Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và ông Kim Yong Chol, cựu lãnh đạo tình báo Triều Tiên và hiện là quan chức cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên, trở lại đàm phán sau giờ nghỉ giải lao ở Nhà khách Park Hwa (Bình Nhưỡng) ngày 7-7 - Ảnh: REUTERS
Tuyên bố ngày 7-7 của Bộ Ngoại giao Triều Tiên bày tỏ "lấy làm tiếc" về kết quả cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đồng thời cáo buộc chính quyền Mỹ đưa ra những đòi hỏi một phía về giải trừ hạt nhân của Triều Tiên.
"Xã hội đen"
"Phía Mỹ đến và đưa ra các yêu cầu đơn phương theo kiểu xã hội đen trong vấn đề phi hạt nhân" - một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh. Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi ngoại trưởng Mỹ rời Bình Nhưỡng sau chuyến thăm 2 ngày để đàm phán với giới chức Triều Tiên về những nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng.
"Cuộc đàm phán cấp cao lần này đã đẩy hai nước vào một tình huống nguy hiểm, làm lung lay thiện chí chưa bao giờ thay đổi của Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa hơn là củng cố niềm tin chiến lược giữa Mỹ và Triều Tiên" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên có đoạn nhấn mạnh.
Không có bình luận lập tức từ Nhà Trắng hay Bộ Ngoại giao Mỹ về tuyên bố của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, những bình luận và tuyên bố trái ngược giữa hai nước khiến người ta đặt câu hỏi rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra.
Trước khi rời Bình Nhưỡng tới Nhật Bản để gặp người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung Wha trong ngày 8-7, ông Pompeo khẳng định các cuộc trao đổi với người đồng cấp Triều Tiên về việc phá hủy kho hạt nhân của Bình Nhưỡng "rất có hiệu quả". Tuy nhiên, ông Pompeo không tiết lộ chi tiết với báo giới về việc Triều Tiên dự định sẽ triển khai như thế nào cam kết "phi hạt nhân hóa".
Theo ngoại trưởng Mỹ, các trao đổi giữa hai bên xoay quanh những nội dung "phức tạp", song hai phía đã đạt được "tiến triển trên hầu hết những vấn đề trọng tâm". Dù vậy, vẫn còn một số việc mà cả Washington và Bình Nhưỡng cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Giới quan sát nhận định những tuyên bố kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược giữa Mỹ và Triều Tiên cho thấy nguy cơ một trong hai sẽ phải nhượng bộ trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Điều đó cũng đồng nghĩa sẽ tiếp tục có "những tình huống nguy hiểm" để nắn gân trên bàn đàm phán.
Triều Tiên muốn nhận hơn cho?
Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm với hai người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc tại Tokyo ngày 8-7, Ngoại trưởng Pompeo một lần nữa khẳng định chuyến đi của ông tới Bình Nhưỡng đã đạt được những "tiến triển nhất định", trong đó hai bên đã tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đạt được trong cuộc gặp lịch sử hôm 12-6.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington sẽ tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt với Triều Tiên tới khi nào Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Không rõ những tiến triển mà ông Pompeo đã nhắc tới là gì. Song theo các chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên, Washington cần chậm lại và đón bắt các tín hiệu từ Bình Nhưỡng. "Triều Tiên đang muốn nhận, không phải cho" - ông Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, ám chỉ mục tiêu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng" mà Mỹ đặt ra với Triều Tiên.
Trên bình diện công khai, rõ ràng Bình Nhưỡng đã đạt được nhiều thứ so với thứ mà Washington muốn làm là giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Người Mỹ đã ngừng các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc; tránh đặt ra vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược; đã dẹp mô hình phi hạt nhân hóa Libya.
Nhưng sau bức màn, sau các bức tường của tòa nhà nơi các quan chức cấp cao Mỹ - Triều gặp nhau, chuyện thật sự xảy ra chỉ có người trong cuộc là hiểu rõ nhất.
Thúc giục Triều Tiên đi theo hình mẫu Việt Nam
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước khi hai bên tiến hành hội đàm sáng 9-7 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sáng 9-7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực mang tính xây dựng, thông qua đối thoại để hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo diễn ra trong bối cảnh hợp tác kinh tế - thương mại đang trên đà tăng trưởng, kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 51 tỉ USD.
Hai bên nhất trí sẽ ưu tiên thúc đẩy trao đổi đoàn, đặc biệt là trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, tiếp tục coi hợp tác thương mại và đầu tư là động lực cho quan hệ Việt - Mỹ, triển khai tích cực các thỏa thuận trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước, tăng cường quan hệ giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân...
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chia sẻ trên Twitter sau khi chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều 8-7: "Các nhà lãnh đạo Việt Nam chia sẻ tầm nhìn của chúng ta về một Triều Tiên phi hạt nhân hóa và một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Mong đợi những bước phát triển mới trong quan hệ Mỹ - Việt".
Trong bài phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác của Mỹ tại Hà Nội tối cùng ngày, Ngoại trưởng Pompeo thúc giục Triều Tiên đi theo hình mẫu của Việt Nam và bày tỏ tin tưởng Bình Nhưỡng có thể đi theo con đường bình thường hóa quan hệ với Mỹ như Hà Nội để mang lại sự thịnh vượng cho người dân. (QUỲNH TRUNG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận