Chiều 27-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của nghị quyết 53 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành và giải ngân số vốn hơn 2.510 tỉ đồng (trong đó bao gồm hơn 1.543 tỉ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và hơn 966 tỉ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020) đến hết năm 2024.
"Vì dân, vì nước thì kỷ luật cũng phải chịu thôi"
Nêu ý kiến tại tổ, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường cho biết còn 64ha chưa thu hồi nhưng chủ yếu nằm bên ngoài, chứ không thuộc trung tâm dự án, nên việc giải phóng mặt bằng tiếp theo không ảnh hưởng thi công sân bay Long Thành.
Về nguyên nhân chậm, ông nói hiện không có cách nào khác, do 2 năm dịch COVID-19 không làm kịp nên hết niên độ.
Do dự án quy hoạch 20 năm, không biết khi nào thực hiện nên "quản lý vô cùng khó" và luật không cấm người dân chuyển nhượng đất đai nên nhiều người dân vẫn chuyển nhượng. Thực tế còn có hơn 2.000 đơn khiếu nại nên phải giải quyết theo trình tự.
Nguyên nhân khác, theo ông Cường là giá nguyên vật liệu lên nên nhà thầu bỏ dù phải chịu nộp phạt và bản thân doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại. Tỉnh cũng phải bỏ ra cả trăm tỉ đồng để làm trường học.
"Về luật là sai, nhưng Ban thường vụ Tỉnh ủy họp và qua HĐND tỉnh nên vì dân, vì nước thì kỷ luật cũng phải chịu thôi. Không làm trường thì khai giảng các cháu không học được, người dân ra tái định cư rồi mà không cho các cháu đi học thì không được", ông bày tỏ.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Nai cũng nhấn mạnh Quốc hội có bấm nút cho giải ngân tiếp đến hết năm 2024 thì cá nhân ông cảm nhận "chưa chắc hoàn thành".
Theo ông Cường, hiện còn hơn 1.000 trường hợp chưa đủ căn cứ xem xét phê duyệt tái định cư, nhưng nhiều trường hợp cũng "không thể không xem xét" vì tính hợp lý trên thực tế.
"Những phát sinh mang tính khách quan vô cùng lớn. Về mặt chủ quan cũng có. Đồng Nai sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Rất mong Quốc hội ủng hộ", ông Cường nói.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống cũng chỉ rõ đi giám sát, khảo sát cũng sốt ruột vì thấy rất chậm, trong khi nghị quyết của Quốc hội chỉ cho đến cuối năm 2021 phải xong.
Gia hạn đến 2024 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cả giai đoạn 1?
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) nói cơ bản nhất trí với chủ trương để tạo điều kiện đảm bảo thực hiện đúng thực tiễn để triển khai dự án.
Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị gia hạn đến hết năm 2024 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý hoàn thành dự án, song tại nghị quyết của Quốc hội về lộ trình thực hiện giai đoạn 1 dự án, Quốc hội quyết định thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án đến năm 2021.
"Giờ gia hạn đến năm 2024 sẽ ảnh hưởng thế nào đến cả giai đoạn 1 chúng tôi chưa thấy có đánh giá. Nếu điều chỉnh thời hạn thực hiện đến 2024 mà không điều chỉnh thời hạn hoàn thành, đưa vào khai thác giai đoạn 1 có bảo đảm khả thi giai đoạn 1 không?
Điều này chưa thấy Chính phủ nêu, làm rõ hay sau này lại một lần nữa xin Quốc hội gia hạn", ông Hiển nói.
Về đề nghị kéo dài thời gian giải ngân, ông Hiển cho rằng việc Chính phủ đề nghị giảm tổng mức đầu tư dự án là việc tốt, tiết kiệm. Nhưng niên độ của dự án từ 2017 - 2021, do đó sẽ không thể thực hiện giải ngân đầu tư công của các công việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ đã thực hiện trong thời gian trước.
"Nếu theo quy định trình tự thủ tục phải khác. Tức số tiền không còn đủ điều kiện gia hạn phải thu hồi và Chính phủ phải trình dự toán ngân sách. Trên cơ sở đó bổ sung vào phương án phân bổ ngân sách hằng năm để bố trí vốn cho dự án", ông Hiển nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận