Bỏ lại phía sau thị thành phồn hoa và náo nhiệt, đoàn xe chiếu phim lưu động của chúng tôi lắc lư, uốn mình theo những con dốc cheo leo trên sườn núi. Đến bản Bạ Hạ (xã Thạch Ngàn, Con Cuông, Nghệ An) vào chiều hè không oi ả, khi ánh nắng hoàng hôn chỉ còn phớt nhẹ trước mui xe.
Phóng to |
Dân bản xem phim |
Thôn bản như nhộn nhịp hẳn lên, tiếng loa phát thanh của chị tuyên truyền viên vang vọng núi rừng: "Tối nay vào lúc 19g30, đội chiếu bóng số 2 của Sở Văn hóa thông tin, Nghệ An sẽ chiếu phim phục vụ bà con, kính mời bà con thu xếp công việc để tới xem đúng giờ...".
Chiều về trên xứ núi thật nhanh, bầu trời loang lổ đủ sắc màu. Xa xa đã thấy lấp ló vài ba ngôi sao. Ánh trăng như thiếu nữ Thái, cứ e ấp, nấp mình sau dãy núi bạt ngàn cỏ cây. Bản Bạ Hạ là bản cuối cùng của xã Thạch Ngàn. Nằm sâu trong thung lũng, cách trung tâm xã gần 20 cây số đường rừng nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Cả bản có 28 hộ với gần 180 nhân khẩu, đều là người dân tộc Thái. Ở đây điện chưa có, nước thiếu thường xuyên nên việc được xem phim với bà con dân bản cũng vui và háo hức như lúc được mùa.
19g30 phim chiếu nhưng 18g đã thấy nhiều em bé ngồi xếp hàng ngay ngắn trên mỏm đá, mắt nhìn chăm chú lên màn ảnh rộng. Một số lớn hơn thì đứng xem chúng tôi chuẩn bị máy móc, chỉ trỏ với nhau bằng tiếng Thái rồi cười khúc khích. Cụ Vi Thị Quyết, năm nay 90 tuổi, nhà ở gần đó, vừa nhai trầu vừa bảo: "Ta chưa ăn cơm mô, để xem phim đã, xem phim Bác Hồ là no cái bụng rồi". Đây là đợt chiếu phim nằm trong chiến dịch "Hè tình nguyện - vì cuộc sống cộng đồng" của Tỉnh đoàn Nghệ An, kết hợp với trung tâm phát hành phim nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Vì thế buổi chiếu phim được chia thành hai phần. Phần một chiếu về Bác với tập phim mang tên Chân dung một con người. Cả cuốn phim là những tư liệu về tuổi thơ và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Hình ảnh Bác cho cá ăn, vui chơi cùng các cháu thiếu nhi hay cùng các chú bộ đội tập võ... hiện ra thật gần gũi, thân thương. Đan xen là những khúc dân ca sâu lắng, mượt mà, là những lời bình ngọt ngào, sâu sắc của cô chú phát thanh viên: "Hồ Chí Minh - con người của sự thanh liêm, của sự giản dị, cả cuộc đời đã hi sinh vì nước vì dân...".
Mọi người đang xôn xao bỗng dưng im lặng, cả núi rừng như đang dõi theo từng bước chân của Người.
Tiếp đến là phim tâm lý xã hội mang tên Nọc độc. Đây là bộ phim có nội dung nói về tệ nạn ma túy trong học đường. "Chúng tôi quyết định chọn chiếu bộ phim này nhằm tuyên truyền bà con hiểu được sự nguy hại của ma túy, thấy được sự cần thiết trong việc giáo dục con em trước những cạm bẫy của cuộc sống" - chị Nguyễn Thị Hồng, trưởng đoàn, giải thích. Không chỉ chiếu phim về đề tài ma túy, đoàn còn có phim về nạn chặt phá rừng, việc bỏ học nhiều ở vùng cao hay về những hủ tục trong ma chay cưới hỏi ở vùng núi...
Phóng to |
Đội chiếu phim đang chuẩn bị phông màn |
Đi vào giữa đám đông, tôi thấy một chị đang bế em bé và che ô trong khi trời không mưa. Hỏi, chị cho biết tên Lô Thị Hà, ở bản Kẻ Tắt (cách Bạ Hạ 2km), cháu bé chưa đầy 2 tháng tuổi nên phải che ô sợ sương. Chị bảo: "Con nhỏ quá nhưng không xem thì tiếc lắm, mấy lần trước chiếu ở bản trên tôi cũng đều đi xem". Hỏi "Chị có hiểu phim nói gì không?", chị cười: "Có chớ, tôi hiểu mà, ma túy ác lắm nên tôi luôn dặn thằng con (đã đi Nam) phải tránh xa, nghiện khổ lắm cô à". Phim chiếu cảnh anh trai bị nghiện đánh em gái để lấy tiền đi hít, bà con đều "ồ" lên. Tuy chỉ là phim nhưng mọi người đều tỏ ra rất bất bình, có người la lớn: "Bỏ tù đi công an ơi".
Bộ phim kết thúc cũng là lúc ánh trăng đã chếch trên đỉnh núi, tiếng chị tuyên truyền viên lại vang lên lanh lảnh giữa núi rừng. Tiếng cười xen lẫn bước chân đi nghe rộn ràng như vừa xong ngày hội. Ai cũng xuýt xoa tiếc vì phim hết. Ông Vi Văn Hoa, trưởng bản, phấn khởi nói: "Chúng tôi vui lắm. Mong bản sớm có điện để được xem Bác Hồ thường xuyên".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận