03/12/2024 10:39 GMT+7

Phim Việt đắt đỏ, thu trăm tỉ chưa lãi

Kinh phí phim điện ảnh Việt ngày càng cao là do nhà làm phim muốn đầu tư hơn vào tác phẩm. Nhiều phim gần đây đầu tư trường quay, đạo cụ công phu.

Phim Việt đắt đỏ, thu trăm tỉ chưa lãi - Ảnh 1.

Công tử Bạc Liêu đầu tư lớn về giá trị sản xuất, có dàn diễn viên nổi tiếng

Gần đây, các phim Việt như Công tử Bạc Liêu, Linh miêu, Cám, Ngày xưa có một chuyện tình, Móng vuốt... hay xa hơn như Người vợ cuối cùng, Đất rừng phương Nam đầu tư mạnh về giá trị sản xuất (production value - được hiểu là chất lượng tổng thể của phim về thiết kế bối cảnh, phục trang, hóa trang, góc quay táo bạo, hiệu ứng đặc biệt).

Từng có thông tin Người vợ cuối cùng hòa vốn ở mức 80 tỉ, sau đó phim thu hơn 100 tỉ đồng bao gồm cả phát hành thị trường quốc tế. Hay Đất rừng phương Nam thuộc nhóm kinh phí lớn nhất thị trường, phải trên 100 tỉ đồng mới hòa vốn.

Sắp tới, Công tử Bạc Liêu được coi là một trong những phim Việt có kinh phí cao nhất năm 2024 và mức hòa vốn cũng rất cao.

Vậy các phim chết thì sao? Sau một phim chết, người ta vẫn ráng ngoi lên làm phim khác và chi số tiền rất lớn khác. Làm phim ê chề lắm, bước vô đi thì biết.
Nhà sản xuất, diễn viên Việt Hương

"Làm phim ê chề lắm, bước vô đi thì biết"

Vài năm gần đây, các nhà sản xuất phim Việt có xu hướng không tiết lộ cụ thể con số kinh phí phim trước báo giới. Họ thường đưa ra các mức ước lượng hoặc dùng từ mơ hồ hơn như "khá cao", "tương đối cao", hoặc nói giảm xuống.

Có thể họ muốn giữ bí mật kinh doanh, giữ kín mức hòa vốn và lời lãi của phim. Bởi hiện nay một bộ phim đầu tư lớn thì thu 40 - 50 tỉ đồng vẫn có thể lỗ, dù phim đứng đầu phòng vé 1-2 tuần.

"Điện ảnh là nghệ thuật thứ bảy, trước tiên là phải đẹp. Như Ma da, dù nhân vật là ma da nhưng vẫn phải đẹp, phim đẹp từng hạt cát thì tốn tiền cỡ nào. Làm phim có nhiều cái tốn tiền lắm" - diễn viên Việt Hương nói với Tuổi Trẻ.

Chị dẫn ví dụ như dây thừng xấu quá phải thay, hay miếng ván trên thuyền phải giẫm lên thì lên hình mới đẹp nhưng làm hỏng thuyền.

Tất cả đều chi tiền tươi ngay tại trường quay. Rồi mướn diễn viên quần chúng là người dân trong xóm. Họ nay đóng, mai nghỉ mà cảnh phim đặc biệt thì hôm sau phải quay lại cảnh đó.

Phim Ma da (hiện là phim kinh dị có doanh thu cao bậc nhất Việt Nam với 127 tỉ đồng) bể bối cảnh phải quay lại, từ 30 ngày đội lên 52 ngày, kinh phí cao như hai bộ phim.

Thị trường hiện nay có những phim đạt doanh thu vài trăm tỉ đồng. Những phim đó có mức lãi lớn nhưng là số ít.

Phim Việt đắt đỏ, thu trăm tỉ chưa lãi - Ảnh 2.

Cảnh lập đàn tà thuật trong phim Linh miêu: Quỷ nhập tràng - Ảnh: ĐPCC

Điện ảnh - ngành nghệ thuật đắt đỏ

Công tử Bạc Liêu (ra rạp ngày 6-12 tới) có bối cảnh phim hoành tráng là các căn biệt thự lớn cùng với phòng trà, hí trường, những buổi tiệc xa hoa, ăn chơi.

Trang phục trong phim là thời trang Sài Gòn, Nam Bộ từ thập niên 1930. Áo dài tân thời lấy cảm hứng từ áo dài Lemur, áo bà ba Nam Bộ. Áo vest kiểu Tây đi kèm những phụ kiện tinh xảo, chịu ảnh hưởng từ văn hóa Pháp.

Còn Linh miêu: Quỷ nhập tràng hiện là bộ phim được đầu tư lớn nhất của 89s Group với các giá trị sản xuất gấp 20 lần so với các phim trước đây.

Phim đắt đỏ ở kỹ xảo để tạo hình chú mèo đen với con mắt thứ ba, tạo nên cảnh hàng trăm con chuột chạy cấu xé cô người ở, cảnh xô người xuống cầu thang, hình ảnh bức phù điêu sứ hay cảnh lập đàn tà thuật gọi linh miêu...

Thông qua đơn vị phát hành phim, đạo diễn Lưu Thành Luân cho biết ê kíp làm việc liên tục với 1.600 giờ dựng phim và hơn 600 phân cảnh thực hiện VFX.

Đồng thời, ê kíp cũng phục dựng căn nhà cổ 150 năm tuổi - 51 Hàm Nghi ở Huế. Nhà sản xuất Hồ Xuân Phú nhận định: "Dù tiêu tốn kinh phí không hề nhỏ để tu sửa lại căn nhà từ miếng gạch, sơn, cánh cửa, chúng tôi nghĩ khoản đầu tư này hiệu quả vì đây là cách duy nhất đáp ứng được tất cả các yêu cầu đặt ra cho việc kể chuyện".

Một số phim dồn tiền cho dàn diễn viên nổi tiếng. Sau một bộ phim có doanh thu cao hoặc hơn trăm tỉ, cát sê của diễn viên thường được đẩy lên. Những diễn viên "hot", có vài phim doanh thu cao hoặc trăm tỉ thường có cát sê trên dưới 1 tỉ đồng.

Gần đây, khi nhìn vào dàn diễn viên của một số phim, người trong nghề có thể đoán được khoản kinh phí cho cát sê là hàng tỉ đồng.

Chẳng hạn phim Chị dâu có dàn nữ Việt Hương, Hồng Đào, Ngọc Trinh, Lê Khánh, Đinh Y Nhung. Phim Làm giàu với ma có Hoài Linh, Lê Giang, Tuấn Trần. Cô dâu hào môn có Uyển Ân, Lê Giang, Kiều Minh Tuấn. Hầu hết các diễn viên này đều đã có phim trăm tỉ.

Do chưa có trường quay lớn, tập trung có thể quay nhiều phim như điện ảnh các nước, phim Việt cần tự xây dựng trường quay cho mỗi phim, đặc biệt phim cổ trang đòi hỏi nhiều công phu.

Phim Việt đắt đỏ, thu trăm tỉ chưa lãi - Ảnh 3.Cần 100 tỉ đồng để làm phim hoạt hình 3D hoành tráng ở Việt Nam

NSƯT, tác giả phim hoạt hình Trịnh Lâm Tùng chia sẻ cần 100 tỉ để làm phim hoạt hình 3D ở Việt Nam, nhưng nhà sản xuất Việt cố gắng làm với kinh phí thấp hơn nhiều.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp