Chứng khoán tăng mạnh - Ảnh: BÔNG MAI
Đối lập với phiên giảm điểm trước đó, sang phiên đầu tiên của năm dương lịch 2023, thị trường chứng khoán đã lập tức đón nhận sắc xanh tăng trưởng, càng về cuối phiên mức tăng càng mạnh dần.
Các cổ phiếu nhóm ngân hàng trở thành điểm hút tiền nhà đầu tư. Các mã có công lớn kéo thị trường đi lên phải kể đến BID (BIDV), VCB (Vietcombank), TCB (Techcombank)...
Song song đó, nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn khác cũng tăng tốt như VIC (Vingroup), HPG (Hòa Phát), GAS (PetroVietnam Gas), VHM (Vinhomes), MSN (Masan), VRE (Vincom Retail), SAB (Sabeco)...
Ở chiều đối lập, một số cổ phiếu vẫn bị nhà đầu tư bán ra, giảm điểm, như EIB (Eximbank), CRE (Bất động sản Thế Kỷ), PNJ (Vàng bạc đá quý Phú Nhuận), OPC (Dược phẩm OPC), ASG (Vận tải ASG), EVF (EVN Finance)...
Trong phiên hôm nay, trừ hai ngành ô tô - linh kiện phụ tùng và ngành phương tiện truyền thông, chỉ số của tất cả các ngành còn lại đều tăng. Những ngành có mức tăng từ 3-6% gồm: ngân hàng, bất động sản, hóa chất, công nghệ, dầu khí, dịch vụ tài chính, viễn thông và tài nguyên.
Chốt phiên, chỉ số chứng khoán VN-Index chính thức tăng 36,81 điểm (+3,66%), lên mốc 1.043,9 điểm. Với kết quả này, dữ liệu từ Stockq cho biết chứng khoán Việt Nam là thị trường tăng thứ nhì thế giới, chỉ sau Venezuela (+8,74%).
Rổ VN30 - top 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn hàng đầu sàn chứng khoán TP.HCM - có mức hồi phục còn mạnh hơn, tăng 42,06 điểm (+4,18%) lên 1.047,25 điểm. Tất cả thành viên trong rổ này đều tăng điểm, trong đó có bốn mã VRE, HPG, SSI (Chứng khoán SSI), PDR (Bất động sản Phát Đạt) tăng trần.
Trong khi đó, cả sàn HNX và rổ HNX30 cũng ghi nhận tăng lần lượt 21,82 điểm (+6,59%) lên 352,91 điểm và 7,25 điểm (+3,53%) lên 212,56 điểm. Sàn UpCOM tăng 0,75 điểm (+1,05%) lên 72,4 điểm.
Trong ngày có tổng cộng 685 mã chứng khoán tăng (bao gồm 135 mã tăng trần), nhiều gấp 3,3 lần số mã rớt giá.
Nhóm nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ vững lập trường mua ròng, riêng trong phiên hôm nay mua ròng hơn 240 tỉ đồng. Cả năm ngoái khối ngoại cũng mua ròng hơn 29.800 tỉ đồng, trái ngược cảnh bán ròng của nhà đầu tư trong nước.
Tổng giá trị mua bán cổ phiếu trên ba sàn chính đạt hơn 10.530 tỉ đồng, dù tăng 24% so với phiên liền trước, song vẫn nằm ở mức thấp. Việc thanh khoản suy yếu được giải thích bởi tính mùa vụ, Tết Nguyên đán 2023 đến gần, nhà đầu tư có xu hướng rút tiền ra khỏi chứng khoán để phục vụ các nhu cầu cá nhân khác.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo trong ngắn hạn xu hướng VN-Index khả năng cao sẽ tiếp tục nhịp phục hồi hướng tới kháng cự mạnh gần nhất quanh khu vực 1.025 - 1.030 điểm. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì sự thận trọng, kiên nhẫn chờ đợi phản ứng của thị trường và chủ động hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với danh mục cổ phiếu đã bắt đáy thành công trước đó.
Phía Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nhà đầu tư vẫn nên cân nhắc chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm rủi ro khi nhịp hồi phục diễn ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận