Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa trái), NSND Trà Giang và ê kíp phim Đêm tối rực rỡ - phim truyện điện ảnh đoạt giải Cánh diều vàng - tại lễ trao giải - Ảnh: MINH CHIẾN
Năm nay có 147 tác phẩm tham dự, trong đó có 12 phim điện ảnh, 14 phim truyền hình.
Đêm tối rực rỡ và Bình minh đỏ thắng lớn
Đêm tối rực rỡ - phim về bạo lực gia đình của vợ chồng đạo diễn Aaron Toronto và biên kịch Nhã Uyên - giành giải Cánh diều vàng cho phim truyện điện ảnh. Đây là kết quả hợp lý trong bối cảnh năm 2021 không có nhiều phim điện ảnh Việt nổi bật trên thị trường, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đêm tối rực rỡ nói về chủ đề bạo lực gia đình, sang chấn tâm lý và bi kịch tiếp nối qua nhiều thế hệ trong một đại gia đình. Phim do Aaron Toronto (người Mỹ) đạo diễn, người vợ của anh là Nhã Uyên làm biên kịch kiêm diễn viên chính.
Giải Nam diễn viên chính xuất sắc trong phim truyện điện ảnh chứng kiến bất ngờ nho nhỏ khi thuộc về bé Lại Trường Phú (10 tuổi) của phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác. Vượt qua những diễn viên người lớn khác, Trường Phú khá xứng đáng khi vai diễn cậu bé mồ côi mẹ chạm vào trái tim người xem.
Là đại diện của dòng phim nhà nước, Bình minh đỏ - bộ phim lịch sử lấy cảm hứng từ những chiến công và gương chiến đấu anh dũng của trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn được đánh giá là không lên gân mà lặng lẽ thấm sâu vào người xem - giành nhiều giải nhất trong hạng mục điện ảnh với 6 giải.
Đó là: Cánh diều bạc, Đạo diễn xuất sắc (dành cho NSND Nguyễn Thanh Vân và Trần Chí Thành), Âm nhạc xuất sắc, Âm thanh xuất sắc, Nữ diễn viên phụ xuất sắc (dành cho Phạm Bảo Hân) và giải diễn viên trẻ triển vọng (Phạm Quỳnh Anh). Giải Cánh diều bạc lần lượt thuộc về: Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác và Bình minh đỏ.
Về hạng mục phim tài liệu, giành Cánh diều vàng là phim Hai bàn tay của đạo diễn Đặng Thị Linh. Phim kể về cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Nguyễn Sáng - một trong những danh họa của mỹ thuật Việt Nam. Không sợ hãi, phim tài liệu của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên về những con người bình thường trong đại dịch COVID-19, giành 1 trong 2 giải Cánh diều bạc.
Điểm sáng 11 tháng 5 ngày
Ở lĩnh vực phim truyền hình, năm nay Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) tiếp tục bội thu Cánh diều. VFC đoạt luôn 2 Cánh diều vàng phim truyện (Thương ngày nắng về, 11 tháng 5 ngày), 1 Cánh diều bạc (phim Hương vị tình thân) và tất cả 7 giải cá nhân (nam, nữ diễn viên xuất sắc; nam, nữ diễn viên phụ xuất sắc; biên kịch xuất sắc; quay phim xuất sắc, đạo diễn xuất sắc) đều thuộc về các phim do VFC sản xuất. Đây là kết quả không bất ngờ bởi cũng như giải Cánh diều các năm trước.
Điều bất ngờ khá thú vị nằm ở chỗ phim đoạt giải Cánh diều vàng các năm trước tập trung vào hai thể loại: phim hình sự hoặc phim gia đình. Riêng năm nay, bộ phim đề tài tình yêu và cuộc sống giới trẻ 11 tháng 5 ngày (đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh và Nguyễn Đức Hiếu thực hiện) đoạt 3 giải Cánh diều vàng: phim xuất sắc và nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Thanh Sơn vai Đăng) và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Khả Ngân vai Tuệ Nhi).
Như vậy 5 năm sau bộ phim Zippo mù tạt và em, Cánh diều vàng ở lĩnh vực phim truyền hình mới có thêm một phim đề tài giới trẻ đoạt giải.
So với mặt bằng chung các phim phát sóng, 11 tháng 5 ngày đoạt giải là điều... dễ hiểu. Trong suốt thời gian khoảng 3 tháng phát sóng, bộ phim tạo nên sự quan tâm đặc biệt với khán giả, nhất là khán giả trẻ bởi nội dung phim trẻ trung, gần gũi, âm nhạc hay, cộng với những phản ứng "hóa học" thú vị của cặp đôi chính.
Trong khi đó, Thương ngày nắng về là một trong những phim truyền hình Việt gây tiếng vang năm qua, đặc biệt là vai bà Nga của diễn viên gạo cội Thanh Quý. Phim mua kịch bản từ phim truyền hình Con gái của mẹ của Hàn Quốc năm 2019, được Việt hóa cho phù hợp. Bên cạnh câu chuyện gia đình, tình mẫu tử ý nghĩa, Thương ngày nắng về cũng gây tranh cãi vì một số tình tiết bị cho là bi thương thái quá, cường điệu.
Đoạt giải Cánh diều bạc, bộ phim Cây táo nở hoa của Công ty cổ phần Vie Channel - HTV2 sản xuất khi phát sóng cũng tạo nên nhiều "sóng gió" bình luận khen chê trái chiều bởi câu chuyện tình thân gia đình trong phim đẩy lên cao trào với nhiều biến cố dồn dập.
Mẹ Trùm - sản phẩm của Hãng phim TFS - nhận được bằng khen Cánh diều đánh dấu những nỗ lực của một hãng phim nhà nước phía Nam trong hành trình trở lại với đường đua phim ảnh.
Khả Ngân, Thanh Sơn nhận giải nam, nữ diễn viên chính phim truyền hình - Ảnh: MINH CHIẾN
Lễ trao giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam diễn ra khá gọn ghẽ trong 2 tiếng đồng hồ tại Trung tâm hội nghị tỉnh Khánh Hòa (phát sóng trực tiếp trên VTV9), quy tụ hơn 300 đại biểu, nghệ sĩ cả nước tham dự.
Từ 17h, trước lễ trao giải 3 tiếng, tại quảng trường 2-4 của thành phố Nha Trang đã chật kín người dân và du khách đến gặp gỡ, giao lưu với diễn viên, nghệ sĩ. Trong tối trao giải, ban tổ chức bố trí dọc công viên bờ biển 19 điểm chiếu phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. 19 con diều bay lượn trên thảm đỏ cũng góp phần làm nên không khí tươi mới cho buổi lễ.
Với chủ đề chính Tiếp gió biển cho cánh diều bay cao, giải Cánh diều năm nay diễn ra từ ngày 8 đến 13-9 tại TP Nha Trang. Trong những ngày qua, 12 phim điện ảnh tranh giải đã được chiếu miễn phí cho khán giả. Hội thảo "Khánh Hòa - Điểm kết nối lý tưởng của điện ảnh và du lịch" cũng được tổ chức sáng 13-9 nhằm tìm hướng mở ra sự kết nối giữa điện ảnh với du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.
MINH CHIẾN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận