08/03/2023 15:08 GMT+7

Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan: 5 đô thị vệ tinh phải đi lên theo thế mạnh của mình

Việc xây dựng các huyện thành quận hoặc TP phải có định hướng phát triển khác biệt phù hợp với đặc điểm của từng vùng. Chức năng của 5 đô thị vệ tinh phải làm rõ, mỗi nơi đi lên theo thế mạnh của mình.

Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan: 5 đô thị vệ tinh phải đi lên theo thế mạnh của mình - Ảnh 1.

Tham dự hội nghị sáng 8-3 có đại diện 5 huyện, các sở, ban ngành TP.HCM - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Nội dung được phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ tại hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu các đề án nhánh thuộc đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030, sáng 8-3.

Khắc phục tình trạng “vết dầu loang”, phát triển tự phát

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM đã chậm trễ 2 năm. Nếu không khẩn trương hoàn thành để đưa vào quy hoạch chung của TP thì những nghiên cứu vừa qua sẽ “coi như bỏ”.

Tuy nhiên, việc xây dựng các huyện thành quận hoặc TP mỗi địa hương phải có định hướng phát triển khác biệt phù hợp với đặc điểm của từng vùng. “Chức năng của 5 đô thị vệ tinh phải làm rõ, mỗi nơi đi lên theo thế mạnh của mình. Chúng ta nghiên cứu mô hình chung thì phải xác định rõ định hướng của các đô thị. Ví dụ như ở Cần Giờ là đô thị du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng”, ông Hoan nhấn mạnh.  

Việc định hướng cụ thể này nhằm khắc phục tình trạng phát triển đô thị theo “vết dầu loang”, tự phát, có nhà ở trước khi có hạ tầng như hiện nay. Bởi nhìn vào thực tế có thể thấy các đô thị ở các vùng ven đang nằm trong tình trạng này, cuộc sống người dân chật hẹp, nghèo nàn dù không gian vẫn còn rộng lớn. 

Phó chủ tịch UBND TP đề nghị phát triển đô thị phải có định hướng nhìn khía cạnh phát triển toàn diện từ kinh tế - văn hóa - xã hội, con người. Trong chỉ tiêu về kinh tế cần quan tâm phát triển công nghiệp dịch vụ và giữ vững tăng trưởng nông nghiệp ổn định. 

Đặt mục tiêu phấn đấu lên đô thị loại III nhưng các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội và kỹ thuật phải phấn đấu đạt như đô thị loại I, để làm sao những đô thị này phải khác với đô thị ở trung tâm. Người dân ở đây phải có nơi ở thoáng hơn, đường sá rộng hơn, cơ sở vật chất tốt, chăm sóc sức khỏe chu đáo hơn.

Ngoài ra, trong quy hoạch cần đề xuất cơ chế chính sách để huy động nguồn lực tư nhân, nguồn lực xã hội hóa để phát triển. Đặc biệt, cần thận trọng khi thông tin về định hướng phát triển các huyện, nếu không sẽ dẫn đến giá đất nhảy múa. 

Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan: 5 đô thị vệ tinh phải đi lên theo thế mạnh của mình - Ảnh 2.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Mô hình phát triển lên TP sẽ thuận lợi hơn cho 5 huyện

Báo cáo kết quả đề án tổng hợp, TS Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết so với mô hình lên quận, việc lựa chọn mô hình TP thuộc TP (tương ứng đô thị loại III) sẽ khả thi và thuận lợi hơn đối với 5 huyện.

Ông Tân lý giải, khi đối chiếu các tiêu chí phân loại đô thị của 5 huyện, đến năm 2030, hầu hết đều không đạt tiêu chí đô thị loại I. Bởi các huyện chủ yếu vướng tiêu chí 100% xã, thị trấn phải đạt tiêu chí cấp phường và số đơn vị hành chính thấp (7/10). 

Không chỉ vậy, tiêu chí đơn vị hành chính cấp TP thuộc TP cho phép giữ lại một số xã nông nghiệp 35% trong tổng số. Mô hình này phù hợp các huyện còn nhiều diện tích đất nông nghiệp như Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh. Trong khi lên quận thì yêu cầu 0% xã nông nghiệp. 

Ngoại trừ huyện Nhà Bè đang dần tiệm cận với đô thị loại II, Bình Chánh gần đạt đô thị loại III. Ba huyện còn lại đều có khả năng phấn đấu vươn tới đạt được đô thị loại III vào năm 2030. 

“Vấn đề đặt ra là nguồn vốn đầu tư xây dựng cho các huyện đến năm 2030, khi TP Thủ Đức cũng đang cần tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng để trở thành TP thông minh, sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Nguồn lực đầu tư cho 5 huyện đòi hỏi giải pháp huy động thật hiệu quả, cần cơ chế chính sách đột phá nhiều hơn”, ông Tân nói. 

Về lĩnh vực quản lý nhà nước, các chuyên gia kiến nghị trung ương cần có cơ chế đột phá cho TP.HCM như giao bổ sung số lượng biên chế cho các địa phương tùy vào quy mô diện tích, dân số, sự phức tạp của địa bàn... để góp phần khắc phục tình trạng quá tải việc.

Bên cạnh đó có cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối nội vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; cơ chế đột phá về chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo. 

Vừa là những vướng mắc ban đầu, nhưng cũng là cơ sở gợi mở để có thể đề xuất mô hình phát triển của 5 huyện để đạt đủ tiêu chí bắt buộc khi thành lập đơn vị hành chính mới. Một số chuyên gia cũng kiến nghị TP tính toán đến phương án gợi mở về khả năng sáp nhập các huyện liền kề có tiêu chí chưa đạt, để bổ trợ hoàn thiện lẫn nhau.

TP.HCM: Đưa 4 huyện lên thành phố, 1 huyện lên quậnTP.HCM: Đưa 4 huyện lên thành phố, 1 huyện lên quận

TTO - Theo định hướng, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh sẽ phát triển thành TP trực thuộc TP.HCM và huyện Nhà Bè sẽ phát triển thành quận đô thị vệ tinh.

 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp