Theo danh sách do Cục Thuế TP.HCM công khai mới đây, Công ty cổ phần phim Giải Phóng (gọi tắt là Phim Giải Phóng) nợ Chi cục Thuế quận 3 hơn 53,3 tỉ đồng.
Ngày 19-12 này là kỷ niệm 61 năm thành lập hãng phim (1962 - 2023).
3/12 tầng làm việc, còn lại cho thuê
Phim Giải Phóng tọa lạc tại mặt tiền số 212 đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM.
Thông tin trên website chính thức của Phim Giải Phóng ở địa chỉ www.phimgiaiphong.com.vn cho thấy hãng nằm ở một khu vực đắc địa, "đất vàng" của TP.HCM.
"Nơi đây tập trung nhiều văn phòng cao cấp ở quận 3. 212 Lý Chính thắng nằm trong vị trí tiện lợi dễ dàng di chuyển sang quận 1, quận 5, quận 10, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh", website thông tin ở mục rao "cho thuê văn phòng".
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trong 12 tầng thì có tầng 2, 4 và 6 là nơi các nhân viên của đơn vị này đang làm việc. Cụ thể, tầng 2 là trung tâm sản xuất phim hậu kỳ, tầng 4 là văn phòng, tầng 6 là hội trường.
Đa phần các tầng còn lại đều đã được cho thuê, một số công ty đặt văn phòng tại đây là Capital Studio, Novel Production, Mega Gs Communication...
Một thương hiệu từng rực rỡ
Xưởng phim Giải Phóng được thành lập năm 1962, vào giai đoạn chiến tranh ác liệt diễn ra tại chiến trường miền Nam.
Sau ngày thống nhất đất nước, Xưởng phim Giải Phóng trở thành Xưởng phim Tổng hợp, Xí nghiệp Phim tổng hợp và tiếp theo đó là Hãng phim Giải Phóng.
Ngày 30-6-2010 đổi thành Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng.
Hãng phim Giải phóng cùng với Hãng phim truyện Việt Nam ở miền Bắc được xem là "hai cánh chim đầu đàn" của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Tính đến năm 2022, hãng này đã thực hiện được hơn 500 bộ phim truyện, tài liệu và hoạt hình.
60 năm qua, nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh đã nỗ lực, sáng tạo nghệ thuật bằng trí tuệ, mồ hôi và nước mắt, kể cả máu trong giai đoạn chiến tranh để gây dựng nên tên tuổi, thương hiệu của hãng phim này.
Nhiều phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình của Phim Giải Phóng đoạt được nhiều giải thưởng cao ở trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, đặc biệt giai đoạn khởi đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam thời Đổi mới.
Có thể kể ra các phim tiêu biểu như Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến); Ván bài lật ngửa, Vĩnh biệt mùa hè (đạo diễn Lê Hoàng Hoa); Về nơi gió cát, Xa và gần (đạo diễn Huy Thành); Chung cư, Gánh xiếc rong, Mê Thảo thời vang bóng (đạo diễn Việt Linh);
Tuổi thơ dữ dội, Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn); Vị đắng tình yêu (đạo diễn Lê Xuân Hoàng); Xương rồng đen (đạo diễn Lê Dân); Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý (đạo diễn Lê Hoàng); Bụi hồng, Thời xa vắng (đạo diễn Hồ Quang Minh); Ba mùa (đạo diễn Tony Bùi), Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh) - hãng hợp tác cùng 3Bproductions (Pháp) và Novak Prod (Bỉ) …
Trong đó có phim Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng (2003) được xem là tác phẩm mở đầu cho thời kỳ phim thương mại sau giai đoạn khủng hoảng của điện ảnh Việt Nam thập niên 1990, gây sốt trong thời điểm ra mắt với doanh thu kỷ lục 12 tỉ đồng.
Các phim được các giải thưởng quốc tế có thể kể đến như phim Cánh đồng hoang đoạt Huy chương vàng và giải đặc biệt của Liên đoàn Báo chí quốc tế (Prix FIPRESCI) tại Liên hoan phim quốc tế Moscow (1981).
Phim Gánh xiếc rong "ẵm" Giải thưởng lớn tại Liên hoan phim quốc tế Friburg (Thụy Sĩ) 1992, giải Khán giả bầu chọn tại Liên hoan phim Ba châu lục Nantes Pháp 1990, giải Giám khảo thiếu nhi tại Liên hoan phim quốc tế Uppsala (Thụy Điển)…
Phim Ai xuôi vạn lý đoạt giải Bạc tại Liên hoan phim quốc tế Bergamo 1997, giải Khinh khí cầu bạc tại Liên hoan phim Nantes 1998…
Phim Mùa len trâu giành Giải đặc biệt của ban giám khảo trẻ tại Liên hoan phim Locarno (Thụy Sĩ) 2004, Giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Amien (Pháp) 2004, Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Amazonas (Brazil) 2004, Giải phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Palm Springs (Mỹ) 2006…
Trong những năm gần đây, hãng phim gây tiếc nuối cho khán giả khi không còn tác phẩm nào gây tiếng vang.
Phim mới nhất mà hãng này công bố là Phơi sáng - một trong ba phim được Nhà nước đặt hàng trong năm qua (cùng với phim Đào, phở và piano và Hồng Hà nữ sĩ), mới ra mắt truyền thông ngày 9-12 ở TP.HCM.
Tại Liên hoan phim Việt Nam tại Đà Lạt mới đây, không thấy Phơi sáng tham dự ở Phim dự thi.
Sống bằng cho thuê mặt bằng, nhiều lùm xùm
Đạo diễn Việt Linh là một trong những nghệ sĩ kỳ cựu gắn bó với hãng từ khi xưởng phim còn ở khu căn cứ Tây Ninh cho tới khi đơn vị dời về TP.HCM.
Khi nghe tin Phim Giải Phóng nợ thuế hơn 53,3 tỉ đồng, Việt Linh nói “đau đớn nhưng không bất ngờ” bởi “đó là hệ quả tất yếu”.
36 năm gắn bó, “và xem như máu thịt” nhưng năm 2005, đạo diễn Việt Linh đành phải viết đơn rời khỏi hãng vì “ngôi đình thiêng bị xúc phạm, khi biến thành cái chợ bán buôn”.
Cùng rời đi lúc đó còn có các chuyên gia, nghệ sĩ như Lê Hoàng, Phạm Hoàng Nam, Trần Khải Hoàng…
Thời điểm đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương đập bỏ bốn tầng trụ sở hãng (đang hoạt động tốt, dùng không hết) để xây dựng nên cơ ngơi 12 tầng, 1 tầng trệt, 1 hầm, mà nhân sự hãng phim không được tham vấn dân chủ.
“Từ đó, hãng phim không còn là chính nó nữa”, bà nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đạo diễn Việt Linh nói cụ thể hơn: “Từ chỗ là một địa chỉ làm phim, làm nghệ thuật, người ta chỉ muốn tập trung khai thác mặt bằng. Điện ảnh và các giá trị truyền thống không còn được ưu tiên”.
Đó cũng là giai đoạn hãng phim manh nha trước “cổ phần hóa” để năm 2015, Phim Giải Phóng là một trong số những đơn vị nghệ thuật đầu tiên được cổ phần hóa sau một thời gian dài làm ăn thua lỗ triền miên.
Đạo diễn phim Mê Thảo thời vang bóng nói “những câu chuyện buồn giai đoạn đó là chỉ dấu của sự nát tan, cay đắng hôm nay”.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, công cuộc cổ phần hóa tại đây diễn ra cũng không hề suôn sẻ sau đó. Thậm chí, sau khi lên sàn giao dịch, dù trở thành Công ty cổ phần phim Giải Phóng nhưng Nhà nước vẫn giữ 99,7% cổ phần.
Năm 2018, tại buổi làm việc của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lúc đó là ông Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu: “Hãng phim Giải Phóng bán cổ phần không ai mua cả”.
Chưa kể, hãng này cũng dính không ít lùm xùm liên quan đến kiện tụng và nợ nần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận