Công nhân thu dọn rác trên đảo Boracay. Ô nhiễm là vấn đề nghiêm trọng của thiên đường nghỉ dưỡng này - Ảnh: AFP
Đối với những người làm ăn, kinh doanh trên hòn đảo nghỉ dưỡng Boracay nổi tiếng của Philippines, cuộc sống của họ đã bị xáo trộn từ khi công ty Trung Quốc Galaxy Entertainment Group có trụ sở tại Macau xuất hiện.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, tháng 12-2017, một nhóm đại diện của Galaxy Entertainment Group dẫn đầu bởi nhà sáng lập Lui Che Woo đã đến Philippines tiếp xúc với Tổng thống Rodrigo Duterte và đưa ra lời đề nghị về một dự án resort - sòng bài quy mô khủng trị giá 500 triệu USD...
Có thật quan ngại môi trường?
Không rõ hai bên đã bàn bạc ra sao, nhưng hai tháng sau, nhà lãnh đạo nổi tiếng cứng rắn của Philippines vi hành đến Boracay, chê hòn đảo "dơ như cái hầm phân" và cần phải được dọn dẹp.
Nói là làm, ngày 4-4 vừa qua, ông Duterte ra lệnh đóng cửa hòn đảo để tổng vệ sinh trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 26-4.
Chuyện không có gì đáng nói nếu dư luận không nghi ngờ chính quyền Manila đang hy sinh lợi ích cộng đồng địa phương để duy trì đầu tư và khách du lịch Trung Quốc.
"Nếu quan ngại về môi trường là lý do đóng cửa Boracay, ai lại đi xây thêm một sòng bài khổng lồ? Chúng tôi tin sòng bài chỉ làm môi trường thêm xuống cấp, và cả bản sắc của hòn đảo. Chúng tôi không cần sòng bài để thu hút khách du lịch đến Boracay" - chủ một nhà hàng trên đảo Boracay nêu quan điểm.
Liên đoàn quốc gia Các tổ chức ngư dân nhỏ của Philippines (Pamalakaya) thậm chí cáo buộc chính quyền Manila tạo điều kiện cho công ty nước ngoài "trục lợi trên sự tổn thất của doanh nghiệp địa phương và quyền di sản".
"Đóng cửa các resort nhỏ ở Boracay để nhường chỗ cho sòng bạc nước ngoài là phản Philippines, trò rối ghê tởm và sự bán đứng hoàn toàn di sản quốc gia và các địa điểm du lịch xinh đẹp" - ông Fernando Hicap, chủ tịch Pamalakaya, lên án.
Galaxy Entertainment sẽ bắt đầu xây công trình resort - casino trên khu đất rộng 23 ha ở Boracay vào đầu năm 2019, dự kiến hoàn thành trong 3 năm.
Giữa nhiều điều tiếng khác nhau, tin đồn nói công ty Trung Quốc xin được giấy phép kinh doanh cờ bạc từ chính phủ Philippines hồi tháng 3, sau khi ông Duterte đã ban hành lệnh cấm xây casino mới.
Tuy nhiên Manila phủ nhận tin này, nói rằng Galaxy đã nộp đơn xin trước khi có lệnh cấm...
Du khách lặn biển ở Boracay - Ảnh: AFP
1001 chuyện về khách Trung Quốc
Trung bình mỗi khách Trung Quốc chi khoảng 770 USD cho chuyến nghỉ mát 3 ngày ở Boracay. Hiệp hội Hướng dẫn viên Boracay đánh giá việc chính quyền đóng cửa hòn đảo này có tác động "không thể hình dung nổi" đối với ngành du lịch.
"Các cơ sở làm ăn trên đảo sẽ không thể tiếp tục trả lương nhân viên. Họ sẽ phải rời đảo. Điều này đồng nghĩa tái khởi động Boracay sẽ vô cùng khó khăn vì nguồn nhân lực được đào tạo của chúng tôi đã đi hết.
Có vẻ như chính quyền muốn tống khứ mọi người đi khỏi Boracay để không ai thấy những gì đang diễn ra ở đây" - báo SCMP dẫn lời một chủ doanh nghiệp Philippines.
Theo giới làm ăn, dù lượng khách Trung Quốc đến Boracay tăng mạnh thời gian gần đây, đa số họ đi theo các gói tour cố định và được chở thẳng đến các khách sạn, nhà hàng sở hữu bởi người Trung Quốc.
"Dù khách Trung Quốc đến nhà hàng chúng tôi có tăng, số đó không tương xứng với tổng lượng khách đến từ Trung Quốc" - chủ doanh nghiệp Philippines nhận xét.
"Có nhiều trường hợp khách Trung Quốc hành xử vô cùng xấu xí, như hút thuốc trong nhà hàng, quăng rác bừa bãi. Tôi tận mắt chứng kiến một cặp đôi Trung Quốc lớn tuổi để đứa cháu của họ tè ra ngay giữa một khu vực mua sắm đông đúc. Tôi ước họ không như vậy" - bà bổ sung
Cũng giống nhiều nước khác trong khu vực, khách Trung Quốc là một nguồn quan trọng của ngành công nghiệp du lịch Philippines. Năm ngoái nước này đón tổng cộng 968.447 lượt khách Trung Quốc, tăng 43% so với năm 2016.
Riêng đảo Boracay thu hút 375.284 khách Trung Quốc, tăng gần 30 lần so với cách đây 10 năm, vượt qua mặt khách Hàn Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận