Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) trụ sở tại New York mới đây đã xếp Philippines là quốc gia "nguy hiểm nhất" đối với ngành truyền thông với 18 trường hợp sát hại nhà báo từ tháng 1-2000 đến nay. Xếp kế tiếp trong danh sách này là Iraq, Colombia, Nga và Bangladesh.
Tuần rồi, Philip Agustin, biên tập viên của tờ báo địa phương vùng Luzon phía đông bắc Philippines đã bị bắn chết ngay tại nhà. Đây là nhà báo thứ năm bị sát hại từ đầu năm đến nay ở Philippines. Ngoài ra còn có ít nhất bốn nhà báo khác bị ám hại nhưng may mắn thoát chết.
Nữ Tổng thống Arroyo khẳng định với giới báo chí trong buổi giới thiệu Quỹ Tự do báo chí: "Những vụ tấn công các nhà báo Philippines đang gây âu lo và chúng phải được chấm dứt ngay". Nhà lãnh đạo Philippines khẳng định nguồn quỹ có thể được dùng để mua thông tin dẫn đến việc bắt giữ hung thủ sát hại các nhà báo, dùng bảo vệ nhân chứng và hỗ trợ tài chính cho con cái nhà báo bị sát hại.
Tuy vậy, Inday Espina-Varona, chủ tịch của Liên minh quốc gia các nhà báo Philippines cho biết: "Quỹ trên chỉ là một bước đi hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng tự do báo chí hiện nay. Nó không phải là giải pháp". Liên minh này cho biết đã có 70 nhà báo Philippines bị sát hại kể từ năm 1986 sau khi nhà độc tài Ferdinand Marcos bị lật đổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận