09/07/2019 09:55 GMT+7

Phim ASEAN không còn là vùng trũng

CÁT KHUÊ (từ Bangkok, Thái Lan)
CÁT KHUÊ (từ Bangkok, Thái Lan)

TTO - Năm nay, BAFF được đánh giá là chọn phim khá tốt, một số phim được chọn tranh giải là các phim đã giành được không ít giải thưởng từ các liên hoan phim uy tín trên thế giới.

Phim ASEAN không còn là vùng trũng - Ảnh 1.

Liên hoan phim Bangkok ASEAN (BAFF) vừa kết thúc tối 8-7 với ba giải thưởng được trao cho các phim đến từ Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Các phim tham dự BAFF chiếu miễn phí ở hệ thống rạp hiện đại nhất Bangkok là Paragon Cineplex và SW World Cinema, nhiều suất chiếu kín rạp cho thấy sự quan tâm không nhỏ của người dân ở Bangkok với sự kiện văn hóa này.

Những bộ phim gây ấn tượng mạnh

Một cái tên không xa lạ với những người làm điện ảnh trẻ Việt Nam là A Land Imagined của điện ảnh Singapore, bởi lẽ dự án này từng giành giải thưởng lớn tại Gặp gỡ mùa thu 2016. 

A Land Imagined kể về một viên cảnh sát bị chứng mất ngủ, được giao điều tra những vụ mất tích của các công nhân nước ngoài đang làm việc tại những công trình xây dựng lớn ở Singapore. 

Đây là một đề tài mang tính xã hội không dễ thể hiện, lại dễ sáo mòn, nhưng bằng cách trộn lẫn những vấn đề của chính viên cảnh sát với một công nhân nhập cư, đạo diễn Siew Hua Yeo đã tìm được một cách kể chuyện độc đáo.

Một bộ phim khác cũng về đề tài nhập cư là Manta Ray của đạo diễn Phuttiphong Aroonpheng (Thái Lan) kể câu chuyện về một ngư dân trẻ người Thái - có vợ bỏ theo một người đàn ông khác - một hôm đã "nhặt được" một người Myanmar nhập cư kiệt sức trong một cánh rừng đước ven biển. 

Cách xử lý hình ảnh của Manta Ray đặc biệt gây ấn tượng khi tạo cảm giác kỳ bí huyễn hoặc bằng cách sử dụng thủ pháp ánh sáng màu sắc gần với tinh thần của nghệ thuật đương đại.

Cũng là đại diện của điện ảnh Thái, Hope Frozen của đạo diễn Pailin Wedel lại là một phim tài liệu có chủ đề lạ khi đề cập đến một gia đình trí thức có điều kiện kinh tế đã gửi xác cô con gái nhỏ mất vì ung thư qua Mỹ, cấp đông để chờ ngày cô bé được hồi sinh. Đề tài gây tranh cãi nhưng phim được làm khá hiện đại, hấp dẫn.

Khác với những phim trên, Balangiga: Howling Wilderness của đạo diễn Khavn De La Cruz (Philippines) là một phim giàu chất thơ, gợi đến thứ điện ảnh kinh điển mang màu sắc huyền bí của Andrei Tarkovsky mà có lẽ đã lâu rồi điện ảnh đương đại quên mất thứ ngôn ngữ này. 

Phim kể về hành trình của một ông già và một cậu bé xuyên suốt đất nước Philippines những năm đầu thế kỷ 20, cùng sự xuất hiện đầy đe dọa của những người Mỹ ở xứ sở này...

Khi sóng không còn ngầm nữa...

Trong khoảng 10 năm qua, các phim ASEAN đã được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới thông qua các liên hoan phim hàng đầu. 

Phim thuộc khu vực ASEAN đã giành không ít giải thưởng quan trọng nhất mà tiêu biểu là Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives của đạo diễn người Thái Apichatpong Weerasethakul - giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2010.

Trước đó, Kinatay của đạo diễn Brillante Mendoza - điện ảnh Philippines - đã giành giải đạo diễn xuất sắc cũng tại Cannes năm 2009. 

Mới đây nhất, A Land Imagined của Siew Hua Yeo - điện ảnh Singapore - giành giải Báo vàng ở Liên hoan phim Locarno tại Thụy Sĩ năm 2018 cùng hàng loạt giải thưởng khác.

Nhìn từ các phim tham dự BAFF 2019, có thể thấy khối phim các nước ASEAN không còn là vùng trũng của điện ảnh thế giới mà đang được các liên hoan phim hàng đầu chú ý nhờ tinh thần độc đáo, trong đó những yếu tố về tôn giáo, lịch sử đã trở thành một phần đặc sắc khiến điện ảnh khu vực này trở nên khác biệt. 

Nhiều phim gợi cho khán giả những suy nghĩ rộng mở, đa chiều về các vấn đề đương đại như thời gian, sự tồn tại, sự thay đổi của thế giới, môi trường sống, tình trạng bạo lực và tha hóa của cư dân đô thị, mâu thuẫn tôn giáo hay vấn đề người nhập cư.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đạo diễn Phan Đăng Di - giám khảo BAFF - nói: "BAFF là một liên hoan phim được Bộ Văn hóa Thái Lan tổ chức với những thông điệp có vẻ mang nặng màu sắc chính trị và ngoại giao. 

Nhưng thực tế, sự thú vị của BAFF chính là nó lại được vận hành bởi những nghệ sĩ, những nhà làm phim tâm huyết trong việc phát triển điện ảnh của đất nước, của khu vực, cũng như muốn kéo điện ảnh ASEAN tiệm cận hơn với các hoạt động điện ảnh đương đại của thế giới".

Thật vậy, xem các phim ASEAN trong BAFF, có thể nhận ra tấm giấy thông hành văn hóa qua điện ảnh cần có sự kết hợp không chỉ từ sự hỗ trợ của quốc gia mà còn cần sự tham gia chủ động của các nhà làm phim, những người vừa tham vọng phát triển điện ảnh lại vừa có liên kết chặt chẽ với mạng lưới điện ảnh khu vực cũng như thế giới. 

Chỉ khi đó, các liên hoan phim mới thoát khỏi tình trạng hình thức, làm lấy lệ, để trở thành một hoạt động thực sự có ý nghĩa với những người làm nghề, thúc đẩy sự hiểu biết và giao lưu bình đẳng giữa các nền văn hóa khác nhau...

Phim Thái Lan đoạt giải Phim ASEAN hay nhất

phim 1

Cảnh trong phim Manta Ray của Thái Lan - Ảnh: BAFF

Tối 8-7 tại Bangkok, Thái Lan, lễ trao giải BAFF diễn ra trang trọng với sự chứng kiến của một số quan chức Chính phủ Thái Lan cùng các nhà ngoại giao ASEAN và châu Á.

Có ba giải thưởng đã được trao gồm: Phim ASEAN hay nhất thuộc về Manta Ray của điện ảnh Thái Lan, giải thưởng Ban giám khảo BAFF thuộc về Balangiga: Howling Wilderness của điện ảnh Philippines. Đại diện đến từ Việt Nam, phim Vợ ba, đoạt giải Special Mention.

Liên hoan phim Bangkok ASEAN trao giải, điện ảnh Việt được xướng tên

TTO - 'Vợ ba' của đạo diễn Nguyễn Phương Anh được trao giải Special Mention cùng hiện kim trị giá 2.000USD. Lễ bế mạc Liên hoan phim Bangkok ASEAN 2009 vừa diễn ra ở Central World Bangkok - Thái Lan.

CÁT KHUÊ (từ Bangkok, Thái Lan)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp