Phóng to |
Thực tế và phi thực tế
Quen thuộc với khán giả Việt Nam có thể kể đến phim truyền hình của Mỹ và Hàn Quốc. Hai dòng phim đến từ hai đất nước, đi theo hai xu hướng khác nhau nhưng lại luôn thu hút một bộ phận không nhỏ khán giả Việt.
Nói đến phim truyền hình Mỹ, người ta nghĩ ngay đến những từ: độc đáo, lôi cuốn và đặc biệt là rất thực tế. Trong khi chúng ta luôn đi theo hướng tô hồng hoặc bôi đen nhân vật, chẳng hạn như một nhân vật được xem là chính diện sẽ luôn tốt đến mức khó tin, thì phim truyền hình Mỹ lại chọn cho nhân vật mình gam màu xám.
Lấy ví dụ bộ phim truyền hình Mỹ đình đám hiện nay Glee (đang chiếu trên kênh Star World). Phim đề cập đến một nhóm học sinh của Trường Ohio luôn bị xem là những kẻ thua cuộc ở trường nhưng vẫn không ngần ngại thể hiện bản thân. Điều đáng nói là trong Glee hiếm có nhân vật nào được xem là người tốt hay kẻ xấu hoàn toàn.
Nếu giọng ca xuất sắc nhất của nhóm Rachel Berry (Lea Michele thủ vai) là một cô gái tài năng, luôn giúp đỡ mọi người thì cô nàng vẫn có những lúc ích kỷ, đố kỵ bạn bè như bao cô gái khác.
Trong khi đó, huấn luyện viên đội cổ vũ Sue Sylvester (Jane Lynch thủ vai) tuy ngoài mặt là một phụ nữ khó tính nhưng vẫn có những phút yếu mềm bên người chị mắc bệnh Down của mình. Phim cũng không ngại đề cập đến những vấn đề rất thực tế mà các bạn trẻ phải đối mặt như chuyện tình cảm, giới tính, thiếu vắng tình thương của ba mẹ…
The Mentalist (Thám tử đại tài) lại mang đến cho người xem một hình ảnh rất khác về người anh hùng. Bên cạnh những khả năng phi thường của một anh hùng, nhân vật chính Patrick Jane cũng để lộ sự háo thắng, ngạo mạn, trẻ con của một người bình thường. Chính những điều đó đã khiến các nhân vật này tuy không phải mẫu người hoàn hảo, lý tưởng nhưng lại rất dung dị, gần gũi. Lối xây dựng nhân vật này đang ngày càng phù hợp thị hiếu của khán giả hiện đại: chuộng khuyết hơn tròn và rất trân trọng tính thực tế.
Phóng to |
Trong khi đó, các bộ phim truyền hình Hàn Quốc lại thành công theo hướng ngược lại: xây dựng những nhân vật có phần phi thực tế: quá thông minh, siêu ngớ ngẩn hay giàu có đến mức khó tin… Tuy nhiên, khi đặt các nhân vật này lại gần nhau thì câu chuyện lại trở nên rất tự nhiên và thú vị.
Xem các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những môtíp quen thuộc kiểu chàng trai nhà giàu yêu cô gái nhà nghèo, anh chàng siêu quậy phải lòng cô gái hiền lành, chăm chỉ. Nhưng với sự biến hóa linh hoạt đặc biệt là khả năng nắm bắt tâm lý khán giả, các nhà làm phim truyền hình xứ kim chi không khó để tạo nên những “cơn sốt” về thời trang, âm nhạc, cách nói chuyện…trong khán giả.
Đó cũng chính là yếu tố làm nên sự thành công trong các kịch bản phim của chị em nhà Hong (Hong Jung Eun và Hong Mi Ran) như My girlfriend is a gumiho (Bạn gái tôi là cáo chín đuôi), You are beautiful (Cô nàng đẹp trai)… tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Khán giả quyết định tất cả
Nếu như các nhà sản xuất phim điện ảnh luôn hướng đến doanh thu phòng vé thì yếu tố mang tính sống còn của một bộ phim truyền hình chính là phản ứng của khán giả.
Ở Mỹ và Hàn Quốc, khi một bộ phim truyền hình lên sóng, người ta luôn có hệ thống theo dõi số lượng người xem (rating) và đánh giá từng mùa chiếu (đối với phim chia theo mùa, thường là phim Mỹ). Nhờ vậy, nhà đài có thể dễ dàng đánh giá phản ứng của khán giả đối với bộ phim chứ không phải kiểu món gì cũng có thể dọn ra bàn mà không chú ý đến khẩu vị của “thực khách”. Thiếu tính hai chiều đó, khán giả “bội thực”, “trúng thực” phim truyền hình cũng là điều dễ hiểu.
Mặt khác, các nhà sản xuất phim truyền hình trước khi bắt tay làm một bộ phim đều hướng đến những đối tượng cụ thể và luôn sắp đặt sao cho sự hấp dẫn nối tiếp nhau qua mỗi tập phim.
Phóng to |
Câu chuyện đằng sau song sắt làm nên sức hấp dẫn của Prison break - Ảnh: Fanpop |
Bạn sẽ khó thể bỏ qua bất cứ tập phim nào của Heroes (từng chiếu trên kênh Starworld, Today TV) hay Prison break (Vượt ngục) bởi sự gay cấn đến khó lường trong các tập phim. Bạn cũng không thể xem mở đầu mà đoán ngay được kết thúc phim hay phải bỏ qua một số tập nào đó vì nhàm chán, do kết cấu phim rất chặt chẽ và nối tiếp nhau theo kiểu mắt xích.
Tất cả đều hướng đến thị hiếu của khán giả chứ không vì một sự tròn trĩnh nào đó mà xen vào những chi tiết thừa thãi hay giấu đi mặt trái của sự việc.
Xem người lại ngẫm đến ta. Dẫu không có nhiều điều kiện về đội ngũ chuyên môn và thiết bị công nghệ như nước bạn, nhưng thiết nghĩ những thành công của họ đều bắt nguồn từ những điều hết sức gần gũi và chọn xuất phát điểm từ phía khán giả mà ra thì tại sao ta lại không làm được?
Theo bạn, phim Việt hiện nay nên khắc phục ngay vấn đề nào dưới đây?
Đề tài xa lạ với cuộc sống Diễn xuất của diễn viên kém Lời thoại nhạt nhẽo, không chân thật Kịch bản không hấp dẫn, phim dài lê thê Quảng cáo chèn trong phim quá lộ liễu Ý kiến khác
|
Diễn đàn “Khán giả chê phim Việt, vì sao?” do TTO tổ chức với mong muốn nhận được những bài viết thẳng thắn mổ xẻ tình trạng hiện nay của cả điện ảnh lẫn truyền hình Việt Nam, qua đó đưa ra những gợi ý, giải pháp để nâng tầm chất lượng của phim Việt. Mời bạn đọc gởi bài viết với những gợi ý sau: - Bạn thấy kịch bản phim Việt hiện nay như thế nào? Độ hợp lý/ gần gũi/hấp dẫn? Như thế nào là những kịch bản điện ảnh lay động, hấp dẫn, gần gũi. - Thoại trong phim Việt có tự nhiên hay lên gân, hay nghe giả tạo? - Đạo diễn Việt Nam còn thiếu điều gì để có nhiều bộ phim xứng tầm, không lạc lõng giữa thị trường, không coi thường khán giả. - Chất lượng diễn viên hiện nay như thế nào: diễn xuất của diễn viên / mức độ hóa thân vào nhân vật? - Âm nhạc cho phim - Vai trò của nhà phê bình, nhà sản xuất, nhà quản lý cũng như hội đồng duyệt phim… Bạn cũng có thể đề cập cái hay nên học hỏi của những bộ phim truyền hình/ điện ảnh hay của Việt Nam/ thế giới… Bài viết xin vui lòng gửi về [email protected]; tiêu đề ghi Diễn đàn phim Việt. Bài viết gõ bằng Unicode, không quá 1.000 chữ. Dưới bài vui lòng ghi đầy đủ thông tin cá nhân để tòa soạn tiện liên hệ. Mời xem thêm: |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận