Bộ Tư lệnh trung tâm hải quân Philippines tiễn các quân nhân và đưa các khí tài tới vùng Visayas - Ảnh: Facebook/Naval Forces Central
Tuy nhiên vẫn chưa rõ các khí tài trên biển và trên không mà Philippines dùng để tuần tra biển là gì.
Buổi lễ được tổ chức tại căn cứ hải quân Rafael Ramos ở thành phố Lapu-Lapu của Philippines ngày 13-6. Hình ảnh được ghi lại cho thấy các quân nhân hừng hực khí thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đứng cạnh các tàu hải quân. Ngoài ra, còn có các phóng viên báo đài Philippines đến phỏng vấn.
Trên tài khoản Facebook, Bộ Tư lệnh trung tâm hải quân Philippines viết ngày 13-6: "Hãy nhìn kìa: Bộ Tư lệnh trung tâm hải quân đã đưa các khí tài trên mặt biển và trên không của mình tới các khu vực khác nhau ở vùng Visayas (miền trung Philippines)".
Theo Bộ Tư lệnh trung tâm hải quân Philippines, họ sẽ tăng cường các cuộc tuần tra trên biển để đảm bảo sự an toàn của môi trường biển Philippines thông qua việc ngăn chặn "các nhóm gây đe dọa" và "các hoạt động phi pháp".
Việc triển khai diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila căng thẳng những ngày qua sau thông tin tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Philippines tại khu vực bãi Cỏ Rong ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 9-6.
Cảnh quân nhân Philippines lên tàu sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ - Ảnh: Facebook/Naval Forces Central
Thông tin về việc triển khai các khí tài để tăng cường tuần tra trên biển tiếp tục được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana chia sẻ trên tài khoản Facebook của ông vào sáng nay (14-6).
Trên trang Facebook của vị bộ trưởng này, người ta vẫn còn thấy rõ một bảng tuyên bố màu xanh dương đăng hôm 12-6 lên án hành động của tàu Trung Quốc, khi đâm chìm tàu cá Philippines và bỏ mặc mạng sống của 22 thuyền viên Philippines. Tuyên bố này cũng gửi lời cảm ơn tới tàu cá Việt Nam gần đó vì đã cứu mạng các thuyền viên Philippines.
Hồi đầu tháng 5, Tòa án tối cao Philippines cũng thông báo đã yêu cầu người đứng đầu các bộ chủ chốt, lực lượng tuần duyên, hải quân và cảnh sát nước này thực thi những công ước quốc tế cùng luật nội địa nhằm bảo vệ các bãi đá, sinh vật biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận