Phóng to |
Một ngư dân Philippines đưa ra đoạn video quay qua điện thoại cảnh tàu Trung Quốc hoạt động ở khu vực bãi cạn Scarborough - Ảnh: AFP |
Báo Daily Inquirer đưa tin khoảng vài ngàn người sẽ biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để phản đối việc Bắc Kinh tiếp tục đưa tàu đến bãi cạn Scarborough và ngăn cản ngư dân Philippines. Liên minh các nhóm yêu nước Philippines cũng sẽ đồng loạt tổ chức biểu tình trước cửa các đại sứ quán Trung Quốc tại nhiều nước trên thế giới.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã kêu gọi công dân Trung Quốc sống ở Philippines không đi ra đường hoặc tránh ra đường một mình, khi gặp đoàn biểu tình thì lập tức lảng xa. Nhân Dân nhật báo đưa tin hàng loạt hãng du lịch Trung Quốc đã ngừng đưa khách sang Philippines do lo ngại nguy cơ đụng độ.
AFP dẫn lời ông Jackson Gan, doanh nhân Philippines gốc Hoa và là nhà đồng tổ chức cuộc biểu tình ở Manila, nhấn mạnh chính quyền Bắc Kinh không cần đưa ra cảnh báo như vậy. Người biểu tình Philippines phản đối Chính phủ Trung Quốc chứ không phản đối người dân Trung Quốc và họ không có ý định gây bạo lực.
Bắc Kinh tiếp tục dọa dẫm
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc tiếp tục dùng những lời lẽ dao to búa lớn như “chiến tranh”, “vũ lực” để đe nẹt Philippines.
Xã luận của Trung Quốc nhật báo viết: “Dù chúng ta (Trung Quốc) sẵn sàng đàm phán, song Chính phủ Philippines vẫn cứ tiếp tục đẩy chúng ta vào góc tường, nơi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng vũ lực”. Tờ báo chỉ trích Manila “đang sống trong một thế giới tưởng tượng nếu lầm tưởng sự kiên nhẫn của Trung Quốc là sự nhút nhát”.
Báo Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc cảnh báo bất cứ ý đồ nào nhằm “xâm chiếm” đảo Hoàng Nham (tên Trung Quốc đặt cho bãi cạn Scarborough) đều “không thể chấp nhận được”. Manila đang mắc sai lầm và Bắc Kinh “sẽ không dung thứ cho hành vi không hợp lý” này. Một số sĩ quan quân đội cũng đăng đàn trên vài tờ báo khác và kêu gọi hải quân Trung Quốc “tấn công Philippines bằng cả hai nắm đấm”!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định phản ứng của truyền thông Trung Quốc tuy “đáng lo ngại” nhưng chưa hẳn đã phản ánh quan điểm của chính quyền Trung Quốc. Bởi theo hiệp ước phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ, Washington có quyền hỗ trợ Manila trong trường hợp Philippines đối mặt với một cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài trên Thái Bình Dương, đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị, an ninh của nước này. “Trung Quốc sẽ tránh không vượt qua lằn ranh này” - giáo sư Thayer nhận định.
Dù truyền thông Trung Quốc cố biến Philippines thành “kẻ gây hấn”, nhưng giới chuyên gia quốc tế đều có quan điểm ngược lại. Giáo sư Thayer nhấn mạnh: “Chính quyền Trung Quốc cần nghiêm túc xem xét lại chính sách của mình ở biển Đông nếu không muốn đối mặt với sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài”. Trang Global Post dẫn lời chuyên gia Andrew Billo thuộc Hiệp hội Châu Á khẳng định chính Trung Quốc đã gây ra tình trạng leo thang căng thẳng hiện nay. “Những cái gọi là bằng chứng lịch sử mà Trung Quốc đưa ra để đòi chủ quyền biển Đông là quá yếu ớt, không thể trở thành căn cứ để Bắc Kinh đơn phương gây hấn” - chuyên gia Billo nói.
Mỹ muốn tham gia UNCLOS
Tuy nhiên, do đối đầu Philippines - Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng, giới truyền thông quốc tế bắt đầu đặt câu hỏi: liệu Mỹ có can thiệp nếu chiến tranh giữa Philippines và Trung Quốc nổ ra? Đến nay, chính quyền Washington vẫn nhấn mạnh duy trì quan điểm trung lập. Nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhắc nhở Trung Quốc cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển.
Báo Washington Post mới đây đưa tin Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panneta đã kêu gọi Thượng viện Mỹ cần phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS). Đến nay, một số nghị sĩ Cộng hòa vẫn phản đối việc Mỹ gia nhập UNCLOS vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến quyền kiểm soát của Mỹ đối với dầu khí ở thềm lục địa. Tuy nhiên, ông Panetta nhấn mạnh UNCLOS sẽ giúp tàu chiến Mỹ tiếp tục hoạt động tự do trên Thái Bình Dương. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ Martin Dempsey nhấn mạnh UNCLOS sẽ giúp Mỹ khẳng định vị thế chiến lược ở châu Á.
“Khi phản đối UNCLOS, Mỹ đã tự hủy hoại vị thế của mình ở châu Á - Thái Bình Dương trong thời điểm chúng ta đang thúc đẩy một trật tự dựa trên luật pháp trong khu vực và các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh hải ở biển Đông” - Bộ trưởng Panetta cảnh báo và khẳng định UNCLOS sẽ giúp Mỹ đảm bảo các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng luôn mở cửa.
“Việc Thượng viện Mỹ phê chuẩn UNCLOS sẽ giúp Chính phủ Mỹ chống lại các hành vi hiếu chiến của Trung Quốc nhằm thiết lập chủ quyền tại các đảo gần Philippines và các nước láng giềng châu Á” - xã luận báo Christian Science Monitor khẳng định. Báo này nhấn mạnh UNCLOS là công cụ hòa bình hữu hiệu để giúp Mỹ ngăn chặn Trung Quốc gây chiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận