27/12/2020 13:52 GMT+7

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 4: Người nối cầu cho ngày đoàn tụ

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Từ mẩu tin nhắn tìm người thân lạc trôi trên mạng, một anh công an tốt bụng công tác ở Công an Đà Nẵng đã âm thầm đi tìm kiếm.

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 4: Người nối cầu cho ngày đoàn tụ - Ảnh 1.

Khoảnh khắc nghẹn ngào ông Phạm Sung và bà Sáu gặp lại nhau sau 50 năm cách biệt - Ảnh: L.TRANG

Tháng 5-2020, một cuộc đoàn tụ ly kỳ của hai anh em ruột thịt sau hơn 50 năm đã làm không ít người dân ở xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) sửng sốt. Cuộc vui trùng phùng này đã được lan tỏa, nhưng ít người rõ "hậu trường" cuộc đoàn tụ đã diễn ra thế nào.

Người giúp đỡ lặng thầm

Chúng tôi đã rất nhiều lần hẹn gặp người công an tốt bụng trong câu chuyện đoàn tụ khá ly kỳ của ông Phạm Sung (80 tuổi, trú tại thôn Thi Lai, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) và người em gái thất lạc là bà Phạm Thị Sáu (78 tuổi) hiện sống tại Sóc Trăng.

Trong câu chuyện của mình, cán bộ công an này chỉ cho biết mình tên Hào, công tác tại Công an TP Đà Nẵng. Ông Phạm Sung và các con khi nhắc Hào cũng nói rằng chỉ gặp được anh duy nhất trong một lần anh cùng vợ tới nhà để xác minh, khớp nối thông tin với bà Phạm Thị Sáu.

"Từ đó tới nay chúng tôi không gặp anh ấy nữa, gọi điện anh ấy cũng không đề cập gì nhiều, không nhận lời cảm ơn mà chỉ nói rằng bởi mình là chiến sĩ công an nên thấy việc cần làm thì kiên quyết làm" - chị Nguyễn Thị Cúc, con dâu ông Sung, nói.

Theo chị Cúc, ba chồng của chị lâu nay sống với gia đình chị ở xã Duy Trinh. Ông Sung có một người em gái là Phạm Thị Sáu - tên thường gọi là "cô Sáu" - bị thất lạc vào năm 1970 tại khu vực chợ Hàn (Đà Nẵng).

Theo lời ông Sung kể thì ngày đó cả gia đình ông đi ra Đà Nẵng lánh bom đạn, cả nhà sống ở đường Hoàng Diệu, gần khu vực chợ Hàn.

Nhiều năm ở loanh quanh chợ, cô em gái Phạm Thị Sáu có quen một người bốc thuốc bắc tên Dũng. Khi hai người có với nhau một đứa con thì bà Sáu theo ông Dũng về huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) sinh sống. Lúc này ông Dũng mới nói với bà rằng ông là một người lính hoạt động bí mật.

Rồi ông Dũng tiếp tục lao vào cuộc chiến, mất thông tin sau một trận đánh. Bà Sáu không người thân thích, lầm lụi ôm con nhảy theo những đoàn xe rồi lưu lạc vào phương Nam. Một ngày đầu năm 1974 bà đã đứng trên đất Sóc Trăng.

Một điều khá tội nghiệp là sau nhiều nỗ lực tìm kiếm em gái không thành, ông Sung đã lập bàn thờ cho cô Sáu. Ông lấy ngày 11-5 âm lịch hằng năm để làm lễ cúng cho cô Sáu.

Chuyện mất mát tưởng chừng là việc đau thương phải sống và chấp nhận như một phần của chiến tranh, nhưng chẳng ai nghĩ cô Sáu - người em gái khờ khạo của ông - vẫn còn sống cách nhà hơn 1.000 cây số.

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 4: Người nối cầu cho ngày đoàn tụ - Ảnh 2.

Máu mủ ruột rà lại liền nhau - Ảnh L. TRANG

Cuộc tìm kiếm bí mật

Chị Trần Thị Hồng Gấm - cháu ngoại bà Phạm Thị Sáu, hiện sống tại Sóc Trăng - cho biết bà Sáu hiện sống ổn định, có nhà cửa cùng các con tại Sóc Trăng. Những năm sinh sống với các con, nhiều người thân biết bà Sáu thất lạc cha mẹ, anh em trong chiến tranh. Nhưng vì ít khi bà nhắc tới nên cũng không mấy ai để ý.

Cho tới vài năm trước, khi sức khỏe đã yếu dần, bà Sáu hay nằm khóc tủi và nói rằng rất muốn tìm lại được gia đình trước khi nhắm mắt qua đời.

Chị Gấm nói rằng thấy thương ngoại, chị có bí mật lục tư trang và phát hiện ngoại có giữ một giấy tờ ghi rõ nơi ở, tên cha, mẹ từ ngày còn ở Đà Nẵng. Tờ giấy này đã theo ngoại chị suốt mấy chục năm nay.

Cuối tháng 4 vừa qua, chị chụp lại nó rồi đăng lên mạng, nhờ người ở Đà Nẵng tìm hỏi địa chỉ trên giấy của ngoại, nhưng mọi nỗ lực đều không có kết quả.

Lúc gần như hết hi vọng thì chị Gấm gửi được thông tin qua một trang Facebook của Công an TP Đà Nẵng. Người cán bộ tiếp nhận thông tin tên Hào - người sau này đã giúp gia đình ông Sung, bà Sáu gặp gỡ - đã âm thầm tổ chức tìm kiếm.

Anh Hào nói rằng anh đã nhờ đồng đội, anh em truy lục ở tàng thư tìm kiếm lai lịch của những người có tên trong tấm chứng minh thư của bà Sáu. Anh cũng bỏ thời gian lang thang tới khu vực đường Hoàng Diệu, TP Đà Nẵng nơi bà Sáu cùng cha mẹ từng ở để hỏi thông tin.

Tuy nhiên thật khác với một đường Hoàng Diệu đổ nát trong chiến tranh, con đường ấy giờ sầm uất bậc nhất Đà Nẵng. Không một ai biết những người có tên trong tấm giấy tờ tùy thân cũ nhàu của bà Sáu.

Không nản chí, anh Hào tiếp tục sử dụng mạng xã hội cùng nghiệp vụ công an của mình để dò tung tích sơ sài của bà Sáu. Một người phụ nữ ở huyện Duy Xuyên, là họ hàng của bà Sáu, ông Sung trong lúc lướt mạng đã thấy được thông tin mà cán bộ Hào đăng tải tìm kiếm.

Không bỏ sót một manh mối nào dù là ít hi vọng nhất, anh Hào đã kết nối với người phụ nữ kia. Từ những dữ liệu được cung cấp, Hào biết chắc rằng người mà mình đang cố nhọc công tìm kiếm lâu nay đã tới rất gần...

Ông Phạm Sung kể liên tục từ tháng 4-2020 gia đình ông nhận được điện thoại từ anh Hào. Vì không muốn làm mọi người hi vọng khi mọi việc chưa chắc chắn, anh Hào chỉ nói rằng mình đang xác minh theo công việc mà không hề nói thật mục đích giúp đoàn tụ cho gia đình ông Sung.

Rồi có một buổi trưa, Hào còn chở vợ mình trực tiếp tìm tới nhà ông Sung để ngó ngàng, dò hỏi thông tin. Dẫu không rõ ý định của Hào, nhưng ông Sung vẫn lờ mờ nhận ra có chuyện gì đó mà Hào đang cố kết nối liên quan đến cô em gái tên Sáu của mình đã mất tích 50 năm về trước.

Không chỉ phía ông Sung, những cuộc điện thoại phía bên gia đình bà Sáu cũng được anh Hào gọi. Ròng rã nhiều tuần như vậy, bằng giác quan và hiểu biết của mình, anh Hào biết chắc chắn rằng người anh mà bà Phạm Thị Sáu đang tìm kiếm hiện còn sống khỏe mạnh, ở cách bà hơn 1.000 cây số.

Quan trọng hơn, hai người đều đã ở tuổi xế chiều và trong sâu nặng tâm can, họ tha thiết tìm thấy nhau trước khi nhắm mắt.

Kể lại với chúng tôi, anh Hào nói rằng với quãng thời gian mất tích nhau nửa đời người, anh tin rằng việc hai anh em được gặp lại sẽ là cuộc đoàn tụ của tình máu mủ thiêng liêng. Và anh muốn được chứng kiến giây phút hạnh phúc đó.

Anh thống nhất bàn bạc với ông Sung, tự mình đặt vé máy bay, ông Sung sẽ vào Sóc Trăng đón em gái. Anh sẽ nói cho họ biết hai người là anh em của nhau. Nhưng giờ chót thì anh cấn công việc.

"Tôi phát run lên vì tưởng tượng cảnh đoàn tụ sau 50 năm đó. Nhưng nếu vì tôi bận, rồi lỡ có bất trắc gì mà mãi mãi hai anh em không gặp được nhau. Cho nên tôi đã cung cấp toàn bộ thông tin, số điện thoại, dữ liệu trùng khớp để gia đình ông Sung bay vào Sóc Trăng đón bà Sáu.

Tôi ở xa nghe điện thoại và chúc phúc cho tình anh em ruột rà của họ" - anh Hào xúc động nói.

Vỡ òa giây phút trùng phùng

Một ngày giữa tháng 5, ngôi nhà của bà Phạm Thị Sáu nằm sâu trong những con kênh vùng sông nước Sóc Trăng chộn rộn người như đám cưới.

Những người chứng kiến cuộc đoàn tụ hôm đó không ai cầm được nước mắt khi thấy ông Sung từ xa nhìn bà Sáu đã nhận ra ngay đó là em gái mình. Rồi hai người ôm nhau mừng tủi, họ òa khóc như trẻ con.

Mất nhau từ thời còn xanh, ngày tìm thấy nhau hai người đã ở ga cuối của cuộc đời. Họ cùng nhau về lại quê, ôn hàn chuyện 50 năm ly tán. Trong câu chuyện, họ nhắc đến người công an tốt bụng tên Hào đã âm thầm kết nối giúp họ có ngày đoàn tụ nồng ấm.

Một người mất trí nhớ, vạ vật sống nhờ ở chợ, đã trùng phùng được người thân nhờ lòng tốt của người bán hàng...

Kỳ tới: Nghĩa tình trước ngày đoàn tụ

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 3: Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 3: 'Người chết' trở về vào ngày giỗ

TTO - Kể từ khi lấy chồng vào năm 1985, cứ đúng vào chính ngọ ngày 26-7 âm lịch hằng năm, bà Lê Thị Thanh (67 tuổi, thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn, Quảng Nam) lại soạn mâm cơm, sắm áo quần để đốt cho cha mẹ và người em ruột.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp