08/05/2012 07:29 GMT+7

Philippines hiện đại hóa quân đội

VIỆT PHƯƠNG (Theo The Philippine Star, Asia Times Online)
VIỆT PHƯƠNG (Theo The Philippine Star, Asia Times Online)

TT - Để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở biển Đông, Philippines cần một bước nhảy vọt trong hiện đại hóa quân đội từ sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.

ls02QTiG.jpgPhóng to

Quân đội Philippines có nhu cầu hiện đại hóa cao nhưng khó khăn về ngân sách - Ảnh: AFP

Theo Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS), Philippines cần tới bốn phi đội hay 48 chiến đấu cơ F-16 đã nâng cấp của Mỹ, các tàu khu trục và tàu hộ tống nhỏ được trang bị tốt hơn, tàu rà quét thủy lôi và 4-6 tàu ngầm nhỏ để có thể xây dựng một lực lượng quốc phòng đáng tin cậy trước sự trỗi dậy của Trung Quốc ở biển Đông. Riêng về tàu ngầm, Philippines có thể mua từ Nga.

Nội dung trên là từ bài viết ngày 3-5 của CNAS mang tựa đề “Bảo vệ Philippines: Hiện đại hóa quân đội và những thách thức trước mắt”. CNAS ước tính chương trình hiện đại hóa quân đội của Philippines ngay trong nhiệm kỳ của Tổng thống Benigno Aquino có thể tiêu tốn tới 1 tỉ USD, một con số chẳng là bao so với ngân sách quốc phòng hơn 100 tỉ USD của Trung Quốc.

Theo CNAS, kể từ khi nhậm chức năm 2010, ông Aquino đã chi hơn 395 triệu USD cho việc hiện đại hóa quân đội, nhiều hơn so với con số 51 triệu USD mỗi năm trong 15 năm trước đó.

Năm ngoái, Mỹ đã trao cho Philippines một tàu khu trục lớp Hamilton, tàu thứ hai cũng sắp đến tay hải quân nước này, tàu thứ ba đang được xem xét. Hải quân Philippines muốn vào năm 2020 sở hữu tàu ngầm, một chương trình tham vọng và đắt đỏ nhất từ trước đến nay của nước này.

Manila cũng đang xem xét hồ sơ thầu mua các máy bay huấn luyện LIFT. Các công ty của Ý, Brazil, Hàn Quốc và Nga đang tham gia đấu thầu. Ngoài ra, hải quân Philippines đang tính đến khả năng trang bị tên lửa đối hạm giống như phiên bản Boeing AGM-84 Harpoon có tầm bắn 120km và có thể được các tàu khu trục nhỏ và chiến đấu cơ F-16 sử dụng.

Tuy nhiên, số lượng khí tài trên vượt xa kế hoạch và khả năng tài chính của Philippines. Đó là chưa kể đến rất nhiều chi phí khác liên quan, như phí duy trì, xây dựng cơ sở vật chất hỗ trợ như căn cứ không quân, hệ thống rađa, xưởng đóng tàu, xưởng sửa chữa, đào tạo phi công, nhân viên mặt đất, thủy thủ đoàn, chi phí cho các chiến dịch... Trong số này, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho không quân phải được sẵn sàng trước khi có các máy bay mới, dự tính vào năm 2016. Trong trường hợp đụng độ nổ ra, các chiến dịch quân sự sẽ còn tiêu tốn ngân sách nhiều hơn nữa.

Theo Asia Times Online, trong bối cảnh Philippines đang chạm trán với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough, có thể chi phí cho quốc phòng sẽ được ưu tiên. Để đáp ứng các chi tiêu cho việc hiện đại hóa quân đội của mình, theo CNAS, Philippines cần phải nhờ đến sự trợ giúp của Mỹ, thậm chí cần vận động cả các nước khác như Nhật, Hàn Quốc.

Mỹ đã đồng ý tăng gấp ba viện trợ quân sự nước ngoài cho Philippines từ 11,9 triệu USD năm 2011 lên 30 triệu USD trong năm nay. Năm 2003, con số này là 50 triệu USD khi Mỹ gửi quân đến giúp Philippines chống lại các tay súng có liên hệ với al-Qaeda.

Trong cuộc gặp 2+2 giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Mỹ - Philippines đầu tuần trước, Washington đã đồng ý chia sẻ dữ liệu quan sát về các hoạt động trên biển Đông với Manila.

VIỆT PHƯƠNG (Theo The Philippine Star, Asia Times Online)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp