Người dân đến sớm chia buồn cùng gia đình Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM) chiều 29-3 - Ảnh: T.T.D.
Những ngày gần đây, thông tin về tiến độ dự án đường vành đai 3 kết nối TP.HCM và các khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ làm nhiều người khấp khởi hy vọng. Đáng nói là lần đầu tiên, phương án thu hồi đất hai bên đường để bán đấu giá bù kinh phí làm đường được các cơ quan chức năng bắt tay làm nghiêm túc từ khâu rà soát quỹ đất, tính toán các bước để giảm thiểu việc thu hồi đất ở những đoạn không cần thiết.
Ở trung tâm TP, cây cầu Thủ Thiêm 2 sẽ đưa vào khai thác sử dụng sau thời gian dài thi công chậm vì nhiều vướng mắc, các vướng mắc của dự án chống ngập được tháo gỡ...
Chuyển động của những công trình giao thông, chống ngập quan trọng trên, theo nhiều ý kiến nhận xét, đều có dấu ấn về sự nỗ lực của ông Lê Hòa Bình, phó chủ tịch UBND TP phụ trách lĩnh vực giao thông - đô thị, người vừa tử nạn sáng 29-3 do tai nạn giao thông.
Các dấu ấn trên công trình lớn
Đầu năm 2021, ông Lê Hòa Bình phê duyệt đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, biện pháp xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng là thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá.
Đây là vấn đề được đề xuất đã lâu nhưng chưa có một văn bản chính thức nào của cơ quan chức năng pháp lý hóa như trong đề án này. Chính nội dung này đã "bật đèn xanh" cho nghiên cứu phương án thu hồi đất bán đấu giá để bù kinh phí xây dựng đường vành đai 3. Các chuyên gia nhận xét đó là phương án "vàng" để xây dựng hạ tầng. Có lẽ, nhiều người biết điều này nhưng chỉ có ông Lê Hòa Bình đặt bút ký nhờ sự quyết đoán và tư duy tiến bộ trong quản lý đô thị.
Tại các cuộc họp, những chỉ đạo của ông Lê Hòa Bình luôn làm cho các vấn đề trở nên đơn giản, nhẹ nhàng. "Việc huy động nguồn lực toàn xã hội để xây nhà ở cho công nhân đã có quy định rồi, không cần thêm quy định mới, thủ tục hành chính sẽ được UBND TP giải quyết thần tốc", ông Bình từng cam kết khi nói về dự định xây dựng nhà ở cho công nhân.
Không những vậy, những chỉ đạo, phân công của ông Lê Hòa Bình cũng rành mạch, rõ ràng về cách thức thực hiện, biện pháp phối hợp, thời gian hoàn thành...
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình - Ảnh: TỰ TRUNG
Những cam kết còn dang dở
Tháng 12-2020, ông Lê Hòa Bình được Hội đồng nhân dân TP.HCM bầu làm phó chủ tịch UBND TP với tỉ lệ phiếu tán thành khá cao.
Ấn tượng đầu tiên của tân phó chủ tịch với người dân là chương trình hành động mạch lạc, hướng về những vấn đề dân sinh. Ông Lê Hòa Bình cam kết đảm bảo chất lượng các tiện ích công cộng như cung cấp điện, nước sạch cho người dân, doanh nghiệp, phát triển nhà ở cho dân, chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường...
Ông Bình hứa tìm các giải pháp thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, rà soát các vướng mắc và chồng chéo của các quy định pháp luật để kiến nghị xem xét thay đổi, bổ sung.
Ông Bình đưa ra những cam kết về các chương trình có tầm vóc như nâng cao năng lực khai thác kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giải pháp để ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, thúc đẩy áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu (big data) trong lĩnh vực quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật và giao thông, thúc đẩy thu hút các nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp bách như mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...
Thực tế, qua hơn một năm trên cương vị phó chủ tịch UBND TP, ông Lê Hòa Bình đã từng bước thực hiện cam kết của mình trước người dân và doanh nghiệp.
Hằng tuần, ông đều dành thời gian để tham gia cuộc họp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản. Trong giai đoạn này, hàng chục ngàn căn nhà trong các dự án nhà ở được lên kế hoạch cấp giấy chứng nhận với số lượng giấy, ngày tháng hoàn thành, biện pháp thực hiện...
Ngay trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ông Lê Hòa Bình đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường cùng các quận, huyện rà soát quỹ đất công, cùng các doanh nghiệp lên phương án xây dựng nhà ở cho công nhân.
Khi dịch COVID-19 vừa thuyên giảm, ông Lê Hòa Bình cũng đã đốc thúc, gặp gỡ các doanh nghiệp tìm cách xây dựng nhà ở xã hội cho người dân có thu nhập thấp. Trăn trở của ông cũng là trăn trở của bao nhiêu người: TP.HCM có nhiều công ty xây dựng tầm cỡ, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn thì không thể không lo được nhà ở cho người thu nhập thấp.
Ở cương vị lãnh đạo UBND TP phụ trách mảng đô thị, người ta thấy ông Lê Hòa Bình ở khắp các "mặt trận", từ dự án chống ngập, công trường Metro, cầu Thủ Thiêm đến dự án nhà ở xã hội...
Trong khi chỉ đạo những việc lớn, ông vẫn không quên những chuyện nhỏ nhưng liên quan đến đời sống của người dân.
"Hơn 15 tháng tại vị, những đóng góp của ông Lê Hòa Bình cho lĩnh vực quản lý đô thị của TP.HCM chưa nhiều nhưng quan sát tinh thần làm việc, cách gỡ vướng từng vấn đề, tôi nghĩ ông ấy thực hiện được cam kết của mình khi nhậm chức. Tiếc là ông ấy ra đi sớm quá, nhiều dự định còn dang dở...", một giảng viên đại học tại TP.HCM nhận xét.
Nhiều người đến chia buồn
Khoảng 13h ngày 29-3, khi nghe tin thi thể ông Lê Hòa Bình được đưa về nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp, TP.HCM), nhiều người thân của ông cùng cả trăm cán bộ, viên chức của UBND TP, lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành đã đến nhà tang lễ để chia buồn và chuẩn bị lo hậu sự.
Một cán bộ cho biết ông Lê Hòa Bình sống tốt và có trước có sau với nhân viên dưới quyền nên khi nghe thông tin ông bị nạn, ai cũng sốc và thương tiếc.
Một bàn thờ nhỏ theo nghi thức truyền thống ở phía ngoài khu vực bảo quản thi thể của nhà tang lễ được lập ghi tên Đồng chí Lê Hòa Bình, chưa có di ảnh. Nhiều người không được vào thăm ông đã ra đây thắp hương và cầu nguyện cho ông.
K.YÊN
Ông Lê Hòa Bình qua đời do tai nạn trên đường đi công tác
Ngày 29-3, ôtô chở Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình trên đường đi dự lễ khởi công cầu Rạch Miễu 2 đã gặp tai nạn trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Vụ tai nạn xảy ra lúc 7h20 tại km21+700 thuộc địa bàn xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Xe chở ông Bình cùng ông Dương Tấn Trước (41 tuổi) do tài xế Nguyễn Quang Vinh (33 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) điều khiển, lưu thông theo hướng từ TP.HCM đi Tiền Giang, đến địa điểm trên thì nổ vỏ xe phía sau bên phải, gây lật xe nằm ở làn dừng xe khẩn cấp.
Tài xế và ông Trước chỉ bị thương nhẹ, riêng ông Bình bị thương nặng, dù đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Long An ngay sau đó nhưng đã không qua khỏi. Đến 11h30 ngày 29-3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng đoàn công tác của TP đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An đưa thi thể ông Lê Hòa Bình về nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp).
Cùng ngày, Văn phòng UBND TP.HCM thông tin về việc Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình qua đời do tai nạn giao thông trên. UBND TP.HCM đã có chỉ đạo các cơ quan liên quan của TP phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Long An để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Thường trực UBND TP.HCM đã có phân công xử lý những công việc mà ông Lê Hòa Bình đang chỉ đạo để công việc không bị gián đoạn. Thông tin chi tiết về lễ tang ông Lê Hòa Bình sẽ được Văn phòng UBND TP.HCM thông tin trong thời gian sớm nhất.
SƠN LÂM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận