Công nhân Công ty TNHH VEXOS Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) sản xuất an toàn hơn 20 ngày qua nhờ áp dụng "3 tại chỗ" - Ảnh: CHÂU PHẠM
Ngày 31-7, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã tổ chức chương trình "Cà phê doanh nhân" trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM.
Tại chương trình, rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các mô hình duy trì sản xuất đã được các doanh nghiệp nêu ra và chủ động đề xuất những giải pháp tháo gỡ.
Trong đó, các doanh nghiệp tập trung nêu một số vấn đề chủ chốt như áp dụng các mô hình duy trì sản xuất linh hoạt hơn mô hình "3 tại chỗ" do khó có thể kéo dài trong nhiều tháng dù hiện nay mô hình "3 tại chỗ" đang phát huy tốt hiệu quả.
Việc số lao động của các ngành nghề không áp dụng "3 tại chỗ" đang phải tạm ngưng làm việc đang khó khăn nên cần sớm hỗ trợ các lao động và có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đưa lao động về quê, kéo người lao động trở lại nhà xưởng khi dịch được kiểm soát.
Đồng thời, các doanh nghiệp kiến nghị cần tháo gỡ những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, các tỉnh đến TP.HCM, khẩn trương tiêm vắc xin cho công nhân, có những chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, giãn, gia hạn nợ, không chuyển nhóm nợ cho doanh nghiệp...
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến "sức khỏe" của doanh nghiệp. Theo ông Hoan, TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, song vẫn mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục cống hiến về những cơ chế, chính sách có tác động đến doanh nghiệp.
Ông Hoan cho hay TP sẽ cố gắng thực hiện 3 nhóm giải pháp, cụ thể là tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động bị ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, kể cả các lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động và giải quyết nhanh bài toán tiêm vắc xin cho người lao động.
Theo ông Hoan, các giải pháp trên cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp như cung cấp danh sách người lao động tự do chưa được ký kết hợp đồng để địa phương hỗ trợ.
Sau hơn 90 phút lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Phó bí thư thường trực TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, ông Mãi đã chỉ đạo thành lập nhóm "xử lý nhanh" các vướng mắc của doanh nghiệp ngay trong tuần tới và giao Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đứng đầu với sự tham gia của lãnh đạo các hiệp hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP, tổ tư vấn của TP...
Theo ông Mãi, nhóm này lập nên để giải quyết nhanh các kiến nghị, lập kế hoạch đảm bảo sản xuất của doanh nghiệp, giữ doanh nghiệp tồn tại trong điều kiện có dịch và hậu dịch.
Đối với phương án lưu trú tập trung, ông Mãi cho rằng không gò bó theo mô hình mà TP đang áp dụng, các doanh nghiệp có phương án sản xuất an toàn có thể đề xuất với TP để thẩm định, vận hành.
Về lâu dài, ông Mãi cho hay TP đang đề nghị ngành xây dựng nghiên cứu mô hình nhà ở cho công nhân như Singapore đang áp dụng để có những khu lưu trú dã chiến, đáp ứng điều kiện sinh hoạt kéo dài.
Cần đạt tỉ lệ 70% dân số TP.HCM tiêm mũi 2 vắc xin vào cuối năm
TS Vũ Thành Tự Anh - tổ trưởng tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM - cho biết dịch sẽ chưa thể kết thúc nhanh khi biến chủng Delta và sắp tới có thể có những biến chủng mới, tạo nên những làn sóng dịch mới.
Do đó, cần phải chuẩn bị "chiến đấu lâu dài với dịch bệnh" với phương châm chống dịch để sản xuất, kinh doanh và duy trì sản xuất, kinh doanh để có nguồn lực chống dịch lâu dài. Theo ông Tự Anh, tỉ lệ tử vong do COVID-19 đã tăng lên đáng kể, từ 0,2% vào ngày 9-7 đã lên đến 1,29% vào ngày 30-7, dù thấp hơn rất nhiều tỉ lệ tử vong của thế giới (khoảng 2%).
Tuy vậy, ông Tự Anh cho rằng nếu không bảo vệ thành trì chống dịch sẽ khó bảo vệ mục tiêu bảo vệ sinh mạng, khó nói đến chuyện sản xuất kinh doanh. Do đó, ông đề nghị các doanh nghiệp đồng hành cùng TP để chống dịch, giữ sinh mạng.
Về vấn đề tiêm vắc xin, ông Tự Anh cho biết tổ tư vấn đã tư vấn cho TP phải cố gắng đến cuối năm nay tiêm 2 mũi cho 70% dân số, không đợi đến năm sau để có "điểm rơi" chống dịch tốt, phục hồi và cạnh tranh với các đô thị khác trong khu vực, đón làn sóng đầu tư sau khi dịch bệnh qua đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận