Trong khi đó dù cố gắng hết sức, bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn vẫn không thể kiếm đủ quảng cáo như đã cam kết với nhà đài HTV.
Phóng to |
Phim Bếp hát được đầu tư cao, quy tụ diễn viên nổi tiếng từ nhiều lĩnh vực nhưng vẫn thu hút ít quảng cáo - Ảnh: Ân Nguyễn |
Ông Vũ Ngọc Hà - giám đốc Công ty Hòa Bình Media, đơn vị sản xuất phim Những đứa con biệt động Sài Gòn phần 2 (đang phát sóng lúc 20g - giờ vàng trên HTV7) - cười buồn: “Giám đốc tôi đang đau đầu chạy tìm quảng cáo đây, nhưng khó quá. Mỗi tập phim thu hút được khoảng 20 mẩu quảng cáo nhưng chủ yếu là quảng cáo thời lượng ngắn, chỉ đạt khoảng 55% số lượng cam kết như trong hợp đồng với nhà đài”.
Chẳng biết đâu mà lần
Hai bộ phim tưởng chừng như chẳng liên quan gì với nhau về giờ phát sóng, thể loại nhưng lại giống nhau ở điểm: cả hai cùng được sự hậu thuẫn của... ánh hào quang những phim trước đó. Những đứa con biệt động Sài Gòn phần 2 là sự nối tiếp của Những đứa con biệt động Sài Gòn phần 1 (còn có tên gọi khác là Không chùn bước) từng tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Còn Vừa đi vừa khóc của Vũ Ngọc Đãng được người xem đánh giá là “dấu phẩy” của Bỗng dưng muốn khóc nổi đình nổi đám một thời.
Xét về chất lượng, Những đứa con biệt động Sài Gòn phần 2 không thu hút bằng phần 1, tuy nhiên bộ phim này được đầu tư kỹ lưỡng với cảnh quay đẹp từ Bắc đến Nam.
Câu chuyện phim cũng hấp dẫn và hợp thị hiếu khi khai thác những vụ án về buôn bán ma túy. Còn Vừa đi vừa khóc lại tươi tắn, nhẹ nhàng, người thích có nhiều nhưng người chê cũng không ít: “Tình tiết ngày càng xàm bà cố. Phim gì mà lòng vòng hoài, mệt quá”.
Xem mệt nhưng... vẫn đông đảo khán giả ngồi xem và VTV đã quyết định tăng giá quảng cáo cho giờ phim này kể từ ngày 12-5. Cụ thể trong giờ phát phim, giá quảng cáo là: 115 triệu đồng/10 giây, 138 triệu đồng/15 giây, 172,5 triệu đồng/20 giây, 230 triệu đồng/30 giây.
Trong khi đó, một spot quảng cáo trong giờ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn phần 2 của HTV7 là 12 triệu đồng/5 giây, 24 triệu đồng/18 giây, 40 triệu đồng/30 giây - chưa bằng 1/5 so với Vừa đi vừa khóc.
So sánh thì có vẻ hơi khập khiễng vì hai bộ phim phát sóng trên hai kênh khác nhau, có tiêu chí và mục đích khác nhau.
VTV3 có độ phủ sóng rộng hơn HTV7. Nhưng cũng trên kênh VTV3, bộ phim Bếp hát vẫn đang chịu số phận hẩm hiu về quảng cáo. Tối 27-6, tập 11 (dài 80 phút, tương đương hai tập phim - mỗi tập 45 phút) của bộ phim này chỉ thu được 12 spot quảng cáo (đơn giá quảng cáo được VTV áp dụng trong giờ phát sóng phim Bếp hát từ ngày 13-6 cao nhất là: 75 triệu đồng/10 giây, 90 triệu đồng/15 giây, 112,5 triệu đồng/20 giây, 150 triệu đồng/30 giây).
Một bộ phim đầu tư kỹ về bối cảnh, trang phục, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng (Thành Lộc, Văn Anh...), lại có nhiều ca sĩ nổi tiếng (Lam Trường, Phương Thanh, Trà My...) cũng đành phải ngậm ngùi vì ít quảng cáo bởi lý do ai xem cũng thấy: nội dung xa lạ và nhạt...
Không chọn cách đầu tư an toàn, lại muốn giới thiệu một kiểu làm phim mới, nhưng nhà sản xuất BHD cũng nhìn nhận Bếp hát chưa thu được quảng cáo như mong đợi: “Không phải dễ dàng ngay lập tức khán giả có thể quen và thích với thể loại phim mỗi tuần một tập và câu chuyện kết thúc theo tập, chứ không rắc rối gối tập này với tập kia như phim truyền hình thông thường...”.
Sự khó lường của phim Việt trước khán giả và... quảng cáo đã được minh chứng. Bà Bích Thủy - giám đốc Hãng phim Sena - trong buổi họp báo phim cũng đã từng than thở: “Làm phim bây giờ chẳng biết đâu mà lần. Phim có chất lượng tốt, câu chuyện hấp dẫn, nhà sản xuất tưởng ngon ăn nhưng khi phát sóng thì khán giả chẳng ủng hộ, quảng cáo chẳng mặn mà”.
Phóng to |
Những đứa con biệt động Sài Gòn có nội dung khá hấp dẫn nhưng doanh thu quảng cáo vẫn thấp - Ảnh: ĐPCC |
Hợp tác... ”độc quyền”: giải pháp an toàn cho nhà đài
Sự trồi sụt khó lường của quảng cáo trong phim Việt đã buộc các nhà đài phải thay đổi chiến thuật hợp tác với nhà sản xuất phim. Giải pháp gần đây được một số nhà đài ứng dụng là hợp tác duy nhất với một hoặc vài nhà sản xuất phim cố định để lo phim cho giờ phát sóng.
Tháng 5 vừa qua, SCTV đã hợp tác với Hãng phim Đại Dương Xanh để khai thác giờ phim Việt lúc 19g45 hằng ngày trên SCTV14. Sau đó không lâu, Công ty M&T Pictures cũng đã ký kết với SCTV14 để cung cấp phim Việt cho giờ phim lúc 20g45.
Công ty này cũng đã và đang hợp tác với HTV để sản xuất phim truyện mới lúc 13g trên HTV7. VTV9 hợp tác với Sóng Vàng khai thác giờ phim Việt lúc 21g với hợp đồng ký kết lên đến năm năm. Giờ phim lúc 22g hằng ngày trên HTV9 hiện nay cũng chỉ do ba nhà sản xuất là Công ty Sóng Vàng, Sena và Vietcom sản xuất.
Bà Bích Liên - giám đốc Hãng phim Sóng Vàng - nhớ lại quãng thời gian đầu khi làm phim theo kiểu hợp tác “độc quyền”: “Tôi từng mất ăn mất ngủ vì lo lắng. Nếu giờ đẹp, dễ có quảng cáo, nhà đài sẽ không áp dụng hình thức này đâu. Làm phim bây giờ không chỉ cần mạnh về kinh tế, mà còn phải hiểu được thị trường. Đó là cái khó nhất. Một mình bước vào cuộc phiêu lưu, được thì tốt mà không được là tiêu ngay bởi tiền làm phim mất cả chục tỉ đồng. Nếu không đủ quảng cáo, không thu được tiền làm sao thu hồi vốn”.
Phóng to |
Chuyển tải câu chuyện nhẹ nhàng, cách kể có phần lê thê, Vừa đi vừa khóc lại thu hút nhiều quảng cáo - Ảnh: ĐPCC |
Phân tích thiệt hơn, một nhà sản xuất không có trong danh sách hãng phim được ký kết độc quyền với nhà đài lại dè dặt nói: “Nếu được nhà đài chọn để hợp tác độc quyền ở thời điểm này cũng không dám bởi quá liều. Các đơn vị hợp tác phải có tiềm lực kinh tế mạnh. Thực tế có nhà sản xuất đã phải bán nhà, mượn tiền để làm phim. Khi phim phát sóng không đạt được đủ quảng cáo hay rating (tỉ lệ người xem) cam kết với nhà đài nên không thu hồi vốn được. Nói gì thì nói nhà đài vẫn chẳng thua thiệt gì từ sự hợp tác này bởi họ chọn giải pháp an toàn cho mình”.
Bà Trường Sơn - trưởng ban khai thác phim truyện HTV - cũng thừa nhận: “Đúng là cách làm này giúp cho nhà đài an toàn hơn”. Bà cho ví dụ cụ thể: “Trước đây, giờ phim Việt lúc 22g của HTV9 bị xuống trầm trọng vì chất lượng phim và sự cạnh tranh gay gắt của các kênh khác. Hầu như phim nào phát sóng xong, HTV đều phải bù tiền chịu lỗ. Gần một năm sau đổi mới, một tín hiệu vui là chỉ số rating giờ này đã ổn định. Từ bù lỗ triền miên, nhà đài đã bắt đầu thu được tiền. Ít nhất mỗi tối thu được 50 triệu đồng, có khi lên đến 100 triệu. Đây rõ ràng là tín hiệu tích cực”.
Nhà đài tự tin với việc thu hồi vốn, còn với khán giả, hình thức hợp tác giữa các bên như thế nào không phải là điều họ quan tâm. Có nhiều phim hay, lôi cuốn, đó mới chính là nhu cầu của người xem. “Đó cũng là tâm nguyện của những nhà sản xuất phim chúng tôi. Làm phim càng nhiều chúng tôi càng hiểu rằng phim có rating cao chưa chắc có nhiều quảng cáo bởi nhiều lý do như phụ thuộc tình hình kinh tế, kế hoạch quảng bá từng nhãn hàng... Nhưng có điều chắc chắn là phim dở thì không thể thu hút quảng cáo được. Vì thế xét cho cùng, chất lượng phim và khả năng đọc đúng thị hiếu khán giả luôn phải đặt lên hàng đầu” - bà Bích Thủy nhìn nhận.
Tại sao vẫn xem Vừa đi vừa khóc? “Vừa đi vừa khóc tạo nhiều dư luận trái chiều. Người yêu thì rất yêu, còn ghét thì rất ghét. Cá nhân tôi nghĩ rằng khi ngoài xã hội ngày càng nhiều chuyện bất an, người tốt co ro thu mình chịu thiệt thì xem một bộ phim với thân phận những người nghèo và tử tế, sống hạnh phúc bởi những điều giản dị, yêu thương nhau, làm những điều tốt nho nhỏ cho nhau, khiến tôi xúc động... Trong phim, có hai người mắc lỗi (tạm gọi là người xấu) - đấy là mẹ của Hải Minh bỏ chồng con khi khó và chồng của chị gái Đông Dương suốt ngày say xỉn, còn lại toàn người tốt. Một bộ phim thiếu những mâu thuẫn địch - ta, tốt - xấu, dẫn dắt câu chuyện bắt đầu từ một lý do khá phi lý (chuyện giả trai của Đông Dương không bị ai phát hiện...), rất khó tin nhưng khán giả vẫn ngồi xem, bởi đạo diễn, quay phim... trau chuốt từng khuôn hình, diễn xuất của diễn viên, đặc biệt là dàn diễn viên nữ rất xuất sắc... Và cũng không có nhiều phim kiểu Vũ Ngọc Đãng như thế này mấy năm qua, nên khán giả đón nhận cũng là điều dễ hiểu”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận