Theo số liệu của The Box Office Vietnam, phim kinh dị Cám đang dẫn đầu phòng vé, bỏ túi hơn 73,5 tỉ đồng sau 8 ngày ra rạp (cộng với vé đặt trước).
Khát vọng làm mới truyện cổ tích
Câu chuyện bắt đầu từ hàng nghìn năm trước khi một gia tộc giao kèo với Bạch Lão (NSƯT Hạnh Thúy) để hưởng cuộc sống giàu sang. Đổi lại, họ phải hiến tế trinh nữ cho ác quỷ 10 năm một lần để nó tu luyện trường sinh.
Trailer phim Cám
Đến đời của lý trưởng Hai Hoàng (Quốc Cường), gia đình ông sinh ra Cám (Lâm Thanh Mỹ), nhưng trớ trêu thay, cô bé mắc phải hội chứng khiến khuôn mặt bị biến dạng.
Do vậy, Cám luôn chịu sự ghẻ lạnh, đánh đập từ mẹ ruột (Thúy Diễm), bị dân làng coi như quái vật, thậm chí gia tộc xem đó là nỗi ô nhục.
Ngược lại người chị cùng cha khác mẹ của Cám là Tấm (Rima Thanh Vy) vừa xinh đẹp vừa tài năng, là niềm tự hào của dòng họ.
Điểm khác biệt lớn nhất trong phim Cám so với truyện cổ tích là Tấm luôn sẵn sàng bảo vệ và che chở cho em gái. Còn Cám hiền lành, sẵn sàng nhường hết cho chị số tép mình bắt được.
Biến cố xảy ra khi đến kỳ hiến tế buộc Hai Hoàng phải hy sinh Cám.
Bước ngoặt này cùng tiếng gọi "vì sao con khóc?" của quỷ đỏ ba mắt đã đánh thức phần tà ác bên trong Cám, khiến cô trỗi dậy báo thù.
Một số chi tiết quan trọng trong truyện cổ tích cũng thay đổi. Chẳng hạn, người cho cá bống ăn là Cám, không phải Tấm; thái tử nhặt chiếc hài của Tấm trong rừng, thay vì dưới sông.
Người mẹ kế, vốn là nhân vật phản diện chính trong cổ tích Tấm Cám, nay đổi thành hình ảnh người mẹ bất lực, đáng thương hơn đáng trách. Ngoài ra, một nhân vật cổ tích quen thuộc của Việt Nam - thằng Bờm - cũng xuất hiện trong phim và có mối liên hệ mật thiết với nhân vật Cám.
Lồng ghép chất liệu văn hóa dân gian
Nếu phim kinh dị những năm gần đây tràn ngập những cảnh hù dọa jumpscare thì Cám lại mang đến màu sắc khác hơn, từ cách tạo hình nhân vật với nửa mặt méo mó và phần mắt chảy xệ cho đến cách cha mẹ đối xử với con cái.
Tương tự Tết ở làng địa ngục hay Kẻ ăn hồn, điểm đặc trưng ở các tác phẩm của đạo diễn Trần Hữu Tấn là lồng ghép các chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam.
Từ trang phục truyền thống, đạo cụ, bối cảnh làng Hương; các trò đánh đu, đánh cờ người; món ăn đặc sản... đều xây dựng đơn giản và gần gũi với khán giả.
Lâm Thanh Mỹ nhập vai Cám với lối diễn xuất tự nhiên, không gượng ép. Cô thể hiện khá tốt sự phát triển tâm lý qua từng tình huống căng thẳng. Còn Rima Thanh Vy, Quốc Cường, Thúy Diễm, NSƯT Thúy Hạnh và Doãn Hoàng ở mức tròn vai.
Trong khi Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân mang màu sắc tươi sáng thì Cám của Trần Hữu Tấn mang tới những khung hình buồn bã, u ám cùng gam màu lạnh, tương phản giữa sắc đỏ sẫm, lục lam...
Cám mang đến góc nhìn mới mẻ về truyện Tấm Cám: không ai hoàn toàn tốt hay xấu, mỗi người đều có cả hai mặt và ranh giới giữa chúng rất mỏng manh, khó mà phân biệt rõ ràng.
Kịch bản ôm đồm, dài lê thê
Cám dài khoảng 120 phút, do ôm đồm xây dựng tính cách và câu chuyện riêng cho từng nhân vật khiến đường dây kịch bản trở nên dài dòng và lê thê, dẫn đến những hạt sạn về mặt logic.
Tác phẩm có mở đầu khá dài khi hơn một nửa thời lượng phim chỉ dành kể truyền thuyết lời nguyền và chuyện Cám bị người đời chê bai.
Phần kết quan trọng lại kết thúc chóng vánh, nhất là diễn biến tâm lý đột phá của nhân vật Tấm khi bị chiếm lấy thân xác chỉ vỏn vẹn vài phút.
Cách xây dựng tâm lý nhân vật phát triển mơ hồ, khiến khán giả bị kéo tuột khỏi phim.
Nhiều nút thắt có thể giải quyết từ sớm nhưng vẫn còn dang dở, thậm chí bị bỏ qua, nhằm tập trung dồn sức cho phân cảnh quỷ dữ trả thù gia tộc Hai Hoàng một cách gượng ép.
Điều đọng lại và khiến khán giả bàn tán ở Cám những ngày qua là cảnh Tấm tắm dưới ao sen vào ban đêm, đứng lên và để lộ cơ thể nhuốm máu và phần ngực trần.
Chủ đề này gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi phần đông khán giả cho rằng phân cảnh 18+ không cần thiết, không liên quan tới cốt truyện, mà chỉ nhằm mục đích kích thích sự tò mò của người xem.
Dù vậy, giữa bối cảnh phim Việt đang cạn kiệt đề tài và thiếu những dự án có tính đột phá, Cám vẫn là tác phẩm gây tò mò đối với những ai hâm mộ dòng truyện cổ tích.
Vết xe đổ của phim kinh dị Việt Nam
Những năm gần đây, nhiều nhà làm phim lựa chọn "phủ" lên lớp áo kinh dị những câu chuyện dân gian đậm văn hóa Việt như Bắc kim thang, Kẻ ăn hồn, Quỷ cẩu, Ma da...
Các phim này đều có phần dài dòng và rời rạc ở đoạn giữa, khiến câu chuyện không thật sự cuốn hút và đôi lúc còn gây khó hiểu cho khán giả. Các phim đa phần sử dụng lời thoại để kể làm giảm đi sự tinh tế và sức nặng cảm xúc mà ngôn ngữ điện ảnh có thể mang lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận