Tại báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6-2024, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ cơ sở hạ tầng số ở một số địa bàn miền núi còn hạn chế, gây khó khăn cho người dân thực hiện định danh điện tử và cải cách thủ tục hành chính của chính quyền cơ sở.
Người sống ở một số thôn, bản, buôn gặp khó khi trả lương qua thẻ
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm bày tỏ thống nhất với nội dung trên và cho rằng thậm chí cần xem xét lại đầy đủ trong việc triển khai.
"Mặc dù chúng ta đã hướng tới Chính phủ số, xã hội số, tuy nhiên ở nhiều vùng miền núi, điều kiện về hạ tầng giao thông đang còn khó nên hạ tầng viễn thông còn có những hạn chế.
Thậm chí khi đẩy mạnh xã hội không dùng tiền mặt, khuyến khích trả lương qua thẻ dẫn đến tình trạng một số đối tượng chính sách, người có công sống ở một số thôn, bản, buôn được trả lương qua thẻ nhưng không rút được tiền do không có cây ATM.
Họ muốn rút tiền phải đi khá xa.
Đây là vấn đề cần quan tâm dù theo quy định cho phép trả qua thẻ hoặc thông qua bưu điện.
Mong muốn là tốt nhưng trong cách thực hiện có thể chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện nên dẫn đến gây khó khăn cho một bộ phận người dân", ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.
Ông đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cần đánh giá kỹ dự án 10 (truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình - PV) trong Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Bởi đến nay dự án này cơ bản chưa giải ngân được. Vấn đề này ảnh hưởng lớn tới các địa phương và việc thực hiện các nội dung này.
Tình trạng chuyển đơn còn lòng vòng
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ đầu tư hạ tầng số để hỗ trợ người dân, đối tượng yếu thế nhận tiền bảo hiểm, chính sách.
Về câu chuyện giải quyết thủ tục hành chính một cửa, Phó chủ tịch Trần Quang Phương nêu rõ người dân còn "phản ánh tình trạng vào một cửa nhưng ra nhiều cửa". Theo ông Phương, đây là một thực tế cần chú ý, phải có chỉ đạo hết sức nghiêm túc.
"Trong khi báo cáo chỉ số hài lòng rất cao nhưng thực tế nhiều địa bàn vẫn còn tình trạng vào một cửa, ra nhiều cửa. Hạ tầng số và hỗ trợ người dân nhận bảo hiểm, nhận tiền lương hưu, trợ cấp xã hội qua tài khoản khó khăn.
Một là nghẽn. Hai là không làm được. Ba là người ta không có trình độ để làm", Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu.
Ông cũng yêu cầu báo cáo dân nguyện cũng cần bổ sung, phân tích đánh giá nguyên nhân tăng các vụ khiếu nại, tố cáo kể cả đông người.
Trong báo cáo đã khái quát một số vấn đề như đất đai, xây dựng, lao động, môi trường. Tuy nhiên, cần phân tích rõ nguyên nhân do vấn đề gì.
"Do chính quyền cơ sở địa phương, vướng mắc do pháp luật, do giải quyết không thấu đáo hay do nhận thức của người dân dù đã giải quyết nhiều lần, hết thẩm quyền nhưng vẫn khiếu nại", ông nêu.
Cũng theo ông Phương, khoảng 80% đơn không đủ điều kiện xử lý, trong đó có vấn đề liên quan hết thẩm quyền, cần phân tích làm rõ, công khai vấn đề này. Thông qua đó, tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật của người dân về khiếu nại, tố cáo.
Đánh giá chất lượng việc tiếp nhận chuyển đơn, giải quyết và trả lời đơn của các cơ quan, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng tình trạng chuyển đơn còn lòng vòng, đơn hết thẩm quyền vẫn chuyển đến các cơ quan.
Ông đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu các ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo trước khi phát hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận