14/01/2021 13:28 GMT+7

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 4: Bộ sách để đời

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Dịch giả Bửu Ý nói năm 1997 đó mà Nhà xuất bản (NXB) Thuận Hóa dám cho dịch thuật và in lại cả bộ BAVH - Những người bạn cố đô Huế bằng tiếng Việt là 'cả gan' lắm. Các vị giám đốc NXB đến giờ vẫn còn sướng với bộ sách để đời.

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 4: Bộ sách để đời - Ảnh 1.

Bộ BAVH do NXB Thuận Hóa xuất bản trong suốt hơn 25 năm - Ảnh: M.TỰ

Bộ kỳ thư quý hiếm

Một bộ sách mà qua ba đời giám đốc NXB Thuận Hóa mới xuất bản xong, kéo dài hơn 25 năm kể từ khi bắt tay thực hiện (1990) đến khi ra tập cuối cùng (đầu 2016).

Thư phòng nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan ngồn ngộn sách vở và toàn là sách quý đã có tuổi đời trăm năm. Ông Phan đang làm việc với bộ BAVH nguyên bản tiếng Pháp được ấn loát từ nhà in IDEO (Viễn Đông, Hà Nội). 

Tập cuối cùng xuất xưởng từ 76 năm trước, tập đầu tiên thì cũng đã 106 năm, vậy mà giấy vẫn còn mềm mại, màu tranh, nét mực vẫn còn sắc. 

Trong lời lưu ý ở trang cuối tập san số 2-1922, tòa báo đã cho biết các số báo những năm 1914-1919 đã hết sạch.

Vì vậy, nếu lúc này ai có đủ trọn bộ BAVH là coi như thủ đắc một bộ cổ vật quý hiếm. Ông Phan nói không ai và không thư viện nào ở Việt Nam có đủ trọn bộ BAVH nguyên bản tiếng Pháp, bộ của ông vẫn thiếu mấy số của hai năm đầu, phải đi sao chụp lại.

"Nhưng tôi đã chứng kiến tận mắt toàn bộ BAVH nguyên bản trong Thư viện Thiên An vào năm 1961, cùng với nhiều sách báo đăng bài của Cadière và vô số tư liệu chép tay của ông ấy. Phải nói là choáng ngợp!" - ông Phan kể. 

Đó là toàn bộ tài sản của cả cuộc đời nghiên cứu của linh mục Cadière, ông đã hiến tặng cho Đan viện Thiên An (nằm trên đồi Thiên An, ngoại ô Huế) nên còn gọi là Thư viện Cadière. 

Tiếc thay, toàn bộ di sản quý giá, trong đó có rất nhiều tư liệu chưa xuất bản, đã bị bom đạn thiêu rụi từ năm 1968. Khi NXB Thuận Hóa tổ chức dịch sang tiếng Việt để xuất bản toàn bộ BAVH, phải đi tìm rất nhiều thư viện, tủ sách gia đình mới gom đủ 123 số tập san được in thành 106 tập.

"Cả gan" mới làm được

Dịch giả Bửu Ý là một trong vài người đầu tiên cùng ông Vương Hồng (giám đốc NXB Thuận Hóa cho đến năm 1994) tổ chức nhóm dịch thuật. Một ngày đầu năm 1990, ông Vương Hồng đến gặp thầy Bửu Ý và nói sẽ cho dịch sang tiếng Việt để xuất bản toàn bộ BAVH.

Thầy Bửu Ý rất vui mừng nhưng chưa thể tin, "vì lúc đó chúng tôi không ai dám mơ tưởng đến việc này". 

Sau khi xem những bộ sách đồ sộ của triều Nguyễn, toàn tập Phan Bội Châu và sách về tôn giáo mà NXB Thuận Hóa vừa xuất bản, "phải nói là cả gan mới làm được", thầy Bửu Ý tin và nhận lời dịch BAVH.

"Công đầu thuộc về Vương Hồng. Ông ấy quyết liệt và kiên trì lắm, lại rất giỏi thuyết khách". Ông thuyết phục cả Tỉnh ủy lẫn Tòa tổng giám mục Huế, Bộ Văn hóa, Viện Sử học, cả cơ quan cấp phép lẫn các nhà tài trợ kinh phí. Và thuyết phục được cả những vị thông ngôn hay giáo sư Pháp văn thông tuệ của Huế vốn rất cẩn trọng, cũng không phải là chuyện dễ.

Vì biết rằng BAVH là một bộ tài liệu quý giá về Huế học và Việt Nam học nhưng đang nằm im trong các kho sách, nên khi nghe NXB Thuận Hóa muốn xuất bản toàn bộ bằng tiếng Việt thì các vị chuyên gia Pháp văn liền đồng ý ngay. 

Một đội ngũ dịch thuật hùng hậu đã tề tựu gồm những "tay tổ" Pháp văn của Huế: Bửu Ý, Đặng Như Tùng, Hà Xuân Liêm, Phan Xưng, Tôn Thất Hanh, Nguyễn Cửu Sà, Đỗ Hữu Thạnh, Dương Đình Khôi, Phan Xuân Sanh... 

Họ chia thành hai nhóm: dịch và hiệu đính. Mỗi người dịch liên tục các số tập san trong một hoặc hai năm. Dịch xong bài nào thì chuyển cho nhóm hiệu đính đọc, rồi chuyển sang NXB để nhóm biên tập xử lý lại bản thảo.

Một ngày tháng 10 năm 1997, bộ BAVH đầu tiên ra mắt, với 3 cuốn dày cộm 1.735 trang sách, xếp trong một hộp giấy màu nâu sang trọng. 

Đó là bộ tập san của ba năm 1914-1916, với mẫu bìa do họa sĩ Phan Chi thiết kế, dùng chính bìa của BAVH thuở đầu tiên làm nền, trên đó nổi lên dòng chữ: Những người bạn cố đô Huế B.A.V.H, người dịch Đặng Như Tùng, hiệu đính Bửu Ý.

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 4: Bộ sách để đời - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu Châu Phan giới thiệu bộ BAVH nguyên bản trong thư viện gia đình ông - Ảnh: M.TỰ

Một bộ sách - ba đời giám đốc

"Ôm hộp sách nặng trĩu trên tay mà mừng đến chảy nước mắt!" - ông Lê Dần bồi hồi nhớ lại. Lúc bộ sách BAVH đầu tiên ra lò, ông Dần đang là giám đốc NXB Thuận Hóa. 

Trước đó, lúc ông Vương Hồng bắt tay làm BAVH tiếng Việt thì ông Dần là phó giám đốc, phụ trách phát hành. Ông Dần cho biết gian nan nhất của bộ BAVH là việc phát hành. 

Chủ trương đã được lãnh đạo tỉnh thông qua, văn bản gốc có đủ, đội ngũ dịch thuật đã làm việc, sách sắp thành hình, nhưng chào mời khắp các nhà phát hành, từ công ty nhà nước đến đầu nậu tư nhân trong Nam ngoài Bắc, đều lắc đầu: "Nội dung thì khô mà sách lại dày, nhiều tiền mà khó bán".

Ông Dần phải năn nỉ rằng sách này rất quý, viết nghiên cứu nhưng sinh động như phim ảnh, không chỉ viết về Huế mà cả Việt Nam. Sách Huế nhưng sẽ bán được trên toàn quốc, vì giới nghiên cứu, giảng dạy và sinh viên văn sử đang rất cần. 

Cuối cùng bộ sách quý BAVH cũng tìm được nhà phát hành, đó là chủ nhà sách Trẻ ở TP.HCM, ông Lê Nguyên Đại (từ sau 1996 là Công ty sách Thời Đại). Vốn là thầy giáo dạy văn, ông Đại thấy được giá trị lớn lao của BAVH nên sẵn sàng liên kết để xuất bản bộ sách.

Kể từ khi nhen nhóm hồi sinh BAVH vào khoảng đầu năm 1990, đến khi bộ BAVH cuối cùng ra mắt vào đầu 2016, là một chặng đường dài hơn 25 năm, bằng một phần tư thế kỷ, qua ba đời giám đốc NXB Thuận Hóa: Vương Hồng - Lê Dần - Nguyễn Duy Tờ.

"Hạnh phúc nhất của người làm xuất bản là làm được những bộ sách để đời!" - cả cựu giám đốc Lê Dần lẫn đương kim giám đốc Nguyễn Duy Tờ đều thốt lên như thế. 

Với những bộ sách lớn, phải đầu tư nhiều công sức, tiền bạc, nhưng lãi lớn không phải là tiền. Cái lãi đó chính là uy tín của NXB và công ty sách. BAVH của NXB Thuận Hóa là bộ sách lớn để lại cho muôn đời sau!

Bộ sách Những người bạn cố đô Huế - BAVH của NXB Thuận Hóa gồm 33 cuốn, đóng thành 10 hộp, với khoảng hơn 15.000 trang in.

Mỗi cuốn chỉ in số lượng 500 bản, vì vậy đến nay BAVH đã thành của hiếm, nhiều nhà sách cũ phải bán đấu giá những cuốn xuất bản đầu tiên vào năm 1997.

Đến năm 2017, NXB Thuận Hóa và Công ty sách Thời Đại đã hợp tác tái bản bộ mới bằng bìa cứng, giấy tốt, tranh ảnh in từ nguyên gốc.

Đầu năm 1997, Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp (EFEO) được thư viện Trường đại học Khoa học Huế (tức Đại học Tổng hợp Huế cũ) cho phép sao chụp bộ BAVH đang lưu trữ tại đây với 96 tập.

EFEO đã sao chụp thêm ở văn khố lưu trữ của Pháp 27 tập và tặng lại cho thư viện này các số còn thiếu.

Đến giữa năm 1997, bộ đĩa CD-ROM trọn bộ BAVH do EFEO thực hiện đã phát hành nhân dịp Hội nghị các nước nói tiếng Pháp tại Hà Nội. Các bản mềm BAVH đang lưu hành rộng rãi hiện nay chính là từ bộ CD-ROM đó.

***************

Đó là kim sách - một loại thư tịch đặc biệt được đúc bằng vàng để khắc những áng văn thiêng liêng và quan trọng của triều Nguyễn.

>> Kỳ tới: Cuốn sách bằng vàng của triều Nguyễn

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 3: Hồi sinh bộ tạp chí hàng đầu Đông Dương Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 3: Hồi sinh bộ tạp chí hàng đầu Đông Dương

TTO - Một sự kiện làm nức lòng giới nghiên cứu văn hóa - lịch sử vào 24 năm trước, đó là việc Nhà xuất bản (NXB) Thuận Hóa cho ra mắt bộ sách Những người bạn cố đô Huế. Vì sao họ vui mừng?

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp