21/09/2014 07:30 GMT+7

Phim lịch sử Việt Nam: Không đủ động lực bán vé

HIỀN HÒA
HIỀN HÒA

TT - Phim do Nhà nước đầu tư đã bỏ mất khía cạnh truyền thông trong kinh phí được duyệt nên âm thầm sản xuất và âm thầm ra rạp cũng là điều hết sức dễ hiểu.

Cảnh trong phim Sống cùng lịch sử, bộ phim có tổng đầu tư 21 tỉ đồng nhưng chỉ dành 50 triệu đồng cho các hoạt động quảng bá phim: treo banner, in poster, họp báo, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông... - Ảnh đoàn phim cung cấp
Cảnh trong phim Sống cùng lịch sử, bộ phim có tổng đầu tư 21 tỉ đồng nhưng chỉ dành 50 triệu đồng cho các hoạt động quảng bá phim: treo banner, in poster, họp báo, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông... - Ảnh đoàn phim cung cấp

Phim do Nhà nước đầu tư nói chung (trong đó có phim lịch sử) đã tước bỏ mất khía cạnh truyền thông trong kinh phí được duyệt - theo nghĩa phải có khoản tiền rõ ràng và đáng kể để quảng bá - nên âm thầm sản xuất và âm thầm ra rạp cũng là điều hết sức dễ hiểu.

Hơn nữa, trong bối cảnh phim lịch sử ngoại nhập không những áp đảo về số lượng, chất lượng, mà còn áp đảo về khâu truyền thông, phát hành, suất chiếu... nên phim lịch sử nhà nước càng hẹp “đất sống” ở các rạp đạt chuẩn, nơi được điều hành bởi đa số là tư nhân.

Quảng bá phim nhà nước: không cần thiết?

Từ vài thực tế như vừa kể đã dẫn đến hệ quả: khán giả Việt khi nghe đến phim lịch sử Việt là ngại đến rạp để xem.

Điều này còn được “éo le hóa” khi các phim lịch sử do Nhà nước đầu tư đã không được những nhà phát hành mạnh đảm trách, lại chiếu ở những rạp cũ và luôn vắng khách.

Con số sau đây có thể đã bị xê xích ít nhiều, nhưng chừng một năm trước thì tỉ lệ bán vé như sau: 70% tại TP.HCM, 20% ở Hà Nội, 10% cho các tỉnh còn lại.

Các phim lịch sử do Nhà nước đầu tư chọn chiếu ra rạp tại Hà Nội, lại chiếu ở các rạp cũ, khán giả ít hoặc không đi xem cũng là dễ hiểu.

Một đơn cử dễ thấy về sự yếu kém ở khâu quảng bá, đó là phim lịch sử Mỹ nhân (kịch bản: Văn Lê, đạo diễn: Đinh Thái Thụy) do Nhà nước đầu tư sẽ bấm máy vào ngày 23-9-2014 tại Huế, thế nhưng đến nay trên mạng vẫn rất ít thấy hoặc không thấy thông tin.

Trong khi phim này có quá nhiều yếu tố để làm truyền thông, ví dụ như đề cập lại một vụ loạn luân nổi tiếng thời chúa Nguyễn Phúc Tần, về Tống Thị và Thị Thừa. Phim có sự tham gia của Kim Hiền (vai Tống Thị), hoa hậu Triệu Thị Hà (Thị Thừa), Quách Ngọc Ngoan (Nguyễn Phúc Tần), Trọng Hải (Nguyễn Phúc Lan), Thạch Kim Long (Nguyễn Hữu Dật)... có đủ nhân tố để làm truyền thông.

Theo dự tính ban đầu, phim Mỹ nhân sẽ do Hồ Ngọc Xum đạo diễn, sau Hãng phim Giải Phóng chỉ định Lê Hoàng, và nay gần như “âm thầm” chuyển sang Đinh Thái Thụy.

Mỹ nhân vốn thuộc nhóm bốn phim (ba kịch bản lịch sử) được Bộ VH-TT&DL phê duyệt đầu tư trong năm 2013, trong đó có Nhà tiên tri (kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn: Vương Ðức), Sống cùng lịch sử (kịch bản: Ðoàn Tuấn, đạo diễn: Nguyễn Thanh Vân), Những đứa con của làng (kịch bản: Phạm Dũng, đạo diễn: Nguyễn Đức Việt).

Với cả bốn phim này, các thông tin như ngày bấm máy, đóng máy, ra rạp... vẫn là một bí ẩn. Dù Những đứa con của làng được truyền thông quan tâm nhiều hơn chút đỉnh, nhưng do chủ yếu có Trần Bảo Sơn đóng vai chính nên phim được “ăn theo” chiến lược truyền thông cá nhân, vốn dày đặc, của diễn viên này.

Phim Những người viết huyền thoại có tổng đầu tư khoảng 8,6 tỉ đồng, nhưng theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thì khi công chiếu chỉ có vài chục triệu đồng đầu tư cho công tác truyền thông, ví dụ làm poster.

Với bộ phim Sống cùng lịch sử đang ồn ào dư luận, theo đạo diễn, toàn bộ số tiền dùng cho việc quảng bá phim là chưa đến 50 triệu đồng. 50 triệu so với 21 tỉ đồng!

Trong khi các hãng tư nhân chi hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỉ cho truyền thông, quảng bá. Theo tin bên lề từ một nhà phát hành, phim Nước 2030 (đạo diễn: Nguyễn Võ Nghiêm Minh) chưa công chiếu rộng rãi vì đang thiếu 400-500 triệu đồng cho khâu quảng bá.

Một phim có chất lượng yếu như Mất xác (đạo diễn: Đỗ Thành An) nhưng nhờ truyền thông rầm rộ mà đã bán vé có lãi chút đỉnh, dù mục đích của họ vào phút chót “hòa vốn là mừng”.

Phim lịch sử: dễ và khó

Gần đây cộng đồng vừa hứng thú vừa thấy buồn khi xem phim Đại thủy chiến (The admiral, 2014, đạo diễn: Han Min Kim).

Hứng thú vì bộ phim đã tái hiện một trận thủy chiến huyền thoại của Hàn Quốc, vốn diễn ra ngày 26-10-1597, do đô đốc Yi Sun Sin chỉ huy.

Còn buồn vì nghĩ về biển Đông và các trận thủy chiến huyền thoại trong lịch sử Việt Nam, ví dụ trận Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938), hay trận Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên Mông (năm 1288) cũng trên sông Bạch Đằng, nhưng chưa biết đến bao giờ mới có phim tương xứng.

Cái dễ của phim lịch sử là kịch bản đã có sẵn chất liệu, muốn hào hùng có hào hùng, muốn bi kịch có bi kịch.

Còn cái khó vẫn là cách thể hiện, phim lịch sử Việt Nam vẫn được làm trong tâm thế tuyên truyền và tất thắng, nghĩa là các trận chiến trong phim đều có chiến thắng được biết trước, khá dễ dàng.

Còn nhớ cuối năm 2008 Hàn Quốc có phim Thiên sát thần binh (Shingijeon - Thần cơ tiễn) của đạo diễn Kim Yoo Jin. Phim kể về thời vua Sejong (1397-1450), triều Joseon, tương đương thời Lê Lợi (1385-1433) ở Việt Nam, và cả hai nước thời này đều phải chống sự xâm lược của nhà Minh (Trung Hoa).

Phim kể lại chuyện Hàn Quốc chế tạo thần cơ tiễn (shingijeon) thành công năm 1430, hoạt động theo nguyên tắc tên lửa có thể bay xa 3km.

Cũng thời ấy, Nguyễn Trãi ba lần “xuống núi” tìm Lê Lợi, rồi hội thề Lũng Nhai, nằm gai nếm mật đánh thắng giặc Minh xâm lược... đều có thể thành phim xúc động, hùng tráng nhưng vẫn là “đất trống” với người xem.

Điểm chung của Thiên sát thần binh và Đại thủy chiến là đều nhìn đúng thực lực hùng mạnh của kẻ thù, nên tái hiện kẻ thù khá bề thế, trang trọng.

Trong khi phần lớn phim lịch sử của Việt Nam chỉ nhìn kẻ thù trong thế bên ta tất thắng nên chỉ dồn lực tái hiện bên ta, còn phía địch làm khá cẩu thả. Chính điều này đã làm cuộc chiến trong phim nặng tính tuyên truyền, thiếu sự kịch tính và chân thật.

Một kịch bản sinh động như Giải cứu binh nhì Ryan (đạo diễn: Steven Spielberg, năm 1998) sẽ khó được Việt Nam duyệt kinh phí khi đã làm một việc tưởng chừng phi lý: phải hi sinh cả tiểu đội để cứu một binh nhì.

HIỀN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp