12/08/2016 15:00 GMT+7

Philippines muốn đàm phán chính thức với Trung Quốc

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Đó là tuyên bố của “người phá băng” - cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos  sau cuộc gặp với thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh khi đang ở Hong Kong thăm dò các giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông. 

Ông Ramos trao đổi với các phóng viên ở Hong Kong ngày 9-8 - Ảnh: Reuters
Ông Ramos trao đổi với các phóng viên ở Hong Kong ngày 9-8 - Ảnh: Reuters

Reuters ngày 12-8 dẫn tuyên bố chung có chữ ký của ông Ramos và bà Phó cho biết “cuộc nói chuyện không chính thức giữa chúng tôi tập trung vào việc cần thiết phải trao đổi nhiều hơn nữa để xây dựng niềm tin và sự tin tưởng nhằm giảm thiểu căng thẳng và mở đường cho hợp tác”.

Tuyên bố cũng nói thêm rằng Trung Quốc rất hoan nghênh ông Ramos đến thăm Bắc Kinh với tư cách đặc sứ của đương kim tổng thống Rodrigo Duterte. Ngoài ra, Bắc Kinh và Manila sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác đánh cá, bảo tồn hàng hải, du lịch nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể để đàm phán.

“Đó cũng không phải là một đột phá thực sự bởi ở Hong Kong chẳng có băng để mà phá nhưng cá chúng tôi ăn được nấu rất ngon” - ông Ramos nói đùa đầy ẩn ý.

Tuyên bố của họ không nhắc đến phán quyết của tòa trọng tài The Hague hồi tháng trước. Cựu tổng thống Ramos cho biết cả hai không nói về vấn đề chủ quyền mà chỉ trao đổi về quyền đánh cá bình đẳng.

Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp

Trước đó một ngày, Philippines đã cùng với Nhật Bản lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp trên Biển Đông.

“Chúng tôi đã thống nhất rằng trong việc theo đuổi giải pháp cho xung đội trên vùng hàng hải này thì điều quan trọng là chúng ta phải căn cứ vào luật pháp và dụng đến các phương pháp hòa bình chứ không phải vũ lực hay bắt nạt - Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida nói sau cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Perfecto Yasay tại thành phố Davos – Chúng tôi hối thúc Trung Quốc đảm bảo rằng an ninh hàng hải và luật lệ phải được tôn trọng tuyệt đối”.

Theo AFP, hai ngoại trưởng đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy an ninh hàng hải. “Chúng tôi có chung trải nghiệm trên Biển Đông và Hoa Đông về khía cạnh các hành động sử dụng vũ lực, dọa dẫm, khiêu khích để khẳng định tuyên bố giành lãnh thổ của mình” - ông Yasay nhấn mạnh.

Ông Kishida cho biết dù Tokyo không phải là bên tranh chấp trên Biển Đông nhưng sẽ hợp tác với các nước có liên quan để tìm một giải pháp hòa bình cho khu vực và cam kết sẽ giúp Philippines nâng cao năng lực hàng hải. Những chiếc tàu tuần tra mà Nhật đã hứa với cựu tổng thống vừa mãn nhiệm Benigno Aquino sẽ đến Manila vào tháng này.

Nga cảnh báo nguy cơ

Trong khi đó hãng thông tấn Tass của Nga vừa dẫn lời nhà nghiên cứu phương đông Aleksey Maslov của Nga nhận định về căn nguyên của tranh chấp, cho biết thêm rằng Bắc Kinh cũng muốn thâu tóm các quần đảo trên Biển Đông để kiểm soát tuyến vận chuyển dầu từ Vịnh Ba Tư đến nước này.

Theo ông Maslow, dù Washington ngoài mặt bày tỏ lo ngại với việc các nước bắt chước Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông nhưng trong lòng lại muốn thấy Bắc Kinh bị bao vây bởi các rắc rối. Chính tổng thống Mỹ Barack Obama đã cho phép bán các vũ khí mới nhất cho các nước trong khu vực.

Phó giám đốc Aleksandr Khramchikhin của Viện nghiên cứu quân sự và chính trị của Matxcơva khẳng định tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông không yếu hơn Trung Quốc.

“Không một quốc gia nào ở Đông Nam Á sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc hay Mỹ cũng không đối đầu quá đà với Bắc Kinh. Nhưng sẽ ra sao nếu một bên trong xung đột có hành động bất cẩn và vô ý phóng tên lửa? Nó có thể khơi mào chiến tranh” - ông Khramchikhin lo ngại.

Ông Maslow cũng cho rằng chạm trán và giao tranh nhằm thực hiện quyền tài phán trên các quần đảo sẽ gây ra một cuộc xung đột vũ trang. “Nếu điều đó xảy ra, Mỹ có thể đưa Hạm đội Thái Bình Dương đến khu vực. Xung đột sẽ bị quốc tế hóa và trong trường hợp đó Trung Quốc sẽ đối mặt với một lựa chọn khó nhằn hơn” - ông Maslow nhận định.

Hãng tin Jiji của Nhật Bản cho biết thêm Tokyo đã đang có kế hoạch tăng cường các đặc phái quốc phòng ở Philippines và Việt Nam từ tài khóa 2017 để tăng cường hợp tác quân sự với hai quốc gia đông nam Á này.

Hãng này dẫn các nguồn tin cho biết kế hoạch nhắm đến việc tăng cường hợp tác quốc phòng thông qua việc chia sẻ thông tin cũng như thu thập thông tin về các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại khu vực. Ngoài ra, nó cũng có thể được coi như một lời cảnh báo của Nhật đối với Trung Quốc vốn đang tăng cường các hoạt động khiêu khích xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp