Di tích Thành cổ Quảng Trị - Ảnh: PHẠM XUÂN DŨNG
Đặc biệt là bằng cách nào để tác giả lên được danh sách hơn 4.000 liệt sĩ từng ngã xuống nơi đây.
Tâm nguyện cựu chiến binh thành cổ
Nhà giáo Võ Văn Hoa, người rất quan tâm đến thành cổ, cũng nói rằng: "Tôi thực chưa rõ về cuốn sách này hình thành như thế nào và có lẽ nhiều người dân Quảng Trị cũng vậy, chưa kể các nơi khác cũng rất muốn biết chuyện này".
Cũng mang tâm trạng như vậy, vào giữa tháng 7-2020, tôi tìm cách liên hệ với một cựu binh đặc biệt từng kinh qua trận mạc ở Quảng Trị.
Đó là đại tá Trần Ngọc Long (sinh năm 1941, quê ở Hà Nội), nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, trung đoàn 48 (trung đoàn Thạch Hãn) từng vào sinh ra tử.
Ông là "hạt gạo trên sàng" còn lại sau 81 ngày đêm năm 1972 khốc liệt chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, đã nung nấu ý tưởng làm một cuốn sách về đồng đội khi đã 70 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời. Ông còn là trưởng ban liên lạc trung đoàn 48.
"Vì sao tưởng niệm đồng đội đã hi sinh, ông lại chọn cách làm sách mà không phải là một công việc khác, thưa ông?" - tôi bắt đầu cuộc trò chuyện bằng thắc mắc như thế. "Đúng vậy, tôi nghĩ nhiều về chuyện này.
Vì sao ư? Bởi vì chúng tôi may mắn còn sống sót trở về, nhưng biết bao đồng đội máu xương đã hòa vào đất đai, sông nước. Nhưng nhiều, rất nhiều gia đình mấy chục năm khi chiến sự đã qua vẫn không tìm thấy được người thân đã hi sinh, chỉ trông có một mẩu hài cốt để khói hương cũng đành chịu.
Tôi muốn làm một cuốn sách nói về thành cổ có tên những đồng đội đã quên mình vì Tổ quốc. Đó là "sách thờ", chứ không phải là sách thường, anh có hiểu không?" - đại tá Long trả lời.
"Dạ, thưa ông, việc làm sách về Thành cổ Quảng Trị có thể không khó, nhưng việc đi tìm tên tuổi liệt sĩ là một chuyện lớn, rất phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi thời gian và sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương và cả nhiều người. Ông phải làm sao trước một núi khó khăn như vậy?".
"Anh nói đúng, đây chính là linh hồn cuốn sách này. Lúc khởi sự tôi cũng đã gần 70 tuổi. Nhưng tôi tâm nguyện phải cố làm cho bằng được. Anh biết khi bắt tay vào thì cái khó nhất là gì không? Tư cách pháp nhân khi đi khảo sát để lập danh sách liệt sĩ" - đại tá Long kể.
Đi tìm tên tuổi liệt sĩ
Ông Long may mắn gặp một người đồng đội cũng tràn đầy tâm huyết khi ấy có chức vụ rất cao trong quân đội: thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, tổng tham mưu trưởng QĐNDVN.
Ông Nghiên nguyên là đại đội trưởng thuộc tiểu đoàn ông Long từng chỉ huy ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ông Nghiên đồng tình cao với khát vọng của thủ trưởng cũ, coi đó là công việc ân tình nhất định phải làm với đồng đội đã ngã xuống, kể cả người đang sống.
Sau khi cân nhắc, thượng tướng Nghiên đã đề xuất cấp cho ông Long một giấy giới thiệu đến các đơn vị quân đội trong toàn quân và các địa phương để sưu tra danh sách liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị, một công việc đòi hỏi công phu, cẩn trọng, tỉ mỉ, nhiều khi như mò kim đáy bể.
Ông Long đã có danh chính ngôn thuận để bắt đầu hành trình khó nhọc mà hầu như chỉ có một mình.
Khi nghe tôi hỏi vì sao ông không tìm thêm cộng sự làm việc với mình để san sẻ gánh nặng, ông đáp: "Tôi cũng muốn lắm chứ, nhưng liệu ai có thể giúp được. Ngoài việc đi đến các đơn vị quân đội, tôi chỉ có thể làm việc một mình.
Vì sao? Vì phải là người bao quát được tình hình, biết được các đơn vị tham chiến, lại sâu sát với chiến sự thành cổ ngày đó, và có mặt từ đầu đến cuối mới có thể kiểm định, sàng lọc thông tin chính xác, tránh những nhầm lẫn đáng tiếc.
Mà đây lại là câu chuyện liệt sĩ nên càng phải thận trọng. Tôi lấy ví dụ có rất nhiều đơn vị tham gia chiến dịch này, nhưng phải là những đơn vị, cá nhân trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu cho 81 ngày đêm thành cổ, đó cũng là việc không hề đơn giản".
Ông Trần Ngọc Long đi ròng rã hầu khắp các địa bàn. Ông đã đi xe máy lên Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, vào Khu Bốn cũ...
Về nhà, ông lại "đánh vật" với từng tài liệu để rà soát đơn vị, quê quán, tên tuổi liệt sĩ. Nội một chuyện chia tách các đơn vị hành chính quê quán các liệt sĩ cũng đã mất nhiều công sức xác minh.
Có khi một vài chi tiết thôi cũng có thể mất cả vài ngày. Ông bồi hồi nhớ lại: "Nhiều đêm tôi thức trắng theo việc, vợ tôi xót cứ nhắc chồng đi ngủ vì sợ tôi ốm. Riêng tiền điện thoại của tôi, cũng đã mất gần 30 triệu đồng, tất nhiên là tiền túi của tôi".
Mất hai năm như thế, đến năm 2011 ông mới hoàn thành công việc của mình. Danh sách chính xác hơn 4.000 liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị lần đầu tiên trang trọng xuất hiện trong cuốn sách này. Một kỳ công vượt quá sức nhiều người chứ không chỉ với một người.
Cuốn sách thiêng liêng về Thành cổ Quảng Trị và liệt sĩ - Ảnh: PHẠM XUÂN DŨNG
Rước sách về thành cổ
Tuy nhiên, sách ra đời, việc chưa phải đã xong. Ông Long kể tiếp: "Chúng tôi muốn có một sự lưu niệm đầy ý nghĩa gắn liền với cuốn sách này.
Vậy là độc bản kỳ thư ra đời tại Hà Nội, và sau khi bàn bạc, sách được lựa chọn trưng bày trong Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, nơi rất nhiều du khách trong và ngoài nước thường đến tham quan".
Và kỳ thư lại có thêm kỳ sự: lễ rước sách từ Hà Nội vào thành cổ. Đúng là chuyện lạ thời nay. Ông Long cho hay: "Ngày 8-7-2011 từ Tượng đài liệt sĩ Ba Đình, một đoàn xe diễu hành, nghi lễ trang trọng, rồi từ Hà Nội vào Quảng Trị. Có cả đội tiêu binh, quân nhạc hẳn hoi. Vào đến Thành cổ Quảng Trị, khi rước sách xuống, chúng tôi vui mừng khôn xiết. Bà con Quảng Trị cũng hân hoan. Vậy là tâm nguyện bao người đã thành hiện thực".
Khách trong nước như ông Vũ Ngọc Thấn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang xúc động tâm tình: "Tôi cứ nhớ đến câu hát cỏ xanh non tơ, xin chớ vô tình...".
Cô Ka Ren, du khách Hà Lan, thì chia sẻ ngắn gọn: "Đây là lần đầu tôi đến thăm di tích Thành cổ Quảng Trị.
Tôi rất ấn tượng với những gì đã diễn ra ở đây trong chiến tranh. Và tôi cũng rất chia sẻ cách mà hôm nay các bạn tưởng niệm những người đã khuất như cuốn sách độc bản này."
Còn đại tá cựu chiến binh Trần Ngọc Long thì trầm ngâm: "Tôi cho rằng câu chuyện cuốn sách và những điều liên quan vẫn còn tiếp diễn.
Là người lính, chúng tôi luôn tôn trọng lịch sử và lịch sử chính là sự thật khách quan. Tôi nhấn mạnh: những gì gắn với danh hiệu chiến sĩ thành cổ phải đúng nghĩa như thế, phải luôn luôn chính danh và cần được bảo vệ đến cùng".
Ngày 5-7-2011, Trung tâm Thông tin truyền thông vì môi trường phát triển, Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức giới thiệu cuốn đại sách độc bản với tên gọi Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị (kích thước 1m x 0,7m) đã xác lập kỷ lục Việt Nam, lưu danh các liệt sĩ hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Bộ sách này được hoàn thành trong vòng hai năm trời với khoảng 300 trang, gồm bốn phần tái hiện lịch sử cổ thành Quảng Trị, cuộc chiến anh hùng 81 ngày đêm và danh tính các liệt sĩ...
Đây là tác phẩm thứ bảy trong bộ sách Huyền thoại Việt Nam của dự án văn hóa "Uống nước nhớ nguồn" sau các tác phẩm đã xuất bản trước đó là: Huyền thoại Điện Biên, Huyền thoại Côn Đảo, Huyền thoại Trường Sơn, Huyền thoại Thanh niên xung phong, Huyền thoại U Minh, Huyền thoại Phú Quốc.
_____________________________________________
Một sự kiện làm nức lòng giới nghiên cứu văn hóa - lịch sử vào 24 năm trước, đó là việc NXB Thuận Hóa cho ra mắt bộ sách Những người bạn cố đô Huế.
Kỳ tới: Hồi sinh bộ tạp chí hàng đầu Đông Dương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận