Ngày 19-6, Bộ Ngoại giao Philippines nói "những hành động bất hợp pháp và hung hăng" của Trung Quốc trong chuyến tiếp tế thường lệ của Manila ở Biển Đông vào ngày 17-6 khiến một thủy thủ bị thương nặng, một số tàu bị hư hại. Philippines cũng tố phía Trung Quốc thu giữ vũ khí.
Manila yêu cầu Trung Quốc phải tránh các hành động gây nguy hiểm cho thủy thủ và tàu thuyền ở Biển Đông, đồng thời cho biết thêm rằng hòa bình không thể đạt được nếu Bắc Kinh nói một đằng làm một nẻo.
"Theo cam kết theo đuổi hòa bình của Philippines, bộ đã nỗ lực tái thiết một môi trường thuận lợi cho đối thoại và tham vấn với Trung Quốc về Biển Đông. Điều này không thể đạt được nếu lời nói của Trung Quốc không phù hợp với hành động của họ trên biển này", Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines.
Ngày 18-6, quân đội Philippines khẳng định lực lượng hải cảnh Trung Quốc "cố ý đâm tốc độ cao" nhằm làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội đóng ở khu vực bãi Cỏ Mây. Một số thủy thủ Philippines bị thương, trong đó một người bị mất một ngón tay sau vụ việc và được đưa vào bệnh viện điều trị.
Ngược lại, lực lượng hải cảnh Trung Quốc phản bác rằng tàu của Manila đã tiếp cận một cách có chủ ý và nguy hiểm một tàu Trung Quốc một cách thiếu chuyên nghiệp, buộc tàu này phải thực hiện các biện pháp kiểm soát, bao gồm "lên tàu kiểm tra và buộc trục xuất".
Ngoài ra, một quan chức quân sự Philippines cho biết hải cảnh Trung Quốc cũng đã "cướp" súng từ một thủy thủ trên tàu Philippines.
"Họ không có quyền hoặc thẩm quyền pháp lý để chặn sứ mệnh của chúng tôi và phá hoại các tàu Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines", ông Alfonso Torres Jr., chỉ huy Lực lượng vũ trang thuộc Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, nói trong cuộc họp báo ngày 19-6 về vụ việc.
Ngày 19-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố rằng tàu Philippines không chỉ mang đồ tiếp tế mà còn có vũ khí và vật liệu xây dựng để chiếm đóng bãi Cỏ Mây. Bộ này cảnh báo rằng Bắc Kinh còn chưa áp dụng các biện pháp trực tiếp đối với lực lượng Philippines.
Phán quyết ngày 12-7-2016 của Hội đồng trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nhấn mạnh Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định.
Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết và triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu thuyền khác để tuần tra và bồi đắp trái phép một số rạn san hô thành đảo nhân tạo.
Vào tháng 1-2024, Manila và Bắc Kinh đã đồng ý cải thiện liên lạc hàng hải và quản lý hợp lý các xung đột cũng như khác biệt thông qua đàm phán thân thiện, đặc biệt là tình hình xung quanh bãi Cỏ Mây.
Nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bãi Cỏ Mây cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km.
Thời gian qua Philippines liên tục tố tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối, ngăn chặn và thực hiện các hành động nguy hiểm nhằm vào tàu Philippines ở Biển Đông.
Trong đó có các vụ tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu chở hàng tiếp tế cho lực lượng Philippines ở bãi Cỏ Mây.
Vừa qua Trung Quốc đã ban hành quy định có hiệu lực từ ngày 15-6, cho phép hải cảnh Trung Quốc bắt giữ những người nước ngoài "bị nghi ngờ vi phạm quản lý xuất nhập cảnh".
Đồng thời, "các tàu nước ngoài xâm nhập trái phép vào lãnh hải của Trung Quốc và các vùng biển lân cận có thể bị giam giữ theo luật". Thời hạn giam giữ lên tới 60 ngày được áp dụng với "những trường hợp phức tạp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận