Sự thật vẫn luôn ở đó và chờ đợi dù chúng ta có nhìn thấy hay không, lựa chọn thế nào...
Ngay lập tức phim gây nên một cơn sốt và được chấm điểm cực kỳ cao trên IMDb (9,6/10), dù không hề có kỹ xảo bom tấn hay cao trào thử thách nhịp đập trái tim người xem. Thành công ngẫm ra lại thật đơn giản: dàn dựng lại những cảnh thật, người thật, tái hiện một thảm họa có thật, thể hiện lại cuộc vật lộn, đấu tranh để được nói ra sự thật.
"Tôi không biết"
5 tập phim không dài. Kịch bản đưa đường dây của phim theo chuỗi tài liệu của từng dấu mốc thời gian, địa điểm. Góc máy đi từ toàn cảnh đến tận đáy mắt nhân vật. Người thật, việc thật cứ vậy tuần tự diễn lại trước mắt khán giả, không hư cấu, không cường điệu, hoặc trong một vài chi tiết còn làm nhẹ đi sự thật nếu so sánh với bản ghi chép lời nhân chứng.
Không cao trào nhưng vẫn có những phút khiến người xem nín thở, vì biết rằng đó chính là những gì đã xảy ra: vẻ ngơ ngác và những phản ứng yếu ớt, rồi khuất phục của các kỹ sư trong phòng điều khiển lò phản ứng số 4, hành động trực tiếp dẫn đến thảm họa; phút cân nhắc, đắn đo, rồi quyết tâm bước vào khu vực phóng xạ nguy hiểm nhất thế giới với trang bị sơ sài của đội lặn, trần trụi của đội thợ mỏ, hay "có vẻ như được bảo vệ từ đầu tới chân" của những công nhân thực hiện nhiệm vụ 90 giây trên mái nhà...
Nga thông báo thảm họa làm 31 người chết, nhưng phim nói con số nạn nhân không ước lượng được - Ảnh: IMDb
Không phải máy móc hay robot, mà chính con người đã dùng sinh mạng mình để dọn dẹp thảm họa. Câu hỏi "Sau này chúng tôi có được chăm sóc không?" của người đội trưởng và cái lắc đầu thật lòng "Tôi không biết" của vị chỉ huy cấp nhà nước khiến người xem nghẹn lòng. Anh đội trưởng ấy chắc cũng nghẹn lòng, và quả quyết quay đầu vào tử địa để cứu hàng triệu người.
Và càng nghẹn lòng hơn trước những lực cản từ những mệnh danh lớn lao "an ninh quốc gia, danh dự nhà nước" mà 2 nhà khoa học Valery Legasov và Ulana Khomyuk đã gặp phải trên chặng đường quyết tâm tìm hiểu sự thật và nói ra sự thật.
Cuộc vật lộn giữa lương tri với những đe dọa bủa vây từ quyền lợi đến tự do, từ sinh mạng bản thân đến an toàn của người thân được các diễn viên diễn xuất xuất thần trên gương mặt, trong ánh mắt đi rất nhanh vào lòng khán giả, nhất là khán giả Việt Nam.
Chernobyl của HBO là loạt phim truyền hình được chấm điểm cao nhất từ trước đến nay trên IMDb (9,6/10). Phim được quay tại một thành phố ở Litva. Dù biên kịch - nhà sản xuất phim Craig Mazin khẳng định phim dựa trên ký ức của các nhân chứng và rất sát với thực tế, người xem thuộc Liên Xô cũ không thích thú với bộ phim. Trong khi phim Mỹ đang gây sốt, Nga cũng đang sản xuất loạt phim truyền hình riêng về Chernobyl.
Sự thật vẫn luôn ở đó
Thông điệp về sự khẩn thiết của sự thật, tác hại của dối trá, bưng bít, của chủ nghĩa thành tích được bộ phim lặp đi lặp lại, nhấn mạnh còn hơn cả những thông số kỹ thuật về tác hại ngàn năm của thảm họa hạt nhân: "Nếu không biết được chính xác điều gì đã diễn ra, thảm họa sẽ xảy ra lần nữa".
"Mỗi lời nói dối đều sẽ tạo ra một khoản nợ với sự thật và sẽ phải trả giá". "Sự thật vẫn luôn ở đó và chờ đợi dù chúng ta có nhìn thấy hay không, lựa chọn thế nào"...
Kể cả những cuộc họp cấp trung ương của Liên Xô ngày ấy cũng được tái hiện trong phim. Những cuộc họp đơn giản đến ngạc nhiên cho một thảm họa toàn cầu.
Không phải do cái nhìn của người Mỹ về Liên Xô, mà chính trong hồi ký của mình, tổng bí thư Mikhail Gorbachyov đã ghi lại: "Khi nghe thông tin về sự cố tại Nhà máy năng lượng nguyên tử Chernobyl ngày thứ nhất, Bộ Chính trị có thái độ dễ dãi đến ngạc nhiên đối với những gì đã xảy ra từ phía những người có trách nhiệm.
Họ đã đưa ý kiến như thế này tại cuộc họp Bộ Chính trị: "Chuyện nhỏ thôi. Việc này từng xảy ra trước đây tại các lò phản ứng công nghiệp nhiều nước và họ đã xử lý được. Để tránh bị nhiễm xạ, chúng ta phải uống nhiều nước, ăn thứ gì đó và đi ngủ". Hai ngày đầu, chúng tôi không biết được điều gì đã xảy ra, liệu đã có xảy ra vụ nổ và chất phóng xạ bị tung vào không khí, hay đó là một sự cố hay đám cháy...".
Cảnh trong phim Chernobyl
Sau này, khi đã tường tận sự thật, khi đã nhìn thấu những sai lầm, hạn chế, ông viết tiếp: "Chernobyl đã soi rọi nhiều căn bệnh trong toàn bộ hệ thống của chúng ta: che giấu thảm họa và những sự kiện tiêu cực, vô trách nhiệm, cẩu thả, kỷ luật làm việc lỏng lẻo... Nếu đúng là chúng ta không thể thiếu năng lượng hạt nhân thì các nhà máy điện hạt nhân cần được xây dựng có tính toán đến tất cả các kinh nghiệm mà chúng tôi đã trải qua: lò phản ứng, hệ thống quản lý, an ninh và quan trọng nhất là năng lực nhân sự cả về chuyên môn lẫn đạo đức...".
Cuối cuốn sách của mình, Svetlana viết: "Tôi cảm thấy như thể mình đang ghi chép tương lai". Cuối cuốn phim này, nhà biên kịch Craig Mazin để lại câu hỏi của giáo sư Valery Legasov: "Cái giá của nói dối là gì?". Cũng là câu hỏi cho tương lai...
Sự nhỏ bé của thân phận
Thảm họa hạt nhân Chernobyl - với lượng phóng xạ phát ra gấp khoảng 350 lần quả bom nguyên tử đã rơi xuống Hiroshima, trớ trêu thay, bắt nguồn từ một thử nghiệm an toàn.
Những người trực tiếp ấn nút kích hoạt trong phòng điều khiển là những công nhân nhỏ bé, mà hầu hết trong số họ thiếu kinh nghiệm và không hiểu rõ chính xác những gì họ làm, lại được hướng dẫn bởi những người lãnh đạo bất chấp mọi thứ để đạt thành tích báo cáo. Từng giây, từng phút trong phòng điều khiển đêm hôm đó, mọi hành động của họ như được lập trình để dẫn đến sai lầm.
Năng lượng nguyên tử có lẽ là thứ vũ khí với sức mạnh hủy diệt ghê gớm nhất mà con người từng phát minh ra. Hình ảnh những người lính cứu hỏa - những lực lượng đầu tiên có mặt ứng cứu tại hiện trường - tiếp xúc với phóng xạ và nhanh chóng tan chảy, phân rã như một lời nhắc nhở về sự nhỏ bé của thân phận con người.
C.T.VL.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận