hiệu quả như ở lãnh thổ thủ đô. Kinh doanh mại dâm được điều chỉnh theo Luật lao động tình dục có hiệu lực năm 1995 và một số luật khác.

Mục đích ban hành luật nhằm ngăn chặn khai thác tình dục trẻ em, bảo vệ cộng đồng, giảm tội phạm trong mại dâm, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người lao động mại dâm và khách hàng.

Luật quy định người tham gia kinh doanh tình dục phải xin giấy phép kinh doanh, trừ nhà chứa chỉ có hai người và một quản lý. Người xin cấp phép phải có đầy đủ nhân cách, lương thiện, thanh liêm. Phí cấp phép cao, từ 2.510,2 đôla Úc (1.937 USD) trở lên.

Đặc biệt nhà chứa phải xin cấp giấy phép quy hoạch. Người không hành nghề trong các cơ sở hợp pháp hoặc chèo kéo ngoài đường sẽ bị phạt nặng.

Thư viện Quốc hội Canada đã nghiên cứu mô hình của bang Victoria và kết luận: Luật lao động tình dục của bang Victoria dù được sửa đổi nhiều lần nhưng mục tiêu kiểm soát mại dâm lậu vẫn không đạt.

Bang Victoria có khoảng 100 nhà chứa hợp pháp nhưng có đến 400 nhà chứa bất hợp pháp. Bang cũng không có tổ chức nào bảo vệ quyền lợi lao động tình dục hoặc hỗ trợ như ở Hà Lan.

New Zealand không quy định phố đèn đỏ

kỳ 2 ảnh 3 úc 1(read-only)

Biểu tình tại Adelaide (bang South Australia của Úc) đòi phi hình sự hóa mại dâm - Ảnh: adelaidenow.com.au

Điều 3 Luật cải cách mại dâm năm 2003 của New Zealand xác định phi hình sự hóa mại dâm nhưng không ủng hộ hay bảo lãnh về đạo đức đối với mại dâm. New Zealand không quy định khu vực riêng dành cho mại dâm.

Đối với mại dâm trong nhà, tối đa bốn người hành nghề độc lập tại một địa điểm thì khỏi giấy phép. Nếu số lượng nhiều hơn hoặc làm việc cho người thứ ba thì phải có giấy phép. Giấy chứng nhận quản lý do lục sự tòa án cấp.

Tương tự Úc, tại New Zealand luật trao cho chính quyền địa phương phần lớn trách nhiệm ban hành quy định quản lý nhà chứa. Nhiều luật khác về doanh nghiệp cũng được áp dụng (sở hữu, đầu tư, khai thác hay quản lý cơ sở mại dâm).

Kỳ tới: Thụy Điển phạt người mua dâm

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp