"Chúng tôi sẽ duy trì sự hiện diện trên vùng biển này", Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Jay Tarriela của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) phát biểu ngày 16-9 sau khi rút tàu ở bãi Sa Bin trên Biển Đông.
"Bất kể tàu lớn hay nhỏ, bất kể có bao nhiêu tàu, mục tiêu chính và cam kết của chỉ huy (PCG)... là đảm bảo rằng bất cứ lúc nào cũng sẽ có sự hiện diện của lực lượng bảo vệ bờ biển tại bãi cạn", ông Tarriela nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 15-9, chính quyền Philippines xác nhận đã rút tàu tuần duyên BRP Teresa Magbanua của PCG khỏi bãi Sa Bin sau 5 tháng triển khai để giám sát những gì mà Manila nghi ngờ là hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại đây. Con tàu trở về cảng ở tỉnh Palawan trong ngày 15-9.
Bãi Sa Bin nằm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Tarriela khẳng định việc rút tàu BRP Teresa Magbanua về không phải vì Trung Quốc đã yêu cầu Manila rút, mà là để sửa chữa tàu và vì nhu cầu y tế của thủy thủ đoàn. Theo đó, máy khử muối nước của tàu đã bị hỏng, buộc thủy thủ đoàn phải dựa vào nước mưa để uống "trong hơn một tháng nay". Ông cho biết thủy thủ đoàn cũng phải "ăn cháo trong ba tuần" và điều này "rõ ràng là không bổ dưỡng".
"Chúng tôi không đánh mất gì cả. Chúng tôi không từ bỏ bất cứ thứ gì. Bãi cạn Escoda vẫn là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi", ông Tarriela nói, nhắc đến tên mà Philippines gọi bãi Sa Bin.
Việc rút tàu diễn ra sau các cuộc đàm phán cấp cao giữa Manila và Bắc Kinh tại Trung Quốc vào tuần trước. Trong đó Philippines tái khẳng định lập trường của mình về bãi Sa Bin, còn Trung Quốc nhắc lại yêu cầu rút tàu.
Hồi tháng trước, Manila và Bắc Kinh đã cáo buộc bên còn lại cố ý đâm tàu vào bên kia ở bãi Sa Bin, ngay sau khi hai bên đạt được thỏa thuận về các nhiệm vụ tiếp tế cho một tàu hải quân Philippines mắc cạn ở bãi Cỏ Mây.
Các vụ va chạm khiến một số thiết bị và mạn tàu BRP Teresa Magbanua bị hư hỏng, theo Philippines.
BRP Teresa Magbanua là một trong những tàu lớn nhất của tuần duyên Philippines do Nhật Bản chế tạo. Tàu có lượng choán nước hơn 2.300 tấn, dài 96,6m. Hiện Philippines đang sở hữu hai chiếc loại này và đặt kế hoạch trong tương lai sẽ có bảy chiếc cùng loại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận