15/12/2017 07:59 GMT+7

Phim Việt 'remake': truyền hình vượt điện ảnh

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Năm 2017, phim remake bùng nổ ở cả hai 'mặt trận' điện ảnh và truyền hình. Nhưng chất lượng của phim remake vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Các giải thưởng điện ảnh và truyền hình chưa thực sự tin tưởng thể loại này.

Truyền hình, điện ảnh đua nhau "remake"

Ở Việt Nam truyền hình là khu vực tiên phong làm phim remake. Từ năm 2006 cho đến nay, truyền hình đều đặn mua kịch bản phim nước ngoài về làm lại. Phải kể tới các bộ Mùi ngò gai, Cô gái xấu xí, Cầu vồng tình yêu, Ngôi nhà hạnh phúc, Dù gió có thổi, Gia đình là số 1...  

Phim Việt remake: truyền hình vượt điện ảnh - Ảnh 1.

Những Cô gái xấu xí, Ngôi nhà hạnh phúc, Lối sống sai lầm, Cầu vồng tình yêu, Dù gió có thổi… đã góp phần đổi món cho khán giả và đem lợi nhuận về cho nhà đài khi thị trường nội địa bắt đầu khan hiếm kịch bản hay.

Bộ phim truyền hình remake thành công nhất của năm 2017 là Người phán xử (kịch bản gốc của Israel), đã góp phần giúp phim truyền hình lấy lại vị thế sau nhiều năm bị game show và truyền hình thực tế lấn át. Sau Người phán xử, đơn vị sản xuất tiếp tục tung ra dự án Cả một đời ân oán (kịch bản gốc của Đài Loan).

Khu vực phía Nam cũng nhộn nhịp tung ra phim truyền hình remake như Glee (kịch bản gốc của Mỹ) - phim đã lên sóng; Mối tình đầu của tôi (kịch bản gốc của Hàn Quốc) - chuẩn bị lên sóng.

Cuối năm nay, một đơn vị vừa công bố sẽ làm lại bộ phim Vì sao đưa anh tới, "bom tấn" truyền hình Hàn Quốc từng làm mưa làm gió tại Việt Nam vài năm trước.

Còn với điện ảnh thì phải tới năm 2015, phong trào remake mới lên cao, mở màn là phim Yêu, Em là bà nội của anh.

Thành công rực rỡ của Em là bà nội của anh đã đẩy mạnh phong trào nhà nhà làm phim remake. Chỉ trong hai năm qua một loạt phim remake ra đời: Bạn gái tôi là sếp, Sắc đẹp ngàn cân, Ngày mai Mai cưới, Yêu đi đừng sợ…  

Phim Việt remake: truyền hình vượt điện ảnh - Ảnh 2.

Năm 2017, các nhà sản xuất phim điện ảnh đã phát hành hai phim remake Yêu đi đừng sợ, Sắc đẹp ngàn cân.

Cuối năm 2017, nhiều dự án phim remake tiếp tục được sản xuất để gối sang vụ 2018. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang làm lại bộ phim Sunny của Hàn Quốc, với tên Việt là Ngựa hoang, dự kiến sẽ ra rạp đầu năm 2018.

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 vừa diễn ra, nhà sản xuất Yêu bất chấp đã tổ chức showcase hoành tráng. Đây là phim làm lại từ kịch bản Cô nàng ngổ ngáo, tác phẩm rất nổi tiếng của Hàn Quốc từ năm 2001.

Một nhà sản xuất cho biết vì thị trường Việt đang rất khan hiếm kịch bản hay nên mua kịch bản nước ngoài là một giải pháp khả dĩ. 

Dù giá một tập kịch bản phim truyền hình nước ngoài có thể đắt gấp ba lần một tập phim do biên kịch Việt viết, nhưng chất lượng kịch bản đã được thị trường nước ngoài kiểm chứng, chỉ cần dụng công Việt hóa, sáng tạo thêm là có thể làm ra phim chất lượng. 

Phim Việt remake: truyền hình vượt điện ảnh - Ảnh 3.

Em là bà nội của anh hốt bạc năm 2015 và 2016

Chất lượng phim remake phập phù

Truyền hình đang làm phim remake tốt hơn điện ảnh. Nhiều phim truyền hình remake đã được khán giả hồ hởi đón nhận như Cầu vồng tình yêu, Ngôi nhà hạnh phúc, Dù gió có thổi, Người phán xử…

Còn điện ảnh chỉ có Em là bà nội của anh thành công rực rỡ về doanh thu, còn lại các bộ phim khác không tạo được hiệu ứng tương tự, thậm chí nhiều phim lỗ. 

Một biên kịch cho biết hầu hết các bản remake thành công hiện nay đều là những phim có sự tương đồng về văn hóa với Việt Nam. 

Phim gốc có thể không xuất sắc, nhưng nếu có nhiều đất để cho đội ngũ trong nước Việt hóa, sáng tạo thêm thì bản remake có nhiều khả năng thành công.

Phim Việt remake: truyền hình vượt điện ảnh - Ảnh 4.

Sắc đẹp ngàn cân phiên bản Việt Nam giống bản gốc của Hàn từng câu thoại, từng nét diễn, từng góc quay… khiến nhiều khán giả tự hỏi tại sao họ phải bỏ tiền xem một bộ phim giống hệt bản chính.

Nếu mua được những kịch bản của những nền điện ảnh ít phổ biến ở Việt Nam cũng là một lợi thế, vì khán giả ít có cơ hội so sánh.

Biên kịch này cũng cho rằng việc chọn những bộ phim đã quá thành công tại nước sở tại, những bộ phim mà khán giả có thể xem đi xem lại nhiều lần như Glee, Cô nàng ngổ ngáo, Vì sao đưa anh tới sẽ là một thách thức rất lớn với những người sản xuất.

Chúng tôi không nhất thiết chọn kịch bản nổi tiếng, mà chọn những kịch bản có đất để phát triển thêm. Chúng tôi không mua kịch bản để minh họa, hay gia công lại. Nếu bên bán kịch bản mà bắt chúng tôi làm giống kịch bản của họ, chúng tôi sẽ không mua.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam), đơn vị sản xuất phim Người phán xử đã từng cho Tuổi Trẻ Online biết kinh nghiệm chọn kịch bản của trung tâm.

Các giải thưởng dè dặt với phim remake

Sự dè dặt của các giải thưởng điện ảnh và truyền hình tại Việt Nam cũng cho thấy các nhà chuyên môn không đánh giá cao phim remake.

Năm 2016, giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam tuyên bố không nhận phim remake, vì hội đề cao các tác phẩm giàu sáng tạo nghệ thuật.

Phần lớn phim Việt remake hiện nay dập khuôn bản gốc. Có thể nhà làm phim Việt bị ràng buộc bởi người nắm giữ bản quyền của bộ phim. Nhưng thị trường mà, phải chấp nhận thôi.

Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nhận định

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 cũng từ chối cho phim remake dự thi, đến mùa giải năm nay mới cho dự thi nhưng chỉ giới hạn ở một số hạng mục.

Liên hoan truyền hình 2017 không cho phim remake dự thi với lý do đây là cuộc thi dành cho các sản phẩm nội địa.  

Phim Việt remake: truyền hình vượt điện ảnh - Ảnh 7.

Người phán xử là phim làm lại kịch bản của Israel, còn Sống chung với mẹ chồng chuyển thể từ tiểu thuyết của Trung Quốc là hai phim truyền hình có hiệu ứng tốt nhất năm 2017.

Phim remake là phim làm lại từ một bộ phim đã được sản xuất trước đó. Ngoài việc làm lại sao y bản chính phim gốc, thì người làm phim remake hoàn toàn có thể sáng tạo thêm, bằng cách thay đổi thể loại phim, thay đổi nhân vật, thêm thắt tình huống, chi tiết… để phiên bản có sự khác biệt so với bản gốc.

Đơn cử bộ phim Hàn Quốc Miss Granny sản xuất năm 2014 sau đó nhanh chóng được nhiều nước như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Indonesia, Philippines, Tây Ban Nha… làm lại (remake).

Hầu hết phiên bản của Miss Granny gần như sao y bản chính bản gốc, chỉ thay đổi một chút để phù hợp với văn hóa, lối sống của nhân vật tại nước đó.

Tuy vậy trên thế giới cũng có trường hợp phim remake được làm lại đầy sáng tạo. Chất lượng của bộ phim remake đã được các giải thưởng điện ảnh ghi nhận bằng vô số giải thưởng.

Như trường hợp phim Mỹ The Departed (2006) làm lại từ bộ phim Hong Kong Vô gian đạo (2002) sau đó đã giành 4 giải Oscar: Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản chuyển thể xuất sắc, Dựng phim xuất sắc.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp