Ảnh minh họa
Vừa kết thúc một cuộc hôn nhân kéo dài hơn 10 năm, họ lại tiếp tục kéo nhau ra tòa để phân chia tài sản.
Hết tình, cạn nghĩa
Người đàn ông mặc chiếc áo sơmi màu xanh nhạt thẳng thớm, ôm tập hồ sơ dày cộp đặt lên bàn. Bên cạnh là người phụ nữ dáng người mảnh khảnh, mái tóc ngắn để xõa che khuất nửa khuôn mặt. Hai người ngồi cạnh nhau nhưng không nói với nhau nửa lời. Không khí yên ắng bao trùm căn phòng, duy chỉ có tiếng ro ro của chiếc máy lạnh đang ra sức làm dịu đi tiết trời tháng 2 oi ả.
Thoạt nhìn, không ai nghĩ họ từng là một gia đình hạnh phúc với hai đứa con xinh xắn. Một năm trước, họ quyết định kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm trong yên lặng với quyết định thuận tình ly hôn. Song một năm sau đó, "cuộc chiến" thực sự mới bắt đầu, khi chị đâm đơn ra tòa yêu cầu chia tài sản chung.
Ngoài 2 đứa con được giao cho mẹ nuôi dưỡng thì tài sản tranh chấp sau 10 năm nghĩa tình ấy là 1 căn chung cư và 2 sổ tiết tiệm hơn 2 tỉ đồng.
Anh cho rằng tài sản trong nhà vốn do một tay anh làm ra, chị không có đóng góp gì, tuy nhiên do căn chung cư này mua trong thời kỳ hôn nhân nên anh vẫn chấp nhận đó là tài sản chung. Riêng số tiền trong 2 sổ tiết kiệm, anh đã rút ra dùng để mua chung cư cho các con sau này nên không đồng ý chia. Còn chị cho rằng ngoài căn chung cư thì vẫn còn 2 sổ tiết kiệm, anh cố ngụy tạo vay người thân, bạn bè để giảm giá trị phải chia cho chị xuống. Xử sơ thẩm, tòa án quyết định chia đều. Không đồng ý, anh kháng cáo.
Phiên phúc thẩm bắt đầu chưa bao lâu đã nóng lên bởi những tranh cãi gay gắt, không ai chịu nhường ai.
Trước tòa, anh lý giải khi quyết định mua chung cư thì anh đã gửi tiết kiệm được 4 tháng, nếu rút ra sẽ mất số tiền lãi. Vì vậy, anh vay của chị dâu 700 triệu và vay mượn công ty 400 triệu để đặt cọc và thanh toán hợp đồng mua căn hộ. "Sau khi sổ tiết kiệm đến hạn, tôi tất toán sổ lấy tiền trả nợ, giấy tờ chuyển tiền trả nợ cho công ty vẫn còn đây - anh chìa ra một xấp giấy tờ minh chứng cho lý lẽ của mình - Chỉ có số tiền 700 triệu do mượn anh em trong nhà nên không có giấy tờ nhưng bản thân bà T. còn nhắn tin cho chị dâu tôi mượn tiền, tất cả khoản tiền đó đều là do tôi làm ra, tôi chỉ đồng ý chia đôi tài sản là căn chung cư".
Nghe vậy, chị liền phản bác: "Chúng tôi chung sống với nhau 10 năm, anh Q. làm nghề kinh doanh bất động sản nên anh Q. rất rành việc mua căn hộ ra sao, thanh toán như thế nào đều do anh Q. quyết định. Tôi là vợ, tôi chỉ đứng phía sau, nghe lời chồng.
Trong quá trình hôn nhân, người chồng đi làm đem tiền về, người vợ lo chi phí trong gia đình. Hai vợ chồng tôi sống với mẹ tôi 10 năm nay nên chi phí nhà ở không tốn, từ đó chúng tôi mới để dành được khoản tiền như vậy. Vì tôi tin tưởng chồng nên để anh Q. đứng tên mua bán, nhưng tôi vẫn nắm được nguồn tiền. Khi hai vợ chồng xích mích, tôi vẫn là người giữ sổ, chỉ khi ra tòa ly hôn tôi mới biết anh Q. đã rút hết tiền. Sau khi ly hôn, tôi muốn cho hai con tôi có căn nhà ở. Tôi không đồng ý với ý kiến của anh Q.. Tôi nghi ngờ anh Q. tạo dựng để giảm phần phải chia".
"Trong quá trình thanh toán mua nhà, bà có đưa cho tôi khoản tiền nào không, có góp chung khoản nào không, bà đi làm lương tháng bao nhiêu? - anh hỏi dồn dập - Lương của bà tôi chưa bao giờ lấy 1 đồng, tất cả chi phí trong gia đình, kể cả chi phí cho con, đều là tôi chi trả".
Chị vợ đáp lời: "Hai vợ chồng sống chung với nhau, không thể nói tôi có quỹ đen 500 triệu đưa anh mua căn hộ. Anh gửi tiết kiệm bao nhiêu tôi biết và 2 vợ chồng cùng bàn bạc". Chị tiếp tục thanh minh: "Thưa tòa, tiền lương cố định của anh Q. không có, chỉ có tiền hoa hồng khi bán được nhà. Có khi anh Q. đem về 100-200 triệu nhưng có tháng không đem về đồng nào, thu nhập không cố định, để mua được căn hộ đó là cả quá trình tích lũy". Trời đã về chiều nhưng cuộc tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ.
Chia sao cho vừa?
Để làm dịu bớt tình hình, một thẩm phán lên tiếng giải thích: "Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, trong giai đoạn hôn nhân, người vợ dù không đi làm hoặc chỉ làm nội trợ trong gia đình cũng là có công sức đóng góp chứ đừng nói là bà T. ra xã hội làm 1 tháng 3 triệu. Luật vẫn coi đó là tài sản chung".
"Tài sản của ông bà nên ông bà mới là người rõ nhất. Khi ra tòa ly hôn, cái tình không còn nhưng còn nghĩa, chúng tôi mong muốn ông bà ngồi lại thương lượng. Đừng nghĩ hơn thua, thiệt hơn và nên nhường nhịn nhau" - tòa ra sức hòa giải.
Nhưng những câu hỏi về công sức tạo dựng, về tiền lương, về những đóng góp... cứ thế tuôn ra; người khẳng định vẫn khẳng định, người phủ nhận cứ phủ nhận.
Sau khi nghị án, tòa tuyên y án sơ thẩm, số tiền tiết kiệm là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên là tài sản chung. Anh Q. thừa nhận đã rút tiền trong sổ tiết kiệm không có sự đồng ý của chị T. và cho rằng anh đã sử dụng số tiền này cho các chi tiêu trong gia đình và thanh toán mua căn hộ chung cư.
Tuy nhiên, từ tháng 1-2018, chị T. là người nuôi dưỡng các con chung và không còn chung sống với anh Q. nên không phát sinh các chi tiêu chung. Về việc thanh toán căn hộ chung cư dựa trên cơ sở các phiếu thu là hơn 500 triệu, tòa án xác định sổ tiết kiệm trừ đi số tiền đã thanh toán mua căn hộ chung cư là tài sản chung chưa được phân chia và chia đôi. Chia đôi căn chung cư và giao cho chị T., chị T. phải thanh toán tiền chênh lệch cho anh Q..
Anh Q. nói rằng anh tranh chấp căn nhà không phải là giành cho cá nhân mà giữ lại nhà cho con sau này lớn lên được hưởng, "giao nhà cho bà ấy, bà bán đi thì sao. Tôi chủ quan quá nên mới vậy" - anh Q. cười nhạt.
Công việc phải chứng kiến nỗi đau của nhiều gia đình, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM) chia sẻ: "Tôi từng tham gia bảo vệ cho nhiều đương sự trong vụ án ly hôn hoặc tranh chấp tài sản sau ly hôn. Có những tranh chấp rất nhỏ nhặt, chia nhau chiếc xe máy, cái tivi, thậm chí chia cả cái chén đôi đũa. Ai cũng muốn giành phần hơn, đôi khi không phải vì giá trị vật chất mà vì họ muốn dằn hắt nhau cho bõ ghét. Song ít ai để ý đến những tổn thương của con trẻ khi phải chứng kiến cha mẹ tranh giành nhau.
Hãy nghĩ cho con
Hôn nhân không hạnh phúc đã là một bi kịch, việc phải ra tòa để tranh chấp tài sản lại một lần nữa khoét sâu thêm những hận thù, mâu thuẫn trong lòng nhau. Vợ chồng khi không thể chung sống với nhau hãy nghĩ đến con cái, đừng ích kỷ nghĩ đến chuyện đối phương được hưởng nhiều tài sản hơn, lo ngại vợ/chồng mình sẽ chiếm tài sản, mà hãy giúp đỡ nhau nuôi dạy con, tạo điều kiện tốt nhất để con sinh sống ổn định, phát triển.
Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận