Trạm không gian quốc tế - Ảnh: QUARTZ
Theo Hãng tin AP, giám đốc chương trình trạm không gian của NASA, ông Joel Montalbano trong một cuộc họp báo hôm 14-3 cho biết cơ quan vũ trụ của Nga đã xác nhận họ sẵn sàng đưa cả 3 phi hành gia gồm ông Vande Hei, người Mỹ và 2 người Nga trở về Trái đất.
Như thường lệ, một chiếc máy bay của NASA và một nhóm nhỏ sẽ có mặt tại Kazakhstan để đưa phi hành gia Vande Hei trở về nhà ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ.
Phi hành gia Vande Hei ở trong không gian 355 ngày, thiết lập một kỷ lục mới của Mỹ. Kỷ lục thế giới là ở 438 ngày liên tục trong không gian thuộc về Nga.
NASA cũng như các cơ quan vũ trụ châu Âu, Nhật Bản và Canada muốn giữ trạm không gian hoạt động cho đến năm 2030.
Trạm không gian quốc tế (ISS) là một trạm vũ trụ module ở quỹ đạo thấp của Trái đất. Đây là một dự án hợp tác đa quốc gia, với sự tham gia của 5 cơ quan vũ trụ: NASA (Mỹ), Roscosmos (Nga), JAXA (Nhật), ESA (châu Âu) và CSA (Canada). Quyền sở hữu và sử dụng trạm vũ trụ được xác lập bởi các hiệp ước và thỏa thuận liên chính phủ.
Mỹ và Nga là những nhà khai thác chính của trạm không gian đã hoạt động trong 21 năm qua.
Trước khi SpaceX bắt đầu đưa phi hành gia lên trạm không gian vào năm 2020, Người Mỹ thường xuyên đi nhờ trên các con tàu Soyuz của Nga với giá hàng chục triệu USD/chỗ ngồi.
Các cơ quan vũ trụ của Mỹ và Nga vẫn đang nghiên cứu một hệ thống trao đổi lâu dài. Trong đó, một người Nga sẽ lên tàu con thoi SpaceX bắt đầu từ mùa thu này và một người Mỹ sẽ bay với Soyuz. Điều đó sẽ giúp đảm bảo sự hiện diện của cả Mỹ và Nga trên trạm không gian.
NASA cho biết các hoạt động của trạm không gian vẫn tiếp tục như mọi khi, trên quỹ đạo và Trái đất.
"Sẽ là một ngày đáng buồn cho các hoạt động quốc tế nếu chúng ta không thể tiếp tục hoạt động trong không gian một cách hòa bình", bà Kathy Lueders, phi hành gia tàu vũ trụ của NASA, cho biết và cũng lưu ý rằng sẽ "rất khó khăn" nếu đi một mình.
Cựu phi hành gia NASA, bà Heidemarie Stefanyshyn-Piper, người có cha sinh ra ở Ukraine, thừa nhận đây là một tình huống khó khăn.
"Chúng tôi đang trừng phạt Nga. Các công ty đang rút khỏi hoạt động kinh doanh ở Nga. Tuy nhiên, vẫn có cơ quan vũ trụ Mỹ hợp tác với người Nga. Bạn không thể nhấn một nút và tách hai bên của trạm không gian" - bà Heidemarie nói.
Ông Jeffrey Manber, hiện làm việc với Công ty tư nhân Voyager Space, đã giúp củng cố mối quan hệ giữa Mỹ và Nga vào giữa thập niên 1990 và trong giai đoạn đầu của trạm không gian được phóng vào năm 1998. Ông Manber coi trạm không gian là "một trong những điểm cộng tác cuối cùng" giữa hai quốc gia.
"Nếu quan hệ đối tác kết thúc, chương trình ISS sẽ kết thúc sớm" - ông cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận