Chiếc máy bay trực thăng UH-1 của Mỹ số hiệu 60139 được lệnh đưa xuống tàu ra đảo! Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, máy bay của không quân nhân dân VN thực hiện một phi vụ ở quần đảo Trường Sa.
Phóng to |
Chuyến đi nhớ đời
Đoàn công tác cả trăm người gồm lãnh đạo của Bộ tư lệnh Không quân và Hải quân cùng các bộ phận liên quan đến... chiếc máy bay UH-1. Trung đoàn trưởng trung đoàn 917 khi đó là anh Lê Đình Ký lái chính, Hồ Duy Hùng lái phụ, anh Lê Quang Vinh lái phụ kiêm dẫn đường và kỹ thuật mặt đất, kỹ thuật trên không. Đặc biệt, một xe chở xăng dầu chỉ chuyên phục vụ chiếc máy bay UH-1 cũng được xuống tàu ra Trường Sa. Càng của chiếc máy bay UH-1 được ràng buộc rất kỹ xuống sàn tàu. Đoàn công tác đi bằng tàu đổ bộ của Mỹ trọng tải 4.000 tấn sản xuất từ năm 1942, mỗi lần sóng đánh tàu kêu răng rắc. Tàu cũ nên tốc độ chỉ 7-8 hải lý/giờ.
Tàu lắc liên tục. Sóng gió lớn quá. Nhiều người say lả. Hùng cũng bị say sóng nhưng chỉ qua một ngày là quen sóng ngay. Lái phụ số 2 kiêm dẫn đường Lê Quang Vinh nằm bẹp một chỗ, tổ bay chỉ còn Lê Đình Ký và Hồ Duy Hùng. Càng gần đến quần đảo Trường Sa sóng càng lớn. Mờ sáng ngày thứ ba, sau hành trình ba ngày hai đêm, đảo Trường Sa Lớn đã hiện ra trong tầm mắt. Đây là hòn đảo lớn nhất thuộc các đảo do quân ta đóng giữ. Tàu đậu cách đảo Trường Sa Lớn chừng 2 hải lý.
Nhiệm vụ của tổ bay là chở đoàn cán bộ cao cấp của quân đội thị sát năm đảo vừa tiếp quản và hạ cánh trên đảo. Chiếc máy bay UH-1 khi đó như taxi, chở lần lượt từng đợt cho tới khi hết đoàn công tác. Ở nơi sóng gió khắc nghiệt này, để một chiếc máy bay cất cánh không đơn giản, nhất là lại cất cánh ở trên boong một con tàu không ngừng chao lắc. Phi công phải căng tất cả giác quan, chú ý không cất cánh khi độ nghiêng của tàu lớn quá, cánh máy bay sẽ đập vô boong tàu. Hạ cánh còn gian nan hơn. Con tàu cứ chòng chành, lắc lư. Phi công phải treo máy bay, canh đúng khoảng ngưng chỉ 1-2 giây ngắn ngủi giữa độ lắc của tàu là hạ cánh xuống. Nhưng nếu chọn không đúng thời cơ đặt càng hạ cánh, chỉ với độ nghiêng lớn có thể đánh bật chiếc trực thăng rớt xuống biển! “Phi công bay biển thường cao hơn phi công đất liền một bậc vì bay biển khó hơn rất nhiều. Đường chân trời mờ mịt, không biết đâu là trời, đâu là biển, dễ bị cảm giác sai, nhưng khi đó tôi cứ nhằm vào vật đối chứng là tàu và đảo mà canh chừng để bay, cất hạ cánh” - ông Hùng nhớ lại chuyến đi lịch sử ấy.
Đoàn công tác ở Trường Sa hơn hai tuần, đi qua năm đảo: Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Song Tử Tây - những cái tên mà trước đó Hồ Duy Hùng chỉ nghe qua và ước ao được một lần bay đến. “Tôi đã bay nhiều đảo ở Lý Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu, cù lao Xanh... toàn đảo lớn, cây cối um tùm. Còn các đảo ở Trường Sa khi đó nhỏ và hoang vu lắm. Nhiều đảo chìm nước lên là ngập. Bản đồ Nhật Bản vẽ đảo Trường Sa Lớn năm 1942 chỉ dài 450m nhưng khi tôi bay ra đảo lớn hơn, dài trên 600m. Hồi đó sâm đất trên đảo rất nhiều. Mùa chim đẻ trứng, các bãi cát mênh mông trắng màu trứng chim, nếu chở phải dùng xe tải!” - ông Hùng bồi hồi nhớ lại.
Chiếc UH-1 số hiệu 60139, sau khi huấn luyện bay chuyển loại cho hai tổ bay đầu tiên xong là hết giờ bay, đã được giao lại cho Bộ tư lệnh Phòng không không quân, kết thúc hành trình lịch sử, nhưng nó tiếp tục kể lại câu chuyện độc đáo và thú vị của mình cho hậu thế tại Bảo tàng Phòng không không quân Việt Nam.
Còn thiếu úy không quân nhân dân VN Hồ Duy Hùng, người tham gia lái chiếc UH-1 ở Trường Sa năm ấy, sau này trở thành tổng giám đốc Công ty Du lịch Phú Thọ, là người có công rất lớn để biến bãi đầm lầy thành khu du lịch nổi tiếng Đầm Sen. Ông nghỉ hưu năm 2008. Nhưng không nhiều người biết được: Hồ Duy Hùng là sĩ quan không quân quân đội Sài Gòn.
Hồ Duy Hùng là ai?
Năm 1968, theo sự chỉ đạo của mạng lưới điệp báo, Hồ Duy Hùng gia nhập quân đội Sài Gòn. Tháng 8-1968, anh được tuyển đi học Trường Sĩ quan bộ binh Thủ Đức. Do có khả năng và kiến thức, Hùng lọt vào những sinh viên sĩ quan được chọn học tiếng Anh phi hành. Cuối năm 1969, sau khi hoàn thành khóa học tiếng Anh, Hồ Duy Hùng được chọn đi học lái trực thăng ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi phi công lái chính UH-1, Hùng được học bay thêm một tháng gunship (trực thăng vũ trang). Tháng 10-1970, anh tốt nghiệp và về Việt Nam, được tổ chức phân công về công tác tại tổ điệp báo E4.
Và như vậy, “Việt cộng nằm vùng” Hồ Duy Hùng bắt đầu hoạt động với tư cách thiếu úy phi công trực thăng UH-1 thuộc phi đoàn 215 (không đoàn 62, sư đoàn 2 không quân quân đội Sài Gòn đóng ở Nha Trang). Do có điều kiện đi về bằng máy bay từ Nha Trang vào Sài Gòn nên Hùng thường xuyên liên lạc với tổ E4 và đồng chí Sáu Bán - người phụ trách trực tiếp. Anh đã cung cấp cho B7 nhiều tài liệu quý, trong đó có tập tài liệu tối mật in toàn bộ bản đồ, không ảnh các sân bay lớn nhỏ ở miền Nam và các nước Đông Nam Á cùng các tần số liên lạc với các sân bay và các căn cứ pháo binh. Toàn bộ tài liệu quý này được chuyển về Khu an toàn.
Ngày 12-3-1971, khi vừa thực hiện một phi vụ trở về, Hồ Duy Hùng bị hai sĩ quan của phòng an ninh sư đoàn 2 không quân tịch thu súng và bắt ngay trước phòng trực ban của phi đoàn ở sân bay Nha Trang! Đó là một ngày không may mắn vì buổi sáng trước đó, khi đi đổ quân ở Di Linh, anh bị quân giải phóng bắn suýt thiệt mạng.
Sau năm tháng giam giữ với dồn dập những cuộc thẩm vấn, ngày 30-7-1971 Hồ Duy Hùng bị sa thải khỏi không lực Việt Nam cộng hòa vì “khai man lý lịch, có nhiều thân nhân hoạt động cho cộng sản, có tư tưởng thiên cộng”. Sau đó, anh còn bị giam thêm ba tháng ở Tổng nha Cảnh sát với những cuộc thẩm vấn kỹ hơn. Cuối cùng vẫn không khai thác được gì thêm, Tổng nha Cảnh sát chuyển Hồ Duy Hùng về bót Ngô Quyền làm các thủ tục giải giao về cho Ty Cảnh sát Gia Long (Đà Nẵng) để quản lý ở địa phương.
_____________________
Điều rất thú vị là chiếc UH-1 số hiệu 60139 bay trên bầu trời Trường Sa năm ấy chính là chiếc trực thăng bị đánh cắp tại Đà Lạt năm 1973. Và người đánh cắp chiếc máy bay ấy cũng chính là Hồ Duy Hùng, thiếu úy không quân Sài Gòn.
Kỳ tới: Chiếc trực thăng bị đánh cắp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận