Lối vào khu phố Nhật trên đường Lê Thánh Tôn vắng hoe - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ngay sau khi UBND quận 1, TP.HCM ra văn bản tạm ngưng hoạt động loại hình rạp chiếu phim, massage, karaoke, quán bar, vũ trường, beerclub trên địa bàn quận, các tiệm kinh doanh tại khu phố Nhật ở đường Lê Thánh Tôn đã răm rắp chấp hành.
Ghi nhận tại hẻm 15A, 15B Lê Thánh Tôn tối muộn 15-3, các quầy bar, massage thường ngày đèn điện sáng trưng, hàng chục nhân viên chào mời khách hàng thì nay đã trở nên vắng lặng như tờ.
Có những con hẻm hàng chục hàng quán đối diện nhau đã tắt đèn tối om từ đầu đến cuối hẻm. Nhiều quầy bar đã treo biển sang quán, chuyển nhượng mặt bằng.
Thấy chúng tôi bước vào quán, một nhóm phụ nữ chìa đôi tay hình chữ X, nói bằng tiếng Nhật ý chỉ từ chối khách. Thì ra, đây là 3 "cổ đông" vừa góp vốn gần 800 triệu đồng để mở quán bar, nay đang ngồi tính lại bài toán chi phí sau khi quán đóng cửa.
Theo chị V. (chủ quán), quầy bar này vừa chi gần 50 triệu để trả tiền lương cho nhân viên và đành cho nhân viên nghỉ song vẫn phải duy trì lương. Ngoài ra, chị V. cũng phải chi thêm 1 triệu đồng mỗi nhân viên trong 3 tháng coi như hỗ trợ thất nghiệp để "nuôi" nhân viên.
Theo chị V., gần chục nhân viên số thì về quê, số chuyển sang đi làm bán thời gian với mức thu nhập 20.000 đồng/giờ để bám trụ ở TP.
Với quán bar này, mỗi tháng chị V. bỏ ra tổng chi phí từ 120-150 triệu đồng, bao gồm 3.000 USD (gần 70 triệu đồng) tiền mặt bằng, do đó bài toán chi phí khi tạm đóng cửa với quầy bar này được chị V. đánh giá là cực kỳ khó khăn.
"Mình tính chỉ duy trì được thêm 3 tháng nữa thôi, nếu không phục hồi được thì "đứt", các cổ đông cũng giải tán, chấp nhận phá sản", chị V. nói.
Những con hẻm bên trong khu phố Nhật vắng lặng như tờ - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tương tự, chủ một quầy tạp hóa tại khu phố Nhật này cho biết thường ngày khách Nhật, Hàn, Trung Quốc… ra vào nhộn nhịp nhưng đến nay chỉ một số ít khách nước ngoài, còn lại chủ yếu là người Việt sống ở khu này ra vào.
Ông Nguyễn Minh Tiến, tổ bảo vệ dân phố tại đây, cho biết suốt 15 năm phụ trách địa bàn này, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến phố vắng lặng như tết.
Theo ông Tiến, toàn bộ các quầy bar, massage đã đóng cửa, chấp hành chỉ đạo của TP.
Đánh giá về số lượng khách hàng đến khu phố từ ra tết cho đến nay, ông Tiến cho rằng lượng khách đã sụt giảm liên tục, đến nay gần như chỉ còn lác đác vài khách nước ngoài cư trú ngay tại khu phố này, còn lượng khách du lịch và thực khách nước ngoài sống ở TP.HCM hiện cũng rất ít đến ăn uống, giải trí tại đây.
"Nhiều nơi đã bắt đầu trả mặt bằng rồi, cứ tính trung bình 2.000 - 6.000 USD mỗi mặt bằng mà đóng cửa thế này thì sẽ rất khó khăn, mong hết dịch để người dân còn quay trở lại kinh doanh chứ cứ tiếp diễn thì càng vắng hơn nữa", ông Tiến nói.
Một quầy massage cửa đóng then cài, trái ngược với khung cảnh sôi động kẻ ra người vào thuở nhộn nhịp - Ảnh: NGỌC HIỂN
Những con hẻm đã tắt đèn tối om, lượng khách quốc tế đến khu phố này đã giảm mạnh - Ảnh: NGỌC HIỂN
Một quầy bar đóng cửa, trong con phố này có đến gần 80 quầy đã cửa đóng then cài như thế này - Ảnh: NGỌC HIỂN
Từ camera an ninh, toàn cảnh khu phố nhộn nhịn này trở nên vắng lặng dù đây là đêm cuối tuần - Ảnh: NGỌC HIỂN
Không một bóng người trên phố đêm - Ảnh: NGỌC HIỂN
Một quán bar, karaoke treo biển sang quán trong khu phố nhiều hàng quán đã đóng cửa - Ảnh: NGỌC HIỂN
Quán nghỉ, các nhân viên tập trung giải trí phía trước quán vào tối 15-3 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận