Công văn “đòi tiền” mà VCPMC gởi đến các khách sạn Đà Nẵng có nhiều khoản thu, trong đó có khoản thu liên quan đến việc dùng các chương trình trên tivi trong kinh doanh đang gây tranh cãi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Bản thân khách sạn hoạt động kinh doanh chính của họ là dịch vụ lưu trú. Tivi được bố trí chỉ là dịch vụ phụ trội, kèm theo dịch vụ lưu trú chứ hoàn toàn không nhằm mục đích khai thác quyền biểu diễn tác phẩm. Trong trường hợp như vậy thì việc đòi khách sạn phải trả tiền là khiên cưỡng, thiếu cơ sở. |
TS Lê Minh Hùng - giảng viên Đại học Luật TP.HCM |
Phần đông độc giả không đồng tình với cách thu phí tác quyền với trường hợp sử dụng các chương trình tivi trong kinh doanh vì phía truyền hình đã đóng rồi. Tuy nhiên, cũng có độc giả cho rằng việc thu phí này là đúng pháp luật.
“Dùng tài sản cá nhân kinh doanh thì phải trả tiền?”
Về việc các khách sạn phải chịu phí bản quyền âm nhạc qua tivi, ông Nguyễn Mạnh Quý - trưởng văn phòng đại diện phía Nam Cục Bản quyền tác giả - cho biết:
“Về nguyên tắc thì việc thu tiền bản quyền âm nhạc cho tivi sử dụng trong khách sạn là đúng. Các nước khác cũng đã áp dụng điều này theo hình thức thu khoán.
Bởi vì khi các khách sạn sử dụng kênh truyền hình trả tiền là họ trả cho phía truyền hình để nhận tín hiệu đó. Nhưng trong truyền hình có sử dụng âm nhạc và các kênh truyền hình âm nhạc… nên khách sạn vẫn bị thu phí tiền bản quyền âm nhạc.
Tuy nhiên, vấn đề là cách thức thu như thế nào, phân loại khách sạn 5 sao, 3 sao… ra sao để thu cho hợp lý”.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN chi nhánh phía Nam cho hay việc thu tiền tác quyền này đã được thực hiện ở nhiều tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Bình Dương, Phan Thiết, Lâm Đồng… hơn 10 năm nay.
“Bao giờ cũng vậy, lúc đầu mọi người chưa hiểu thì phản ứng, nhưng sau đó thực hiện. Riêng ở Đà Nẵng, vì Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN của chúng tôi mới mở văn phòng ở đây nên việc thu phí muộn hơn các tỉnh thành khác.
Trước mỗi lần thu phí như vậy chúng tôi đều tổ chức gặp mặt để giải thích, nhưng nhiều doanh nghiệp không đến để nghe nên không hiểu, phản ứng là cũng dễ hiểu!” ông Cẩn nói.
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương - giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), vì âm nhạc là tài sản riêng của tác giả đã được luật pháp công nhận, nếu sử dụng tác phẩm âm nhạc vào mục đích kinh doanh dù gián tiếp hay trực tiếp đều phải trả tiền.
Ông Phương diễn giải: “Nếu nói tôi đã mua tivi, tôi đã trả tiền mua truyền hình cáp thì đó là tiền liên quan, chứ không phải tiền tác giả.
Nếu chỉ dùng cho cá nhân thì chỉ phải trả tiền liên quan, nhưng nếu sử dụng chương trình ấy phục vụ khách hàng thì phải trả tiền tác giả bao gồm quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền phát sóng, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng...
Do đó, những người sử dụng phải tìm hiểu. Đó không phải là phí chồng phí, mà là từng việc khác nhau. Việc thu phí ở Hà Nội và TP.HCM lúc đầu cũng có thắc mắc, nhưng sau đó đều chấp thuận”.
Dùng tài sản của cá nhân phục vụ kinh doanh thì đều phải trả tiền, rất đơn giản như vậy. Thế giới đã thu tiền này hàng trăm năm nay. |
Nhạc sĩ Phó Đức Phương |
Thu tượng trưng nhưng tổng tiền không nhỏ
Dù là câu chuyện không mới nhưng khi vấn đề này được khơi ra, việc thu phí hay không thu phí, mức phí thế nào, sự minh bạch trong việc thu phí lại vẫn còn là một vấn đề chưa gặp được sự đồng thuận và gây nhiều tranh cãi.
Các ý kiến luật sư mà Tuổi Trẻ ghi nhận lại có quan điểm ngược với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN.
Luật sư Tuyết Dung - giám đốc điều hành Công ty luật Victory LLC - cũng cho rằng do quy định pháp lý ở khoản 1 điều 23 nghị định 100 hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ chưa thật sự rõ ràng, cụ thể, bao quát được các trường hợp.
Vì thế trong trường hợp này, phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN giải thích, viện dẫn luật áp dụng theo hướng có lợi cho mình, chưa thật sự thuyết phục đối với các chủ thể khách sạn.
TS Lê Minh Hùng - giảng viên Đại học Luật TP.HCM - nói: “Việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN đòi thu tiền các khách sạn vì sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm là không thuyết phục và vô hình trung lại thu tiền oan với các khách sạn.
Nhà đài là đơn vị khai thác tác quyền âm nhạc và bán dịch vụ đến từng cá thể sử dụng tivi. Thông thường nhà đài đã có hợp đồng và phải trả tiền tác quyền vì biểu diễn tác phẩm qua các kênh phát sóng.
Như vậy những người xem, nghe âm nhạc trên tivi (bao gồm cả nhân viên, khách lưu trú) tại khách sạn chỉ là người thụ hưởng thụ động, hạn chế..."
Đồng quan điểm với TS Lê Minh Hùng, luật sư Nguyễn Tri Thắng - giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - đặt một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc:
“Làm sao định lượng được có bao nhiêu thời lượng, bao nhiêu tác phẩm... được sử dụng để yêu cầu khách sạn trả tiền tác quyền?
Mức thu đề nghị là 25.000 đồng/phòng/năm không có cơ sở tính toán hợp lý, mà chỉ là thu tượng trưng. Mặc dù là tượng trưng nhưng số tiền nếu thu được của tất cả các khách sạn, cơ sở lưu trú là không hề nhỏ”.
Ông Thắng nói thêm: “Cơ sở yêu cầu trả tiền của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN rất trừu tượng, mù mờ. Các chủ khách sạn có quyền từ chối yêu cầu của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN.
Trường hợp này, phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN có thể khởi kiện ra tòa hoặc yêu cầu trọng tài phân xử để bảo vệ yêu cầu của mình.
Khi nào Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN thu thập, cung cấp chứng cứ vi phạm của khách sạn cho cơ quan chức năng thì đó là cơ sở để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý”.
Không ít bạn đọc lo ngại và thắc mắc rằng việc thu phí tác quyền âm nhạc trên tivi có mở rộng sang các hộ gia đình, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết không có chuyện thu phí bản quyền âm nhạc qua tivi ở các hộ gia đình.
Theo quy định pháp luật thì chỉ có các hình thức kinh doanh mới chịu phí bản quyền âm nhạc qua tivi, còn hộ gia đình người dân hoặc các hoạt động cộng đồng thì không thu”.
Đà Nẵng đã thu tiền một số khách sạn Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN cho biết từ năm 2013, đơn vị này đã có công văn gởi đến một số đơn vị kinh doanh lớn có sử dụng âm nhạc ở nhiều lĩnh vực: karaoke, nhà hàng, quán cà phê, khách sạn. Có 12 cơ sở kinh doanh thực hiện quyền tác giả, trong đó có 1 khách sạn (Novotel Đà Nẵng). Riêng đối với khách sạn, trong năm 2016 đã có 3 khách sạn thực hiện trả tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc. Còn một đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN tại Đà Nẵng cho biết thêm từ đầu năm 2017 mới triển khai tới các khách sạn dưới 3 sao và đã thu tiền tác quyền âm nhạc đối với 5 khách sạn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận