Song đằng sau sự rộn ràng ấy là biết bao tính toán lời lỗ. Phim Việt chất lượng cũng trồi sụt khiến khán giả thiếu niềm tin.
Hợp rồi tan chóng vánh
Cuối năm 2024, dân trong nghề truyền tai nhau tin không vui: một đại gia trong giới truyền thông đã quyết định rút lui khỏi việc hợp tác sản xuất phim cho một số khung giờ đẹp trên HTV và VTV sau khi thua lỗ hàng chục tỉ đồng.
Một số phim dù đã lên kế hoạch sản xuất phải tạm ngưng. Những dự án khác... "liệu cơm gắp mắm".
Đây là chuyện không mới. Hơn 10 năm qua, truyền hình Việt đã có biết bao cuộc hợp tan tương tự.
Nhưng có lẽ cuộc hợp tan của năm 2024 là chóng vánh nhất: chỉ tồn tại trong hơn một năm. "Điều đó chứng tỏ sự khốc liệt trong việc sản xuất phim hiện nay", một người làm phòng phim truyện của một đài truyền hình cho biết.
Mega GS, một đơn vị từng trải qua nhiều quá trình hợp - tan, hiện hợp tác với VTV9 cung cấp phim trong giờ phim Việt lúc 19h từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần trên VTV9.
Phim đầu tiên Đừng khóc, anh đây rồi nay phát sóng Gia vị tình thâm. Bà Bích Liên, giám đốc hãng, cho rằng "giờ làm phim mà thu hồi được vốn và có lãi một chút xíu thôi đã mừng lắm rồi".
"Gọi là cố gắng, giờ phim này mới lên thời gian ngắn chưa biết được thế nào.
Nhưng tôi biết là khán giả vẫn thích xem phim Việt. Đơn cử là Đừng khóc, anh đây rồi khá viral trên mạng.
Chúng tôi cũng thu được tiền từ mạng xã hội để bù lại chi phí sản xuất, chứ quảng cáo thu được từ nhà đài không thể bù chi phí sản xuất đâu", bà Bích Liên nói.
Nhà sản xuất phim Việt khóc ròng vì không thu được quảng cáo trong giờ phim Việt. Đại diện một đơn vị duyệt phim của một đài nói "có nhiều lý do lắm". Khách quan thì do tình hình nền kinh tế khó khăn, thị trường quảng cáo kém.
Chủ quan do nhà sản xuất chọn đề tài chưa đúng thị hiếu người xem, chọn cách làm phim an toàn, không có nhiều kịch tính. "Quan trọng là không kiểm soát được quá trình sản xuất khiến sản phẩm cuối cùng kém chất lượng từ hình ảnh, diễn xuất diễn viên", đại diện này chia sẻ thêm.
Chỉn chu từ điều nhỏ nhất
Phim Phía sau cái chết phát trên SCTV14 có đề tài lạ so với mặt bằng chung: sự kết nối giữa con người với những linh hồn người chết. Đây là điểm cộng giúp phim tạo sự chú ý; song điểm trừ lớn nhất đó là lồng tiếng, khiến khán giả giảm cảm xúc khi xem.
Kỹ thuật lồng tiếng còn sai sót như môi diễn viên không mấp máy mà tiếng nói thì phát ra.
Tương tự, một số phim phát sóng các đài phía Nam như HTV, THVL, SCTV vẫn còn sử dụng phương pháp lồng tiếng nên xem phim cứ thấy giả giả, dở dở.
Một trong những nguyên nhân nữa đó là dàn diễn viên phụ và quần chúng xuất hiện trong phim với khuôn mặt gượng gạo, diễn và thoại đầy gượng ép.
Phải chăng kinh phí thấp nên đoàn phim chỉ mời được các diễn viên chuyên nghiệp vào vai chính, các nhân vật còn lại thì... ai cũng được?
Quan trọng nhất, theo bà Bích Liên, đó là kịch bản phim Việt hay hiện quá hiếm. Chủ đề phim không quan trọng bằng "gu" khán giả của từng kênh.
Bà ví dụ phim phát sóng đài phía Nam khác với phim phát ở miền Bắc. Mỗi tập phim cũng cần có những nút thắt mở, cao trào thì mới có khán giả.
Trước đây phim phát trên truyền hình, thu quảng cáo là xong. Nay nhà sản xuất cần nghĩ thêm việc khai thác trên các nền tảng số.
"Cuối cùng vẫn phải là chất lượng. Phim tốt thì mới có thể tiếp tục đưa lên YouTube, TikTok hay Facebook để khai thác kiếm thêm nguồn thu", bà Liên nói.
Thương phim Việt nhiều hơn
Liệu phim Việt có đang xuống dốc? Thật ra chúng ta nên xem xét dòng chảy của phim truyền hình Việt theo từng thời gian và đặt nó vào bối cảnh khó khăn kinh tế kéo dài sẽ thương phim Việt nhiều hơn.
Đội ngũ biên kịch, biên tập, đạo diễn cố gắng hết sức để khéo léo nằm gọn trong một chiếc "chăn nhỏ" kinh phí vừa đủ.
Nhưng nội dung phim có phần "đứt, gãy cũng là lỗ hổng không thể ngụy biện được, xuất phát từ một quá trình phát triển nội dung của biên kịch, biên tập, đạo diễn.
Hiện các hệ thống nền tảng phát sóng phim truyền hình nước ngoài rất phong phú, phim Việt càng đối mặt với thách thức hơn.
Tôi nghĩ đội ngũ biên kịch chất lượng cần tạo điều kiện để phát triển nghề hơn nữa. Từ các khóa học ngắn hạn cùng chuyên gia trong và ngoài nước đến các hoạt động chung để cùng chia sẻ, đánh thức lẫn nhau để nhào nặn nên một hệ thống nội dung phong phú về thể loại, cú pháp, câu chuyện phim.
Biên kịch Đặng Thanh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận