Thủ tục truyền thống tại phiên chợ: thanh niên nam nữ dùng cà chua và táo để ném nhau - Ảnh: QUANG THẾ |
Tại phiên chợ thanh niên nam nữ dùng cà chua và táo để ném nhau. Ông Lê Reo (hội viên Câu lạc bộ Ảnh báo chí - Hội nhà báo VN) là một trong những người có nhiều năm nghiên cứu về phiên chợ Chuộng cho biết chợ có từ nhiều đời nay với nét đẹp truyền thống là nơi mua bán những sản vật của địa phương, đồ chơi dân gian đầu năm lấy may và nơi trai, gái hẹn hò.
Từ sáng sớm 13-2, hàng nghìn người kéo nhau về bãi bồi. Để qua được chợ, người dân Triệu Sơn phải đi qua đò và cầu bằng ván, luồng được làm tạm từ vài ngày trước đó.
Người chọn mua bánh, người mua vật nuôi, cây giống để lấy may... Những người dân sống lâu năm ở đây cho biết chợ Chuộng có từ xa xưa. Người bản địa đặt tên chợ Chuộng có nghĩa là “chợ yêu mến, chợ tình”.
Tương truyền phiên chợ đặc biệt mỗi năm họp một lần là muốn người dân có được mùa màng bội thu và gặp nhiều may mắn trong năm mới. Và cũng từ những phiên chợ này có rất nhiều đôi trai gái nên duyên vợ chồng.
“Tuy là người dân địa phương nhưng năm nào cũng phải đến chợ. Trước đây thanh niên thì đến tìm vợ bây giờ thì đến cầu cho gia đình được khỏe mạnh làm ăn phát đạt, con cháu học giỏi” - ông Đinh Văn Trọng (45 tuổi, ở xã Đông Hoàng, Đông Sơn) tâm sự.
Anh Tuân (26 tuổi, ở xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn) cho biết dù bận làm ăn ở xa nhưng mỗi khi về tết năm nào anh cũng ghé qua chợ để cầu may. “Năm nay ngoài mong muốn cho công việc thuận lợi mình cũng muốn đến cầu gặp được người yêu thương mình thật lòng để cưới vợ” - anh Tuân kể.
Chị Lê Thị Kiên (36 tuổi, người bán đồ chơi truyền thống) chia sẻ: “Từ đời bố tôi đã làm trống bỏi và nhảy vọt. Lúc bé tôi luôn theo bố đi bán hàng sau này lớn lên dù bán hàng dân gian không lãi được bao nhiêu nhưng luôn muốn giữ lấy nghề...”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận