15/01/2021 12:08 GMT+7

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 5: Cuốn sách bằng vàng ròng của triều Nguyễn

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Nghe tiếng từ lâu nhưng khi được nhìn tận mắt những cuốn sách được đúc bằng vàng ròng, chạm khắc công phu, tinh xảo, nhiều người Việt phải thốt lên: 'Mừng đến rụng tim'.

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 5: Cuốn sách bằng vàng ròng của triều Nguyễn - Ảnh 1.

Một trang trong “Thánh chế mạng danh kim sách” có khắc bài Đế hệ thi - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam

"Kim sách thời Nguyễn là loại hình hiện vật độc đáo, chẳng những có giá trị sử liệu rất quan trọng để nghiên cứu vương triều Nguyễn, mà còn là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội khác như sử học, văn học, bảo tàng và mỹ thuật cổ truyền.

TS Nguyễn Đình Chiến (nguyên phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN)

"Cử sang đây một chiếc tàu để mang về..."

Theo điển chế của triều Nguyễn, vật gì mang ý nghĩa thiêng liêng và quý giá thì phải chế tác bằng vàng, ngọc. Kim sách cùng với kim bảo (ấn vàng) là những báu vật biểu thị quyền lực của vương triều, vừa là biểu tượng văn hóa của vương quốc. 

Kim sách dùng để ghi sắc mệnh, chiếu dụ vua ban về các việc chính sự, lễ nghi triều đình, nhân các sự kiện trọng đại, như hoàng đế lên ngôi, lập hoàng thái tử, tấn phong hoàng hậu, vương phi hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, thụy hiệu cho hoàng thân quốc thích...

"Kim sách và nói chung là bảo vật của triều Nguyễn hiện còn rất ít ở Việt Nam, do bị mất mát, thất lạc, hủy hoại và bị cướp bóc trong các cuộc chiến tranh" - TS Trần Đức Anh Sơn, nguyên giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, cho biết. 

Cuộc mất mát nặng nề đầu tiên là sau khi ký hòa ước Nhâm Tuất 1862, vua Tự Đức phải thu gom toàn bộ vàng thoi, bạc nén trong quốc khố để bồi thường chiến phí cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Quốc khố hết vàng bạc, nên đến năm 1869, vua phải ra lệnh thu hồi kim sách, kim ấn đã ban cho các hoàng thân, hoàng tử, công chúa, để nấu thành thỏi, đồng thời cấp lại kim sách, kim ấn làm bằng đồng.

Cuộc mất mát nặng nề nhất gắn liền với sự biến thất thủ kinh đô Huế, ngày 5-7-1885. Quân Pháp chiếm kinh thành, tràn vào hoàng cung và lấy đi hầu hết đồ đạc quý giá đang trưng bày và thờ tự trong các cung điện. Trong vô số vàng, bạc, ngọc, kim cương, nữ trang, đồ thờ, đồ ngự dụng (của vua), có cả ấn vàng, kim sách... 

Tướng De Courcy, người chỉ huy cuộc tấn công kinh thành Huế, đã báo về cho Chính phủ Pháp: "Trị giá các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín phỏng chừng chín triệu franc. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu... Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về...". Vậy là phần lớn những bảo vật bị cướp trong đợt này đã được chuyển về Pháp.

Khi vua Đồng Khánh lên ngôi (tháng 9-1885), người Pháp có trả lại cho triều Nguyễn một số bảo vật, trong đó có kim sách. 

Đến năm 1942, dưới thời vua Bảo Đại, kết quả kiểm kê tài sản cho biết trong điện Cần Chánh còn lưu giữ 26 kim sách đề niên hiệu các vua từ Gia Long đến Khải Định. 

Những thông tin này được ghi trong các sách sử Việt Nam và thế giới. Vậy thì, những cuốn sách vàng quý giá còn sót lại ấy giờ đang ở đâu, để cho người đời nay có thể chiêm ngưỡng?

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 5: Cuốn sách bằng vàng ròng của triều Nguyễn - Ảnh 3.

“Thánh chế mạng danh kim sách” do vua Minh Mạng ban hành vào năm 1823, hiện được bảo quản ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam - Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Cuốn kim sách đặc biệt vẫn còn ở Việt Nam

Tháng 8-1945, vua Bảo Đại thoái vị và đã chuyển giao toàn bộ bảo vật hoàng cung cho chính phủ lâm thời. Số bảo vật này khoảng gần 3.000 món được chuyển ra Hà Nội. Sau hơn nửa thế kỷ nằm im trong kho bảo quản, đến năm 2007 thì số bảo vật này được chuyển về Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. 

Lúc này, nhiều người mới biết trong số hiện vật quý giá đó có 94 kim sách. Và thật tuyệt vời, trong đó có báu vật đặc biệt Thánh chế mạng danh kim sách, do vua Minh Mạng ban hành vào năm 1823, quan trọng nhất trong hệ thống kim sách của triều Nguyễn.

Ngày 31-3-2016, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam mở cửa trưng bày 22 kim sách tiêu biểu trong số 94 kim sách mà bảo tàng đang lưu giữ. 

Nghe tiếng từ lâu nhưng cho đến lúc này nhiều người Việt mới được nhìn tận mắt những cuốn sách được đúc bằng vàng ròng, chạm khắc công phu, tinh xảo. Bình luận về sự kiện này, nhiều người phải thốt lên: "Mừng đến rụng tim".

Nhiều người Huế nóng lòng được xem tận mắt sách vàng của triều Nguyễn, nên gần một tháng sau đó (23-4-2016), kim sách đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Đến cuối năm 2016, nhiều kim sách tiếp tục được đưa vào trưng bày tại Huế. 

Đặc biệt nhất là cuốn Thánh chế mạng danh kim sách do vua Minh Mạng ban hành nhằm tổ chức lại hoàng tộc một cách quy củ, trong đó có khắc 20 chữ để các vua Nguyễn chọn làm ngự danh; bài Đế hệ thi để đặt tên lót cho con cháu dòng của vua, Phiên hệ thi cho con cháu dòng các anh em vua. Thật may mắn, kim sách quan trọng này vẫn còn ở lại Việt Nam, và còn khá nguyên vẹn với trọng lượng 4,2kg vàng mười, chạm khắc tinh xảo.

Sử triều Nguyễn không ghi chép số lượng kim sách đã ban ra là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là rất nhiều. Chỉ riêng vua Minh Mạng đã có 142 hoàng tử và công chúa đều được ban kim sách. Trong khi bộ kim sách ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN có 94 cuốn. Vậy thì số kim sách còn lại đang ở đâu?

Cuộc lưu lạc của sách vàng

TS Trần Đức Anh Sơn cho biết nó đang lưu lạc rất nhiều ở nước ngoài, theo các con đường "xuất ngoại" trong suốt hơn trăm năm qua, mà nhiều nhất là bị thực dân Pháp cướp đoạt. Vì vậy, các bảo tàng và sưu tập tư nhân trên thế giới đang cất giữ rất nhiều báu vật của Việt Nam, trong đó có kim sách.

Trong những lần công tác ở nước ngoài, ông Sơn đã chủ ý tìm kiếm những báu vật này. Và ông đã bắt gặp hai kim sách được đưa lên bán ở sàn đấu giá của Hãng Sotheby’s ở Paris. Đó là kim sách do vua Gia Long cho làm vào năm 1806, để tôn phong bà Đoàn Thị (khuyết danh), chánh phi của chúa Nguyễn Phúc Lan. 

Sách phong này thuộc bộ sưu tập của ông Ralph Marty, ủy thác cho Sotheby’s đấu giá vào ngày 16-12-2010. Tuy nhiên, cuộc đấu giá đó không tìm được người mua. Ông Sơn không rõ kim sách này đã dạt về đâu. Nhưng một kim sách khác cùng đưa ra trong phiên đấu giá hôm đó thì đã về tay người Việt Nam.

Đó là kim sách bằng bạc mạ vàng do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên từ hạng lương tần lên lương phi vào năm 1846. Kim sách này thuộc sưu tập của ông Hồ Đình Xuân ở Pháp, được đưa ra bán đấu giá ở Paris vào ngày 12-12-1996 với giá 9.500 franc. Người mua được kim sách này lại tiếp tục ủy thác cho Hãng Sotheby’s ở Paris đưa ra đấu giá vào ngày 16-12-2010. 

Kết phiên đấu giá, kim sách này được bán với giá 72.750 euro (chưa kể thuế và phí đấu giá). Và người mua được kim sách này là một nhà sưu tầm cổ vật ở Hà Nội, tên là Cao Xuân Trường.

Ông Cao Xuân Trường đã nhìn tận mắt kim sách này vào năm 2004, khi nó đang trong tay một vị tướng già người Pháp từng tham chiến ở Việt Nam. Ông Trường liên tục thương thuyết để mua lại cổ vật này, nhưng bị từ chối. 

Vì vậy, khi nghe Sotheby’s Paris bán đấu giá kim sách này, ông Trường bay sang ngay. Giá khởi điểm 30.000 euro, một người Pháp đặt giá 45.000 euro, một người Trung Quốc ra giá 55.000 euro, một khách ẩn mặt định giá 70.000 euro qua điện thoại. Cuối cùng, ông Trường đã thắng đấu giá với mức 72.750 euro (khoảng hơn 2 tỉ đồng).

Cuốn sách vàng của vương triều

Nội dung kim sách do các vua tự biên soạn, hoặc sai các danh nho, đại thần chấp bút. Sau đó, các bậc đại bút của Hàn Lâm Viện thể hiện thư pháp rồi giao thợ thủ công tay nghề cao khắc chữ để đúc thành sách. Hữu Ty thuộc Bộ Lễ lo tổ chức thực hiện kim sách. Nghệ nhân chế tác kim sách là thợ giỏi nhất trên cả nước được đưa về.

Xưởng chế tác của triều đình nằm trong hoàng cung, thuộc Phủ Nội vụ, nơi lưu giữ kho báu của triều đình. Chất liệu, kích thước, trọng lượng và số tờ kim sách được quy định tùy theo tước hiệu của người được ban sách phong.

******************

Thời thơ ấu, ai cũng có người thầy đầu tiên, quyển sách đầu tiên. Cả hai mở cửa cho tuổi niên thiếu đi vào thế giới tri thức nhân loại và tình cảm cộng đồng.

Kỳ tới: Những trang sách đầu đời 

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 4: Bộ sách để đời Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 4: Bộ sách để đời

TTO - Dịch giả Bửu Ý nói năm 1997 đó mà Nhà xuất bản (NXB) Thuận Hóa dám cho dịch thuật và in lại cả bộ BAVH - Những người bạn cố đô Huế bằng tiếng Việt là 'cả gan' lắm. Các vị giám đốc NXB đến giờ vẫn còn sướng với bộ sách để đời.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp