03/03/2016 08:18 GMT+7

Philippines tố nhiều tàu Trung Quốc ở bãi Hải Sâm, Trường Sa

MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)
MỸ LOAN ([email protected])

TT - Trung Quốc tiếp tục thể hiện ý muốn độc chiếm Biển Đông bất chấp những phản đối, cảnh báo của các nước trong khu vực lẫn những kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế của thế giới.

Bản đồ khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ảnh nhỏ: Bãi Hải SâmĐồ họa: N.Khanh - Ảnh: Reuters, NASA
Bản đồ khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ảnh nhỏ: Bãi Hải SâmĐồ họa: N.Khanh - Ảnh: Reuters, NASA

Bắc Kinh đưa 5 tàu xâm nhập trái phép bãi Hải Sâm (tên tiếng Anh là Jackson Atoll) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nhưng lâu nay Philippines chiếm giữ), nhằm ngăn chặn ngư dân các nước xung quanh vào đánh cá ở ngư trường này.

Bãi Hải Sâm có đường kính khoảng 11km, với 5 rạn san hô xếp vòng tròn.

Cắm dùi cả tháng qua

Báo Philippine Star dẫn lời một quan chức ngành ngư nghiệp Philippines cho biết Trung Quốc bắt đầu triển khai các tàu trên đến bãi Hải Sâm sau khi thấy một tàu cá của Philippines bị mắc cạn trong khu vực.

Bãi Hải Sâm là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bãi này nằm về phía bắc của đá Vành Khăn và cách đảo Vĩnh Viễn 12 hải lý (khoảng 22km) về phía nam.

Thị trưởng thành phố Kalayaan, tỉnh Palawan của Philippines Eugenio Bito-onon Jr nói các tàu của Trung Quốc đã xuất hiện ở đây khoảng một tháng qua. “Họ có nhiều tàu ở đó” - ông Bito-onon Jr nhấn mạnh.

Hãng tin Reuters còn dẫn lời một ngư dân Philippines kể lại các tàu nhỏ của Trung Quốc đã rượt đuổi ngư dân nước khác đang đánh bắt trong khu vực.

“Đó là những chiếc tàu màu xám và trắng của Trung Quốc, có khoảng bốn chiếc nằm ỳ trong phá nước nhằm ngăn chặn chúng tôi đánh bắt cá ở khu vực này” - ngư dân trên cho biết.

Quân đội Philippines khẳng định họ đã nhận thông tin về sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, người phát ngôn Restituto Padilla cho biết quân đội nước này vẫn đang xác minh những thông tin trên.

“Chúng tôi biết có các tàu Trung Quốc di chuyển quanh khu vực quần đảo Trường Sa. Cũng đang có nhiều tàu của nước này ở khu vực bãi Cỏ Mây” - ông Restituto Padilla cho biết.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 1-3 (theo giờ Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc về hành vi “gây hấn” trên Biển Đông, bao gồm cả việc điều dàn phóng tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Trung Quốc không được theo đuổi quân sự hóa trên Biển Đông. Những hành động cụ thể sẽ dẫn đến những hậu quả cụ thể” - ông cảnh báo trong một bài diễn văn tại CLB Thịnh Vượng ở San Francisco.

Điểm nóng Hoàng Sa

Giới chuyên gia an ninh nhận định quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có khả năng trở thành một chiến trường mới “khắc nghiệt” trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Biển Đông giữa Trung Quốc đối với Mỹ.

Giới chuyên gia nước ngoài và của Trung Quốc đều cho rằng Bắc Kinh sẽ “không thỏa hiệp” về quần đảo Hoàng Sa mà nước này đang chiếm đóng trái phép.

Ông Trương Bảo Huy, chuyên gia về an ninh Trung Quốc ở Trường đại học Lĩnh Nam của Hong Kong, nhận định Bắc Kinh có thể sẽ hành động nhanh và cứng rắn đối với bất kỳ động thái nào mà nước này cho là “khiêu khích” ở quần đảo Hoàng Sa.

Bằng chứng là từ khi Mỹ đưa tàu khu trục USS Curtis Wilbur tiến gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc ngay lập tức thị uy bằng cách triển khai hệ thống tên lửa HQ-9 rồi tái triển khai máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm.

Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục dùng chiêu không chịu thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là khu vực đang tranh chấp.

Chuyên gia Học Lực thuộc Viện Xã hội học Trung Quốc mới đây còn cho rằng Bắc Kinh đang muốn áp dụng chiến lược áp dụng ở quần đảo Hoàng Sa sang cho quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đang xây dựng bồi đắp trái phép ít nhất bảy thực thể nhân tạo.

* Nhà nghiên cứu Lê Nghiêm:

Việt Nam phải đấu tranh mạnh mẽ hơn

Rõ ràng những bước đi gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông thuộc một lộ trình bài bản đã vạch ra từ trước nhằm kiểm soát thực tế vùng trời và vùng biển trong đường lưỡi bò phi lý nuốt trọn 90% diện tích Biển Đông.

Thứ nhất, Trung Quốc tiến hành xây và cải tạo đảo. Thứ hai, họ xây các công trình dân sự và quân sự trên các đảo này. Thứ ba, họ triển khai những thiết bị quân sự, do thám rađa, máy bay quân sự, tên lửa, pháo súng các kiểu.

Họ đang nỗ lực nâng cao khả năng “chống tiếp cận và chống xâm nhập khu vực” (A2/AD). Việc đưa chiến đấu cơ, tên lửa, hệ thống rađa cho thấy Trung Quốc đang muốn gây cản trở các hoạt động tự do hàng không trong khu vực.

Việc Trung Quốc mới đây đưa các tàu hải cảnh vào bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để xua đuổi tàu cá của các nước vào ngư trường này rõ ràng thuộc lộ trình trên.

Các hoạt động trên cho thấy Trung Quốc đang ráo riết đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, uy hiếp đến an ninh, an toàn, quyền chủ quyền của Việt Nam, đồng thời đe dọa hòa bình, ổn định của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Mục đích cuối cùng mà Trung Quốc đã tuyên bố rõ ngay từ đầu là nước này sẽ quyết tâm kiểm soát thực tế Hoàng Sa, Trường Sa cũng như toàn bộ vùng biển trong đường lưỡi bò. Trong thời gian sắp tới, chắc chắn Bắc Kinh sẽ còn có nhiều hoạt động gây hấn khác.

Đương nhiên các hoạt động này sẽ vấp phải phản đối và ngăn chặn của các nước liên quan, trong đó có các nước lớn. Do đó, nếu Việt Nam và các nước liên quan đấu tranh hiệu quả, chắc chắn sẽ giúp ngăn cản hành động hung hăng của Trung Quốc.

Theo tôi, Việt Nam phải tăng cường các biện pháp đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có biện pháp pháp lý, để ngăn chặn các hành động ngày càng leo thang, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

QUỲNH TRUNG ghi

* Đầu tháng 1 năm nay, Trung Quốc hai lần thử nghiệm máy bay trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.

* Ngày 16-2, những hình ảnh vệ tinh của Công ty ImageSat International cho thấy hệ thống rađa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

* Ngày 23-2, hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết các cơ quan tình báo của Washington phát hiện gần 10 máy bay chiến đấu Shenyang J-11 và Xian JH-7 trên đảo Phú Lâm.

* Các bức ảnh vệ tinh chụp từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2-2016 cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các tháp rađa trên bốn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.

Q.TRUNG

MỸ LOAN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp